Quy định xử lý cáo buộc về xâm hại trẻ em
QUY ĐỊNH XỬ LÝ CÁO BUỘC VỀ XÂM HẠI TRẺ EM
GIỚI THIỆU
Quy định này nhằm hướng dẫn và hỗ trợ Ban Giám hiệu nhà trường trong việc xử lý cáo buộc về hành vi xâm hại trẻ em của GV và những người lớn khác – là những người hiện đang hoặc đã từng công tác tại Vinschool. Văn bản này được điều chỉnh từ “Quy định xử lý cáo buộc về hành vi xâm hại trẻ em của GV và những người lớn khác dành cho các trường quốc tế” do Tổ công tác quốc tế về BVTE (ITFCP) xuất bản tháng 09 năm 2018. Nhà trường cần nghiên cứu và triển khai Quy định này cùng với Chính sách bảo đảm an toàn học đường và CSBVTE của Vinschool.
MỤC ĐÍCH VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
Quy định này tập trung vào quy trình báo cáo và xử lý những quan ngại liên quan tới hành vi xâm hại trẻ em của người lớn, đưa ra các bước cần thực hiện khi ghi nhận một cáo buộc và sau khi cáo buộc đã được giải quyết. Mặc dù Quy định có thể được áp dụng chung cho mọi cáo buộc về hành vi xâm hại trẻ em của người lớn, tuy nhiên mỗi trường hợp có thể cần hướng giải quyết riêng nên không bắt buộc phải thực hiện theo tất cả các bước và trình tự này.
NGUYÊN TẮC TRIỂN KHAI
Để xử lý cáo buộc hiệu quả cần tuân theo 03 nguyên tắc sau, đồng thời cần thông báo rõ ràng các biện pháp xử trí của Nhà trường tới các bên liên quan, điều này sẽ giúp bảo vệ danh tiếng của Vinschool.
- Đối với HS: đảm bảo an toàn cho HS và hành động vì lợi ích tốt nhất của nạn nhân và HS, trong đó bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ cho mọi HS bị ảnh hưởng. Nguyên tắc này cần được ưu tiên hàng đầu, đảm bảo:
-
- duy trì việc học tập và cung cấp dịch vụ cho HS;
- xem lợi ích tốt nhất của nạn nhân là yếu tố cân nhắc chính khi ra quyết định;
- xem xét mong muốn và cảm xúc của nạn nhân khi đưa ra quyết định, đồng thời nhận thức rằng quyết định cuối cùng thuộc về người lớn; và
- phối hợp với PH, trừ khi việc làm này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của HS.
- Đối với người bị cáo buộc: đảm bảo rằng các quyền của họ được duy trì (bao gồm cả quyền về việc làm và quyền riêng tư) và tuân thủ những nguyên tắc của công lý tự nhiên. Các nguyên tắc này yêu cầu Nhà trường thông báo về cáo buộc cho người bị cáo buộc và cho họ cơ hội giải trình.
- Về tuân thủ pháp luật và báo cáo bắt buộc: đảm bảo rằng các nghĩa vụ pháp lý do Nhà nước Việt Nam quy định đều được tuân thủ và các biện pháp xử trí tức thời của Nhà trường giúp bảo vệ tối đa tính toàn vẹn của các cuộc điều tra hình sự trong tương lai.
XỬ LÝ CÁO BUỘC
Đảm bảo quá trình điều tra nội bộ của Nhà trường không gây cản trở bất kỳ công tác điều tra nào do cơ quan bên ngoài thực hiện, ví dụ như cơ quan công an. Cơ quan điều tra sẽ thông báo cho Nhà trường những hoạt động nào có thể được thực hiện trong khi xem xét hoặc tiến hành điều tra. Việc thu thập bằng chứng và tính hợp lệ là những yếu tố chính mà cơ quan điều tra muốn bảo vệ.
Phát sinh cáo buộc
Một cáo buộc có thể phát sinh dưới nhiều hình thức, bao gồm:
- Báo cáo bằng văn bản của nạn nhân hoặc bất kỳ thành viên nào khác trong trường hoặc ngoài nhà trường mô tả hoặc đề cập đến các hành vi không phù hợp của người lớn – ví dụ: thông tin tiết lộ trong quá trình trao đổi với Nhà trường và những người khác, câu trả lời trong phiếu khảo sát và các thông tin chung được đăng tải trên mạng xã hội;
- Việc tiết lộ hoặc tiết lộ một phần thông qua lời nói hoặc không qua lời nói (như qua việc đóng kịch) của nạn nhân hoặc bất kỳ thành viên nào khác trong trường hoặc ngoài nhà trường;
- Một khiếu nại. Phải luôn phản hồi cáo buộc, kể cả trường hợp người bị cáo buộc có địa vị cao, “đáng kính” hay nạn nhân có “thái độ thách thức”, “gây khó khăn”. Trường hợp xảy ra cáo buộc cố ý bịa đặt hoặc có ác ý là cực kỳ hiếm. Phải kiểm tra cẩn thận các cáo buộc nặc danh, cáo buộc “có ác ý” và không được bỏ qua cáo buộc do yếu tố nặc danh hoặc do động cơ của người cáo buộc.
