fbpx

Kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn toán giúp các sĩ tử đạt điểm cao

Thứ Sáu, 24/06/2022, 09:06 (GMT+7)

Đâu là những kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Toán toàn diện và đầy đủ nhất là câu hỏi của không ít sĩ tử khi mùa thi cận kề. Đối với rất nhiều học sinh, Toán luôn là môn học “nỗi ám ảnh” với lượng kiến thức rộng lớn và vô vàn công thức khó nhớ. Nhằm giúp các sĩ tử có thể khắc phục tình trạng này, Vinschool xin tổng hợp và chia sẻ những kinh nghiệm ôn thi hiệu quả để đạt điểm cao môn Toán trong kỳ thi chuyển cấp sắp tới!

1. Kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Toán

Để ôn thi vào lớp 10 môn Toán, có một số lưu ý và và kinh nghiệm dưới đây mà các bạn học sinh cần nắm rõ. Qua đó, các bạn có thể trang bị cho mình một lịch trình ôn tập phù hợp với bản thân để đạt được những kết quả nhất định trong kỳ thi này.

1.1. Tìm hiểu cấu trúc đề thi, nắm được các dạng bài thường gặp

Thay vì ôn một cách tràn lan, nắm được cấu trúc đề thi giúp các bạn học sinh biết được mình cần tập trung vào những kiến thức nào là trọng tâm và cần thiết.

Cấu trúc đề thi môn toán thực ra rất rõ ràng với các nội dung trọng tâm sau đây:

Bài 1: Thường chiếm 2 điểm

Nội dung kiến thức xoay quanh:

  • Bài toán gồm 3 ý liên quan đến biểu thức chứa căn bậc hai
  • Rút gọn biểu thức (chú ý điều kiện xác định)
  • Tính giá trị biểu thức
  • Giải phương trình, bất phương trình, tìm giá trị của x để thỏa mãn yêu cầu bài toán,… Nội dung này thuộc phần kiến thức nâng cao, thường chiếm khoảng 0,5 điểm

Bài 2: Giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình, thường chiếm 2 điểm

Nội dung kiến thức xoay quanh:

  • Các bài toán thực tế: Chuyển động, công việc, lãi suất,…
  • Các bài có liên quan đến hình học: Ứng dụng thực tế của hệ thức lượng; hình học không gian…
  • Các bài toán tích hợp liên môn: Liên quan đến phần Vật lý, Hóa học,…

Những năm gần đây, đề bài thường có 2 ý chính. Ý thứ nhất thuộc phần thông hiểu, buộc học sinh phải nắm vững kiến thức mới có thể giải quyết được. Ý thứ hai thuộc phần vận dụng thấp, không quá khó các bạn học sinh đọc kỹ đề và cẩn thận vận dụng được nội dung kiến thức trên.

Bài 3: Chiếm 2,5 điểm

Nội dung kiến thức xoay quanh:

  • Giải hệ phương trình (quy về hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, hai phương trình) hoặc giải phương trình (chứa căn, phương trình trùng phương)
  • Bài toán về đường thẳng, hàm số bậc hai, phương trình bậc hai, đồ thị, hệ thức Vi-ét và ứng dụng
  • Phần này thường có thêm một ý phân hóa ở mức độ vận dụng, thường chiếm khoảng 0,5 điểm

Bài 4: Bài tập hình học thường chiếm 3 điểm

Nội dung kiến thức xoay quanh:

  • Chứng minh nhiều điểm cùng thuộc một đường tròn
  • Chứng minh tứ giác nội tiếp
  • Tính độ dài đoạn thẳng, tính góc, chứng minh hệ thức hình học và các biểu thức liên quan (thường dùng cả phần kiến thức về hệ thức lượng trong tam giác vuông và ứng dụng thực tế và tam giác đồng dạng)
  • Tiếp tuyến của đường tròn và các bài toán liên quan đến tiếp tuyến
  • Chứng minh ba đường thẳng đồng quy, hai đường thẳng song song, vuông góc, điểm thuộc đường thẳng cố định, bài toán quỹ tích, cực trị hình học,…

