6 cách giúp con rèn luyện tính tập trung trong học tập
Tính tập trung là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ học tập hiệu quả và thành công trong tương lai. Bài viết dưới đây sẽ giúp các phụ huynh khám phá 6 cách giúp con rèn luyện tính tập trung trong quá trình học.
1. Tạo danh sách mục tiêu, chia nhỏ công việc
Để giúp trẻ tập trung và hiệu quả hơn trong việc học tập, một trong những phương pháp hữu ích là tạo danh sách mục tiêu và chia nhỏ công việc. Phụ huynh có thể hỗ trợ trẻ tạo danh sách những nhiệm vụ cần thực hiện trong ngày hoặc trong buổi học, qua đó giúp trẻ xác định rõ mục tiêu cần làm gì trong một khoảng thời gian cụ thể. Ví dụ, khi được giao bài tập đọc hiểu một cuốn truyện, con có thể đặt ra mục tiêu cụ thể là tự đọc được bao nhiêu trang, ghi nhớ được tên các nhân vật chính hoặc trả lời đúng được các câu hỏi cuối truyện.
Ngoài ra, từ một nhiệm vụ lớn, phụ huynh cũng có thể hướng dẫn con cách chia nhỏ thành các nhiệm vụ nhỏ hơn, dễ quản lý hơn và giải quyết từng phần một. Bằng cách này, con có thể tập trung vào từng nhiệm vụ, hoàn thành chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đồng thời điều này cũng giúp duy trì khả năng tập trung và tự tin của trẻ trong việc tự quản lý công việc.
2. Rèn thói quen chỉ làm một việc ở một thời điểm
Trước hết, phụ huynh nên giải thích cho con hiểu một cách đơn giản “Tập trung” có nghĩa là ko phân tán, chú tâm vào một công việc tại một thời điểm và tránh làm nhiều việc cùng lúc. Để rèn luyện kỹ năng này, trẻ cần phát triển thói quen chỉ làm một việc ở một thời điểm, giúp tránh sự phân tán tâm trí, hiệu quả hơn trong học tập và tất cả các hoạt động.
Ví dụ: Con không được vừa ăn và xem TV, vừa đọc sách vừa chơi đồ chơi… Thay vào đó, phụ huynh có thể yêu cầu con nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ và sau đó tiến đến công việc tiếp theo.
Phụ huynh cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm gương cho trẻ rèn luyện thói quen này. Bố mẹ hãy thể hiện sự tập trung khi làm việc và khuyến khích con theo đuổi thói quen tương tự. Bằng cách này, trẻ sẽ dễ dàng quan sát và học được cách quản lý thời gian, tập trung vào công việc một cách hiệu quả từ chính những người thân trong cuộc sống hàng ngày.
3. Áp dụng phương pháp Brain Breaks – “quãng nghỉ ngắn” để kích thích tập trung
Áp dụng phương pháp “Brain Breaks” để thúc đẩy sự tập trung của trẻ là một cách hiệu quả và khoa học. Trẻ nhỏ thường khó ngồi yên một chỗ do nhu cầu vận động rất lớn. Khi trẻ bắt đầu mất tập trung là khi bộ não chuyển sang trạng thái “nghỉ ngơi”. Lúc này, việc chỉ đơn thuần nhắc nhở và yêu cầu trẻ tập trung trở lại thường không khả thi. Thay vào đó, các “quãng nghỉ ngắn cho não” sẽ là công cụ hiệu quả để giúp trẻ lấy lại sự tập trung và giảm căng thẳng.
Đây là phương pháp sử dụng những hoạt động vận động ngắn, thường chỉ kéo dài vài phút và dễ dàng thực hiện, giúp kích hoạt lại hoạt động não bộ và giúp trẻ giải tỏa nhu cầu vận động. Tại Mầm non Vinschool, các giáo viên thường xuyên sử dụng hoạt động này, kết hợp âm nhạc và vận động để đảm bảo rằng bộ não được thư giãn và tỉnh táo, giúp trẻ tập trung sau khi quay lại vào bài học. Phụ huynh hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp này tại nhà cùng con, xen kẽ các quãng nghĩ 5 – 10 phút bằng một bài tập thể dục, một điệu nhảy, một trò chơi, v.v.
Đọc thêm tại: “Brain breaks” – Giúp bộ não thư giãn cùng các vận động ngắn – Vinschool
4. Lập kế hoạch, lịch trình mỗi ngày
Lập kế hoạch và thực hiện một lịch trình hàng ngày là một phương pháp tốt để giúp trẻ phát triển kỷ luật và quản lý thời gian, từ đó rèn luyện tính tập trung cho trẻ. Phụ huynh có thể giúp trẻ xây dựng một lịch trình cá nhân, bao gồm cả thời gian dành cho giờ chơi, học tập và các nhiệm vụ khác. Đồng thời, phụ huynh cần duy trì cho trẻ tuân thủ lịch trình một cách đều đặn.