Các yếu tố cần xem xét khi phản hồi thông tin được tiết lộ:
- Khi HS tiết lộ về việc bản thân hoặc HS khác đã hoặc đang bị xâm hại, nhưng tỏ rõ cảm thấy không thoải mái trong cuộc trò chuyện, thì cần hỏi liệu HS có muốn nói chuyện với một người lớn khác mà HS thấy thoải mái để trò chuyện hơn không, ví dụ như: NV tư vấn hoặc NV phòng công tác HS của nhà trường.
- Đặt các câu hỏi mở, không mang tính dẫn dắt để tạo thuận lợi cho quá trình tiết lộ thông tin. Xác định trạng thái thể chất và tinh thần của HS để từ đó có sự hỗ trợ phù hợp. Chỉ đặt những câu hỏi giúp khai thác các thông tin quan trọng như:
- các thông tin cơ bản (Vụ việc xảy ra ở đâu và khi nào? Người lớn nào có liên quan?)
- tình trạng an toàn của HS trong lúc đó; và
- nhu cầu chăm sóc ngay lập tức về tâm lý, thể chất, hoặc y tế của HS.
Trong trường hợp thông tin tiết lộ ở dưới hình thức văn bản về một vụ việc không xảy ra gần đây, cần phản hồi nhanh chóng với tư cách cá nhân, tránh giọng điệu pháp lý.
Các hành động cấp thiết
- Thực hiện bất kỳ hành động cấp thiết nào cần để bảo vệ HS khỏi nguy cơ bị tổn hại trước mắt.
- Lập tức báo cáo về cáo buộc theo các hướng dẫn báo cáo trong CSBVTE.
- Ghi lại lời cáo buộc càng sớm càng tốt. Bất kỳ NV nào có thông tin về cáo buộc phải lập hồ sơ sớm nhất có thể, bao gồm:
- thời gian, thứ, ngày tháng và địa điểm tiết lộ/phát hiện;
- danh tính của HS và người bị cáo buộc;
- thông tin chi tiết về biểu hiện và hành vi;
- đã báo cáo cho ai; và
- tên người lập báo cáo.
Khi ghi lại thông tin tiết lộ của HS, cần ghi lại lời cáo buộc bằng chính từ ngữ của HS đó càng sớm càng tốt, sau đó ký và ghi ngày vào hồ sơ. Mọi bổ sung hoặc thay đổi phải được thêm vào bản ghi đầu mà không làm thay đổi bản gốc.
- Quyết định nhân sự chỉ đạo quy trình xử lý cáo buộc
Chuyên viên BVTE và Ủy ban BVTE của nhà trường chịu trách nhiệm điều phối quy trình xử lý cáo buộc. Nhà trường cần xem xét tới tính chất của vụ việc và các yếu tố khác khi muốn bổ sung thành viên.
Đánh giá rủi ro và bảo vệ chứng cứ
Cùng với việc tham vấn pháp lý, Nhà trường phải đánh giá các rủi ro trước mắt và bảo vệ chứng cứ. Có thể cần phối hợp với Trưởng bộ phận Công nghệ thông tin ngay từ giai đoạn đầu để đảm bảo chứng cứ được bảo vệ. Ví dụ như: xóa quyền truy cập vào hệ thống trường học của người bị cáo buộc trước khi thông báo về cáo buộc cho họ, hoặc khóa email và các tài khoản của người bị cáo buộc trước khi chặn quyền truy cập. Sau khi đã chặn quyền truy cập, các nhân sự của bộ phận Công nghệ thông tin không được điều tra các hệ thống và thiết bị ngoại tuyến, mà Nhà trường phải cung cấp các chứng cứ này cho cơ quan điều tra bên ngoài hoặc nhân sự phụ trách điều tra nội bộ.
Đánh giá và xử lý ban đầu
Báo cáo cho cơ quan bên ngoài
Vinschool sẽ tham vấn pháp lý để quyết định về việc báo cáo và phối hợp với các cơ quan bên ngoài (nếu cần). (Xem CSBVTE)
Đánh giá cáo buộc ban đầu
Tùy theo tính chất của vụ việc mà có thể cần thực hiện một số bước đánh giá cáo buộc sơ bộ trước khi quyết định các hành động tiếp theo. Các bước này chỉ được thực hiện với sự tham vấn pháp lý như: rà soát hồ sơ nhân sự và hồ sơ bảo vệ trẻ em, đồng thời liên hệ với người tham chiếu và GV ở nơi người bị cáo buộc từng làm việc.