Bài 5: Phần nâng cao, thường chiếm 0,5 điểm, đây thường là câu khó nhất trong đề thi

Nội dụng thuộc một trong các phần sau:

  • Chứng minh bất đẳng thức
  • Tìm giá trị lớn nhất (GTLN), tìm giá trị nhỏ nhất (GTNN)
  • Giải hệ phương trình, phương trình nâng cao,…

Nhìn chung, các bạn nên lưu ý phần cấu trúc đề như sau:

Phần Đại số:

  • Trong đề thi chiếm 6 – 6,5 điểm, trong đó có khoảng 5 – 6,5 điểm mà các bạn học sinh có thể dễ dàng ăn điểm trọn vẹn nếu làm bài một cách cẩn thận, tỉ mỉ, chi tiết
  • Nên ôn tập một cách thành thạo các dạng bài để tránh bỏ lỡ những số điểm quan trọng

Phần Hình học:

  • Cần đặc biệt chú ý đến hình vẽ, cần vẽ hình chính xác theo đúng yêu cầu bài toán. Không có hình vẽ thì sẽ không có điểm toàn bộ câu này
  • Khai thác tốt các tính chất của các đối tượng trên và cách chứng minh của từng loại toán. Điều này sẽ giúp các bạn học sinh có những ý tưởng chứng minh rất nhanh gọn
  • Bài Toán hình học thường có từ 3 đến 4 ý, phân hóa theo cấp độ, nâng dần độ khó. Độ phân hóa khó nhất ở câu cuối cùng, chỉ chiếm khoảng 0,5 điểm, các ý trên mỗi ý chiếm khoảng 1 điểm.
Nắm chắc cấu trúc môn bài thi
Nắm chắc cấu trúc môn bài thi là bước quan trọng trước tiên khi ôn thi vào lớp 10 môn Toán

1.2. Khoanh vùng các kiến thức trọng tâm

Trước tiên các bạn cần xác định rõ các phần trọng tâm và hệ thống kiến thức theo từng chuyên đề để việc ôn luyện thuận tiện và hiệu quả hơn. Việc khoanh vùng kiến thức giúp các bạn ôn tập đúng cách, tránh tình trạng học lan man và lãng phí thời gian ôn luyện nhưng không đạt hiệu quả.

Đối với mỗi dạng bài, các bạn nên học thuộc lý thuyết và ghi lại các công thức quan trọng để hiểu bài và áp dụng vào giải bài tập cụ thể để rèn kỹ năng. Các bạn học sinh có thể chia nhỏ kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề để tích lũy dần và học theo kiểu cuốn chiếu, học xong chuyên đề nào thì phải đảm bảo nắm chắc kiến thức của chuyên đề ấy và vận dụng tốt vào việc làm các dạng bài tập.

Cụ thể, học sinh có thể khoanh vùng kiến thức môn Toán theo hai phần là Đại số và Hình học như sau:

  • Đối với phần Đại số, các bạn nên chú ý đến các mảng kiến thức: Biến đổi đồng nhất; Biến đổi căn thức; Hàm số và đồ thị; Phương trình; Hệ phương trình; Giải bài toán bằng cách lập phương trình và hệ phương trình; Bất đẳng thức – Bất phương trình – Cực trị đại số.
  • Đối với phần Hình học, các nội dung về Định lý Talet – Tam giác đồng dạng; Đường tròn; Hình học không gian là những phần quan trọng có thể xuất hiện trong đề thi vào 10.
Trọng tâm bài thi
Trọng tâm bài thi luôn vào lớp 10 môn Toán nằm ở những kiến thức căn bản

