fbpx

“Brain breaks” – Giúp bộ não thư giãn cùng các vận động ngắn

Thứ Sáu, 29/07/2022, 16:07 (GMT+7)

Trẻ nhỏ khó có thể ngồi yên một chỗ vì nhu cầu vận động của cơ thể trẻ là rất lớn. Khi trẻ bắt đầu thiếu tập trung là lúc bộ não của trẻ quay trở về trạng thái “nghỉ”. Thật ra, việc cựa quậy, nhúc nhích liên tục chính là cách trẻ kích thích não bộ hoạt động trở lại - vậy nên nếu người lớn chỉ nhắc nhở và yêu cầu trẻ tập trung chú ý, thì thường không có tác dụng. Trẻ nhỏ sẽ rất cần các vận động ngắn giúp bộ não thư giãn (Brain breaks) – một công cụ hiệu quả và nhanh chóng để kích hoạt não bộ, giúp trẻ lấy lại sự tập trung chú ý và giảm căng thẳng.

1. “Brain breaks” là gì?

“Brain breaks” – một thuật ngữ về “Các vận động ngắn giúp bộ não thư giãn”, đây chính là một kỹ thuật quan trọng mà các giáo viên được đào tạo tại trường Mầm non Vinschool. Mỗi hoạt động chỉ cần kéo dài khoảng vài phút, thường là dưới dạng các bài vận động theo nhạc. Các vận động ngắn được tổ chức thường xuyên trong ngày, với nguyên tắc là “nhanh-gọn-lẹ” để não bộ vừa được thư giãn, vừa được thức tỉnh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc nghỉ ngơi định kỳ của não bộ sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng tập trung của trẻ và của cả người lớn. Thường thì với trẻ nhỏ, mỗi 10 phút tập trung chú ý (học tập, viết vẽ…) trẻ sẽ cần 5-10 phút “brain breaks”. Khi trẻ dần lớn lên, khả năng tập trung cao hơn thì có thể mỗi 20-30 phút mới cần một lần “brain breaks”. Sau khi được vận động như vậy, trẻ sẽ dễ lấy lại được khả năng chú tâm, từ đó có thể tham gia vào các hoạt động khác một cách tích cực hơn.

2. “Brain breaks” cùng “Chiếc lọ thư giãn”

Tại trường Mầm non Vinschool, các bạn nhỏ thường được lựa chọn ngẫu nhiên các “Vận động ngắn” thông qua một “Chiếc lọ thư giãn”. Quý phụ huynh có thể tham khảo để thiết kế một “Chiếc lọ thư giãn” tại nhà để bất kỳ khi nào não bộ cần thư giãn, trẻ có thể thoải mái lựa chọn các hoạt động để thực hiện cùng cả gia đình.

* Hướng dẫn cách làm: 

– In màu lên bìa cứng và cắt ra, dán lên que gỗ (hoặc ghi/vẽ các bài vận động lên thẻ)

– Thẻ nên có 2 mặt: 1 mặt là hình ảnh minh họa, 1 mặt là “Hướng dẫn thực hiện”

– Đặt nhiều thẻ vào “Chiếc lọ thư giãn”, người bốc thăm một “Vận động ngắn” có thể là trẻ hoặc thành viên bất kỳ trong gia đình.

* 12 tấm thẻ “Brain breaks” phổ biến nhất:

Tương tự, quý phụ huynh và các bạn nhỏ có thể cùng lên nội dung cho nhiều hoạt động vận động mà trẻ yêu thích nhất để hoàn thiện “Chiếc lọ thư giãn”, ví dụ như: các động tác múa, nhảy dây, hít thở, thăng bằng, chống đẩy, giả vờ làm các con vật, … và cả những hoạt động ngắn ngoài trời như trượt ván, xích đu… “Chiếc lọ thư giãn” nên có 20 – 30 tấm thẻ để các hoạt động luôn được thay đổi và không nhàm chán, và cần đặc biệt lưu ý đến sở thích của trẻ. “Brain breaks” chắc hẳn là những thời điểm tuyệt vời để kết nối, tương tác và gắn kết cả gia đình.

Nguồn tham khảo: 3rd Grade Thoughts