Đảm bảo an toàn
Khi cáo buộc gây ra hậu quả, Nhà trường cần:
- tìm hiểu xem HS muốn gì và muốn được ai hỗ trợ cả bên trong và ngoài trường học;
- với sự tham vấn pháp lý, tìm cách xác định và bảo vệ những nạn nhân khác của nhà trường hay các trường học khác (trong nước hoặc quốc tế).
Chia sẻ thông tin và truyền thông
- Nhà trường cần báo cáo tới Tổng giám đốc Hệ thống Giáo dục Vinschool và quyết định những ai khác cần được thông báo. Đảm bảo không có thông tin nào được tiết lộ có thể gây cản trở cho quá trình điều tra nội bộ hoặc điều tra bên ngoài trong tương lai, vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu hay xâm phạm các quyền của NV và HS.
- Chuyên viên BVTE đã được chỉ định phải thường xuyên cập nhật các tiến triển của vụ việc tới các nhân sự liên quan.
- Nhà trường chỉ định một thành viên của Ủy ban BVTE chịu trách nhiệm cho công tác truyền thông. Nhân sự này cần nắm được tất cả cả các thông tin về sự việc và giữ thông tin an toàn, bảo mật cho đến khi được phép thông báo.
- Vinschool sẽ quyết định về việc thông báo tới các cơ quan bên ngoài (nếu cần), ví dụ như cơ quan thanh tra, giám định, quản lý hoặc bảo hiểm. Vinschool cũng sẽ quyết định thông tin nào nên được cung cấp, cách thức cung cấp và những gì nên hoặc có thể làm để bảo vệ tính bảo mật.
- Nhà trường cần tham vấn pháp lý trước khi thông báo, bao gồm thông báo cho nạn nhân và gia đình, người bị cáo buộc, NV, các trường học khác, và/hoặc giới truyền thông.
Lưu hồ sơ
Thực hiện lưu hồ sơ vụ việc một cách an toàn, bảo mật theo quy định tại CSBVTE.
Quyết định các bước hành động: tiếp nhận điều tra từ bên ngoài hay điều tra nội bộ?
Nhà trường cân nhắc các kịch bản sau với sự tham vấn pháp lý, tùy tình hình thực tế mà có thể phải thay đổi giữa các kịch bản.
Có một số yếu tố có thể dẫn tới việc quyết định không tiến hành điều tra hay truy cứu, bao gồm nhưng không giới hạn bởi việc thiếu bằng chứng, xảy ra sai sót trong thủ tục, tham nhũng và yêu cầu cao hơn về bằng chứng cho các cáo buộc hình sự. Nhưng điều đó không có nghĩa là người bị cáo buộc đã không thực hiện hành vi bị cáo buộc, và/hoặc người đó vẫn phù hợp để tiếp tục công việc có sự tiếp xúc với trẻ em.
Kịch bản 1 – cơ quan bên ngoài điều tra
Cơ quan bên ngoài tiến hành điều tra để xác định liệu người bị cáo buộc có phạm tội hay không.
Các bước xử lý tiếp theo của Nhà trường:
- Phối hợp với cơ quan điều tra bên ngoài và đảm bảo không gây ảnh hưởng tới quá trình điều tra. Duy trì trao đổi thông tin với cơ quan điều tra trong giới hạn cho phép.
- Nhà trường có thể tiến hành điều tra nội bộ đồng thời với cuộc điều tra bên ngoài, hoặc sau khi cuộc điều tra bên ngoài kết thúc.
Kịch bản 2 – cơ quan bên ngoài không điều tra
Nhà trường liên hệ với cơ quan bên ngoài nhưng cơ quan đó không tiếp nhận điều tra.
Các bước xử lý tiếp theo của Nhà trường:
- Ngay cả khi cơ quan bên ngoài không điều tra, thì Nhà trường phải đảm bảo thực hiện theo bất kỳ lời khuyên nào mà họ đã cung cấp nếu khả thi.
- Nhà trường xem xét tiến hành điều tra nội bộ, nhằm tìm hiểu sự việc và đưa ra các biện pháp xử trí phù hợp, để xác định liệu người bị cáo buộc có phù hợp để tiếp tục làm việc tại trường không.
Điều tra nội bộ – xem xét đánh giá mức độ phù hợp
Trong quá trình điều tra, ngoài việc tìm hiểu các bằng chứng liên quan tới hành vi sai trái, cũng cần tìm hiểu các bằng chứng minh tính chính trực của người bị cáo buộc. Nhà trường cần nỗ lực đảm bảo người bị cáo buộc hợp tác điều tra, bởi đây là cơ hội xác định liệu họ có phù hợp để tiếp tục làm việc trong môi trường có sự tiếp xúc với trẻ em hay không. Kết quả điều tra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới người bị cáo buộc, như gây hạn chế cho họ trong các công việc trong tương lai hoặc khiến họ bị chấm dứt công việc. Do đó, quy trình điều tra nội bộ cần đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc và mọi sự việc, lời khai và chứng cứ đều được ghi nhận đầy đủ.