1.3.  Đặt ra mục tiêu khi ôn luyện

Mục tiêu về điểm số: Đây là điều cần thiết để các bạn học sinh xác định được đúng năng lực cũng như khả năng bứt phá của mình trong quá trình ôn luyện. Việc thiếu mục tiêu khiến các bạn dễ sa đà vào tâm lý ôm đồm nhiều kiến thức nhưng chung quy lại không thực sự nắm vững kiến thức nào. Cách đặt mục tiêu về điểm số dựa trên nguyên tắc xác định mục tiêu theo mô hình SMART như sau:

  • S – Specific (cụ thể, dễ hiểu): Mục tiêu đặt ra phải phù hợp với năng lực, nguyện vọng của học sinh.
  • M – Measurable (đo lường được): Mục tiêu đặt ra phải cụ thể, rõ ràng, ví dụ: môn Toán phải được 7 điểm trở lên.
  • A – Attainable (có thể đạt được): Mục tiêu phải là những việc có thể thực hiện được trong khả năng của mình.
  • R – Relevant (thực tế): Mục tiêu phải liên hệ với hoàn cảnh thực tế, phù hợp với năng lực
  • T – Time-bound (thời gian hoàn thành): Phải có thời gian nhất định cho từng mục tiêu cụ thể

Sau khi xác định đúng các tiêu chí, các bạn học sinh tự đưa ra cho mình một con số thích hợp và lộ trình ôn tập dựa trên khả năng có thể hoàn thành được. Qua đó, các bạn cũng sẽ để dễ dàng bám sát kiến thức với cấu trúc bài thi và số điểm tương ứng.

Mục tiêu về lộ trình ôn tập: Các bạn học sinh nên xây dựng cho mình lộ trình ôn tập khoa học, bố trí thời gian phù hợp giữa tổng ôn – luyện đề – tổng ôn. Giai đoạn tổng ôn là thời gian học sinh ôn tập những kiến thức theo chuyên đề, từng dạng đề. Sau đó các bạn cần liên tục luyện đề để làm quen với cấu trúc đề và thời gian làm đề. Cuối cùng, học sinh cần ôn tập một lần nữa những kiến thức, đặc biệt là những chuyên đề kiến thức thường xuất hiện trong đề thi hoặc bản thân còn yếu sau khi luyện đề.

Nhìn chung, mục tiêu về điểm số và mục tiêu về lộ trình ôn tập có mối tương quan mật thiết, các bạn học sinh cần đảm bảo cả hai cùng lúc để có thể ôn tập hiệu quả.

1.4. Tự đánh giá năng lực thực tế của bản thân

Tự đánh giá năng lực của bản thân giúp các bạn xác định được rõ những phần kiến thức chưa hiểu rõ, cần củng cố lại lý thuyết và tìm bài tập phần đó để luyện tập thêm.

Để có thể tự đánh giá năng lực hiện tại, các bạn có thể dựa vào cấu trúc đề thi, xem đạt được bao nhiêu điểm, nghiên cứu kỹ từng dạng đề, từng bài đã làm để xem bản thân đã chắc kiến thức phần nào, phần nào còn nhiều sai sót, dạng nào mình chưa ổn và luyện đề thêm,… từ đó cải thiện dần.

Tự đánh giá năng lực thực tế
Tự đánh giá năng lực thực tế là quá trình cần thiết trong quá trình học tập lẫn ôn thi

1.5. Lựa chọn các phương pháp học tập và ôn luyện

Các bạn nên tìm một giải pháp ôn tập toàn diện các môn thi, kết hợp song song giữa việc ôn tập và luyện đề, để vừa nắm chắc kiến thức, thành thạo các kỹ năng năng làm bài, vừa kịp thời bổ sung các phần kiến thức còn thiếu và yếu. Về hình thức học và ôn thi có thể linh hoạt lựa chọn các hình thức với các ưu điểm sau:

  • Học trên trường: Việc học và ôn thi tại trường sẽ có sự dẫn dắt của thầy, cô và sự đồng hành của bạn bè, giúp học sinh có thêm động lực cũng như các cam kết về ý thức học và ôn tập hiệu quả.
  • Học thêm trung tâm: Tại các trung tâm, sẽ có các đội ngũ giáo viên, người hướng dẫn là những người đã có kinh nghiệm ôn thi bài bản, giúp các bạn ôn tập và giải đề đúng trọng tâm.
  • Học gia sư: Lợi thế là hình thức kèm 1-1 giúp các bạn học sinh có cơ hội tự do cởi mở, đặt câu hỏi về các vấn đề có liên quan đến kiến thức cũng như cách trình bày bài thi. Gia sư sẽ chỉ kèm cho duy nhất một bạn học sinh và học sinh có thể tận dụng mọi sự giúp đỡ từ phía gia sư.
  • Học nhóm: Việc học nhóm cũng có một số lợi thế đáng kể như các bạn có thể chia sẻ gánh nặng học tập, cùng nhau tư duy một vấn đề, góp ý và sửa lỗi cho nhau mà không ngại ngần như đối với Thầy cô.
  • Tự học online: Với hình thức học tập này, các bạn có thể trang bị kiến thức và ôn luyện ngay tại nhà mà không cần phải vất vả di chuyển đến các trung tâm luyện thi hay lớp học thêm, vừa đỡ vất vả, tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe.

Nhìn chung, mỗi hình thức đều sẽ có những ưu điểm và nhược điểm đi kèm, vì thế các bạn học sinh cần linh hoạt kết hợp các hình thức để đạt hiệu quả ôn tập cao nhất khi ôn luyện môn Toán để thi vào lớp 10.

Hình thức ôn tập phù hợp
Hình thức ôn tập phù hợp cũng ảnh hưởng đến kết quả các kỳ thi

1.6. Tập trung ôn luyện cao độ

Tập trung là yếu tố mang tính quyết định đối với mọi hoạt động học tập hay ghi nhớ. Các bạn học sinh cần rèn luyện thói quen tập trung bằng cách xác định được việc gì là quan trọng tại mỗi mốc thời gian và không cho phép bản thân xao nhãng. Một khi bố trí thời gian hợp lý thì cần tập trung vào việc học với một thái độ nghiêm túc, kỷ luật và khắt khe với chính mình để đạt được những hiệu quả nhất định trong học và ôn thi.

Tập trung ôn luyện cao độ
Tập trung ôn luyện cao độ là yếu tố then chốt để sẵn sàng trước một kỳ thi quan trọng

1.7. Tham gia các kỳ thi thử

Các kỳ thi thử vô cùng cần thiết với quá trình ôn luyện môn Toán vào lớp 10, bởi qua đó, các bạn sẽ có thể đánh giá lại được năng lực thực sự của bản thân và có các định hướng ôn tập, cải thiện kiến thức phù hợp. Ngoài ra, các bài thi thử còn giúp các bạn thí sinh sẽ có thể làm quen với độ khó của đề thi và áp lực phòng thi, hơn hết là qua các lần thi có thể tăng thêm tốc độ và kỹ năng làm bài. Bên cạnh đó, từ các lỗi sai, các bạn có thể rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho lần thi chính thức.

2. Một số lưu ý khi làm bài thi Toán vào lớp 10

Một số lỗi sai thường gặp trong bài thi Toán vào lớp 10 của các bạn học sinh như: Đọc sai đề bài; Bỏ sót yêu cầu; Quên đổi dấu khi chuyển vế dẫn đến tính toán sai; Nhầm lẫn công thức hoặc định lý; Trình bày vắn tắt dẫn đến thiếu logic, thiếu ý, thiếu kết luận… Cụ thể:

Phần Số:

  1. Bài toán căn thức: Thiếu điều kiện xác định, khai căn sai,…
  2. Giải toán bằng cách lập phương trình: Quên đặt điều kiện, đặt sai điều kiện,…
  3. Đồ thị hàm số: Nhận diện sai đồ thị, nhầm lẫn hoành độ/tung độ, nhầm lẫn hoành độ/tung độ giao điểm là nghiệm của hệ phương trình/phương trình, sử dụng công thức tính độ dài đoạn thẳng và điều kiện hai đường thẳng vuông góc trong khi không được phép sử dụng trong bài thi tuyển sinh Toán vào lớp 10,…
  4. Phương trình bậc hai: Tính Delta khi chưa đúng dạng ax2 + bx + c = 0, xác định thiết điều kiện của m, xét nghiệm thiếu trường hợp,…

Phần Hình: 

  1. Vẽ hình sai hoặc đặt thiếu, đặt sai ký hiệu
  2. Ngộ nhận từ trực quan hình vẽ, dùng điều chưa được chứng minh để chứng minh đáp án. VD: học sinh nhìn thấy 2 điểm thẳng hàng trên hình vẽ để chứng minh 3 điểm thẳng hàng theo yêu cầu bài toán, trong khi 2 điểm thẳng hàng chỉ là trực quan từ hình vẽ chứ chưa được chứng minh trước đó,…

Do đó, để hạn chế tối đa các lỗi sai gây mất điểm không đáng, dưới đây là một vài lưu ý nhỏ theo số thứ tự các câu mà Vinschool đã tổng hợp để giúp các bạn học sinh có thể làm bài thi một cách hoàn thiện, chỉn chu và hạn chế được tối đa các sai sót theo từng câu như sau:

Ở câu 1: 

  • Khi rút gọn biểu thức, các bạn nên viết điều kiện ở ngay đầu dòng thứ nhất của lời giải và không để điều kiện trong ngoặc
  • Khi biến đổi hay tính một biểu thức, không nên viết lặp đi lặp lại một vế giống nhau.

Ở câu 2 hoặc 3:

  • Khi trình bày lời giải phương trình bậc 2 hoặc hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, nên dùng máy tính bỏ túi kiểm tra lại đáp án
  • Khi thực hiện phép chia hoặc khai căn bậc hai phải chú ý đến điều kiện để phép toán có thể thực hiện được.

Ở câu 5:

  • Khi nhân (hoặc chia) hai vế của một đẳng thức hay bất đẳng thức với một số, phải chú ý đến điều kiện là số đó phải khác 0.
  • Khi nhân (hoặc chia) hai vế của một bất đẳng thức với một số, phải chú ý đến điều kiện là số đó là số dương hay âm để giữ nguyên hay đảo lại chiều bất đẳng thức.

Ngoài ra, các lưu ý chung cho tổng quan bài thi các bạn học sinh cũng cần lưu ý trong khi làm bài và trước khi nộp bài thi như sau:

Lưu ý khi tính toán:

  • Kiểm tra cẩn thận các bước biến đổi hoặc tính toán, để tránh mất điểm đáng tiếc. Với câu có nhiều ý liên quan, khi sai ở ý trước sẽ dẫn đến ý sau sai theo, gây mất nhiều điểm.
  • Nguyên tắc làm bài bảo toàn điểm số: Bài dễ trước – Bài khó làm sau.
  • Nhuần nhuyễn một số mẹo bấm máy cho những dạng bài chống Casio, nhưng không nên phụ thuộc vào máy tính gây lãng phí thời gian thực hiện các phép tính không cần thiết.
  • Khi rút gọn biểu thức, nên viết điều kiện ở ngay đầu dòng thứ nhất của lời giải và không để điều kiện trong ngoặc.
  • Khi biến đổi hay tính một biểu thức, không nên viết lặp đi lặp lại một vế giống nhau.
  • Khi thực hiện phép chia hoặc khai căn bậc hai phải chú ý đến điều kiện để phép toán có thể thực hiện được.

Lưu ý khi trình bày bài thi:

  • Không nên chia một trang giấy thành quá 1 cột để viết
  • Khi xuống dòng, nếu vẫn chưa trình bày hết một câu nào đó, thì phải viết tiếp câu từ lề trái của trang giấy
  • Không nên xuống dòng tùy tiện, dẫn đến nhiều khoảng trống trong bài làm, nhìn xấu về hình thức và có thể khiến thí sinh phải dùng nhiều tờ, gây mất thời gian để viết lại thông tin
  • Khi trình bày lời giải phương trình bậc 2 hoặc hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, nên dùng máy tính bỏ túi kiểm tra lại đáp số.