Ngoài ra, quá trình này cũng giúp trẻ phát triển kỹ năng kiên nhẫn và sự kiên trì trong việc hoàn thành nhiệm vụ theo lịch trình. Phụ huynh có thể chia sẻ những lợi ích và mục tiêu dài hạn của việc thực hiện kế hoạch để trẻ thấy được động viên và thúc đẩy bản thân hơn trong quá trình rèn luyện thói quen này
5. Tạo môi trường học tập yên tĩnh, khoa học
Tạo môi trường học tập yên tĩnh và có tổ chức là một phần quan trọng trong việc giúp trẻ tập trung và nâng cao hiệu quả trong việc học. Để làm điều này, trước hết, phụ huynh cần phân tích các yếu tố gây xao nhãng cho từng trẻ, vì mỗi trẻ có đặc điểm riêng của mình. Có trẻ bị xao nhãng bởi đồ chơi xung quanh, trong khi có trẻ cảm thấy nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, hoặc sự hiện diện của anh chị em trong nhà. Vì vậy, quyết định cụ thể về môi trường học tập nên dựa trên đặc điểm của từng đứa trẻ.
Phụ huynh có thể tham khảo một số gợi ý sau:
- Tạo ra một không gian học tập lý tưởng: không gian nên ít đồ chơi và dụng cụ xung quanh để tránh sự xao nhãng, đặc biệt khi trẻ đang trong quá trình học. Đảm bảo không gian học tập của trẻ thoáng đãng, sạch sẽ và không bị ồn ào.
- Vị trí bàn học: Bàn học nên được hướng về phía có ánh sáng tự nhiên, vì ánh sáng có khả năng kích thích khả năng tư duy.
- Sắp xếp bàn học hợp lý: Chỉ đặt đồ dùng học tập và sách vở cần thiết để tránh sự phân tâm. Trẻ có thể viết và dán ghi chú nhắc nhở công việc quanh bàn học, nhưng nên sắp xếp chúng một cách hợp lý để dễ dàng tìm đọc và tránh tạo ra cơ hội phá vỡ sự tập trung.
6. Rèn luyện tính tập trung qua các trò chơi
Bên cạnh các công cụ trên, khả năng tập trung của trẻ có thể rèn luyện thông qua các trò chơi đơn giản, trí tuệ nhưng vẫn rất cuốn hút trẻ.
- Trò chơi ghép hình: Trò chơi ghép hình đòi hỏi trẻ phải quan sát và tập trung vào các chi tiết nhỏ của các mảnh ghép để xác định cách chúng phù hợp với nhau. Điều này giúp trẻ phát triển khả năng quan sát và tập trung vào công việc cụ thể. Bên cạnh đó, trò chơi cũng giúp trẻ phát triển tư duy logic, tính kiên nhẫn và giải quyết vấn đề.
- Trò chơi ống nhòm: Trò chơi được ứng dụng dành riêng để tăng khả năng tập trung của trẻ. Trẻ sẽ dùng tay tạo thành ống nhòm và tập trung quan sát vào một đồ vật, từ đó dần dần tạo thói quen tập trung vào một nhiệm vụ khi có mệnh lệnh.
- Trò chơi tìm điểm khác nhau: Trò chơi tìm điểm khác nhau yêu cầu trẻ phải xem xét một cặp hình ảnh và tìm ra những điểm khác biệt giữa chúng. Điều này đòi hỏi sự quan sát chi tiết và khả năng tập trung vào từng chi tiết nhỏ của hình ảnh.
- Trò chơi mê cung: Trong quá trình giải mê cung, trẻ phải thận trọng quan sát và lập kế hoạch để tìm đường đi đúng và tránh bị lạc hướng. Điều này đòi hỏi trẻ phải tập trung vào bản đồ mê cung và xem xét tùy chọn đường đi trước khi quyết định hướng đi, đồng thời trò chơi có thể giúp trẻ học cách quản lý thời gian và tập trung vào mục tiêu cụ thể trong hoạt động.
Qua bài viết trên Vinschool hi vọng phụ huynh đã có thêm thông tin tham khảo về các cách giúp con rèn luyện tính tập trung hiệu quả trong học tập cũng như các hoạt động khác trong cuộc sống hằng ngày. Mầm non Vinschool luôn chú trọng rèn luyện các kỹ năng phẩm chất thiếu yếu cho trẻ để phát triển toàn diện và thành công trong tương lai.
*Nguồn tham khảo các thông tin trong bài: MyEQ – Source Code Technology