Nhà trường nên làm gì khi người bị cáo buộc thôi việc?
Nhà trường cần thông báo tới các cơ quan bên ngoài tham gia vào điều tra cáo buộc. Đồng thời, tiếp tục tiến hành điều tra cả khi người bị cáo buộc đã thôi việc để có thể tìm hiểu sự việc một cách tường tận và đưa ra kết luận. Việc làm này sẽ giúp Nhà trường báo cáo về người bị cáo buộc cho các cơ quan chức năng địa phương hay trung ương tại Việt Nam, và cả tới quốc gia của người bị cáo buộc nếu họ không phải người Việt Nam. Cần cung cấp thông tin và kết quả điều tra cáo buộc khi xác nhận thông tin tham chiếu cho người bị cáo buộc sau này.
Các lưu ý quan trọng
- Không thỏa thuận với người bị cáo buộc rằng họ được “yên lặng ra đi”.
- Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được ký thỏa thuận bảo mật hoặc không tiết lộ, hoặc ký kết một thỏa thuận dàn xếp mà sẽ cản trở Nhà trường trong việc hoàn thành cuộc điều tra, báo cáo cáo buộc cho các cơ quan bên ngoài, hoặc tiết lộ thông tin cáo buộc khi xác nhận thông tin tham chiếu.
- Không tạo điều kiện cho người bị cáo buộc rời khỏi quốc gia nơi họ đang là đối tượng điều tra nội bộ hoặc điều tra bên ngoài.
- Không khuyến khích người bị cáo buộc thôi việc.
- Không vì lý do người bị cáo buộc đã ký hợp đồng lao động không thời hạn mà gạt bỏ vấn về.
Những việc làm trên có thể đặt các HS khác vào nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng và khiến các trường học khác gặp vấn đề tương tự. Danh tiếng của Vinschool có thể bị tổn hại nếu vụ việc bị phanh phui sau đó, hoặc nếu Nhà trường xử lý không phù hợp, đối xử không công bằng với một NV vô tội thì họ có thể bị đàm tiếu và tung tin đồn dẫn đến gây tổn hại cho sự nghiệp.
Đưa ra quyết định xử lý đối với CBNV nhà trường
Khi đã hoàn tất điều tra nội bộ hoặc khi cơ quan điều tra bên ngoài cung cấp đủ thông tin để Nhà trường đưa ra quyết định đối với người bị cáo buộc, Nhà trường cần tham vấn pháp lý, căn cứ các quy định và chính sách về kỷ luật NV và bảo đảm an toàn học đường để đưa ra quyết định phù hợp. Nếu kết quả điều tra xác nhận người bị cáo buộc có gây nguy hiểm cho trẻ em thì cần chấm dứt hợp đồng với nhân sự đó. Theo tham vấn pháp lý và các quy định và chính sách của Nhà trường, điều này thường đồng nghĩa với việc sa thải nhân sự.
Xác nhận thông tin tham chiếu của người bị cáo buộc
Việc không cung cấp chính xác kết quả điều tra và lý do sa thải khi xác nhận thông tin tham chiếu của người bị cáo buộc có thể khiến HS gặp rủi ro trong tương lai. Việc này cũng có thể tạo nên hình ảnh xấu về nhà trường với trường học nơi người bị cáo buộc làm việc tiếp theo và gây tổn hại nghiêm trọng cho danh tiếng của Nhà trường.
Khôi phục vị trí và quản lý khi người bị cáo buộc quay lại làm việc
Chỉ khôi phục vị trí cho người bị cáo buộc khi Nhà trường đảm bảo nhân sự đó không có nguy cơ gây hại cho trẻ em, đồng thời không hạn chế quyền tiếp cận trẻ em với họ. Có thể cần đào tạo NV đó về ranh giới cá nhân tại nơi làm việc, ví dụ như những nội dung đã được nêu trong “Quy định về việc tiếp xúc thân thể với HS” đồng thời giám sát nhân sự đó sau khi khôi phục vị trí, nhằm đảm bảo bất cứ vi phạm nào về quy tắc ứng xử dành cho NV cũng sẽ không bị lặp lại. Trong trường hợp CBNV đã vắng mặt tại nơi làm việc một thời gian và/hoặc khi cáo buộc được nhiều người biết tới, thì Nhà trường cần xem xét cách thức thông báo về việc quay trở lại vị trí và có kế hoạch hỗ trợ CBNV trong công việc.