Bài thi tuyển vào lớp 10 môn Toán chính là sự đánh giá khách quan, đúng đắn về khả năng vận dụng và lĩnh hội kiến thức môn Toán ở bậc phổ thông. Qua đó, các kinh nghiệm sát sao sẽ giúp các bạn học sinh có thể ôn luyện hiệu quả, mang lại nền tảng vững chắc hơn để tiếp thu kiến thức môn Toán khi vào lớp 10. Với các kinh nghiệm mà Vinschool vừa tổng hợp và đúc kết qua bài viết trên, tin rằng các bạn học sinh đã có cho mình những lưu ý quan trọng trong quá trình ôn thi vào lớp 10 ở môn Toán và hơn hết qua đó, các bạn có thể đạt được kết quả cao như mong đợi.

Tại Vinschool, chương trình Toán lớp 10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) được thay thế bằng chương trình Toán Cambridge vì chương trình Toán Cambridge vừa cung cấp cho học sinh đầy đủ kiến thức nội dung theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT vừa có những điểm vượt trội trong việc phát triển năng lực và tư duy của học sinh.

Khi tích hợp chương trình Toán của Bộ GD&ĐT vào chương trình Toán Cambridge quốc tế, Vinschool đã làm việc với các chuyên gia đầu ngành và trải qua nhiều vòng thẩm định trước khi được Bộ GD&ĐT cấp phép để giảng dạy chương trình Toán Cambridge tích hợp. Vì vậy, tính khoa học và hàn lâm của chương trình được đảm bảo. Vinschool quyết định thay thế chương trình Toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGD&ĐT) bằng chương trình Toán Cambridge vì chương trình Toán Cambridge vừa cung cấp cho Học sinh đầy đủ kiến thức nội dung theo yêu cầu của BGD&ĐT vừa có những điểm vượt trội trong việc phát triển năng lực và tư duy của Học sinh.

  • Thứ nhất, chương trình Toán Cambridge quốc tế bao phủ khoảng 90% kiến thức nội dung có trong chương trình Toán của Bộ GD&ĐT.
  • Thứ hai, chương trình Toán Cambridge tại Vinschool là chương trình tích hợp, có bổ sung những kiến thức nội dung của Bộ GD&ĐT mà chương trình Toán Cambridge quốc tế không có. Vì thế, chương trình Toán Cambridge tích hợp tại Vinschool bảo đảm bao phủ 100% kiến thức nội dung mà Bộ GD&ĐT yêu cầu. Đó là lý do vì sao Bộ GD&ĐT đồng ý cấp phép cho Vinschool triển khai giảng dạy chương trình Toán Cambridge tích hợp thay thế chương trình của Bộ.
  • Thứ ba, chương trình Toán Cambridge chú trọng giúp Học sinh rèn luyện và phát triển những năng lực tư duy và làm việc toán học, năng lực giải quyết vấn đề, chiến lược tư duy.

Bai viết cung cấp các thông tin kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn toán rất chi tiết. Quý phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu thêm thông tin về các môn hoc hoặc về chương trình học hệ Cambridge tại Vinschool vui lòng truy cập vào website hoặc bấm số 18006511 (bấm chọn ngôn ngữ và bấm số máy lẻ 1 hoặc 3 với khu vực Miền Bắc & Miền Trung; bấm số máy lẻ 2 với khu vực Miền Nam).

Để được tư vấn chi tiết về lộ trình học tập và quy trình tuyển sinh tại Vinschool, phụ huynh đăng ký trực tiếp TẠI ĐÂY

Xem thêm: Nội dung của chương trình toán Cambridge là gì? Làm sao để học tốt?