fbpx

15+ Kinh nghiệm dạy chữ cho bé đúng cách, hiệu quả và thú vị

Thứ Hai, 18/07/2022, 16:07 (GMT+7)

Đối với những cha mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm dạy chữ cho bé, việc này cần được thực hiện đúng cách và đúng trình tự để việc học của con đạt hiệu quả tốt. Trong bài viết này, Vinschool sẽ “mách nước” cho cha mẹ một số kinh nghiệm dạy bé đọc và kinh nghiệm dạy bé viết chữ một cách khoa học nhất. Nhờ đó, bé sẽ yêu thích việc học và có những kỹ năng tiền tiểu học tốt nhất.

 những kinh nghiệm dạy chữ cho bé
Đâu là những kinh nghiệm dạy chữ cho bé hiệu quả?

1. Kinh nghiệm dạy bé học chữ cái

Sẽ có rất nhiều phương pháp để dạy con bắt đầu đọc chữ (hay còn gọi là nhận biết và phát âm chữ cái), tuy nhiên, cha mẹ cần xem xét phương pháp nào là phù hợp với trẻ. Vinschool xin đề xuất một số kinh nghiệm dạy bé đọc rất hiệu quả mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng tại nhà như sau. 

1.1. Dạy bé học chữ thông qua các trò chơi

Các trò chơi sẽ mang lại cho trẻ cơ hội để tiếp xúc với các chữ cái một cách tự nhiên, thoải mái và không bị cảm giác gò bó, ép buộc. Phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” này rất phù hợp với các bé trong giai đoạn bắt đầu học chữ với những lợi ích thiết thực như:

  • Khơi gợi sự hứng thú của trẻ với các chữ cái
  • Thu hút sự tập trung của trẻ tốt hơn
  • Tạo môi trường tự nhiên để trẻ tiếp xúc với mặt chữ
  • Nuôi dưỡng trí thông minh và óc sáng tạo của trẻ từ sớm

Để trẻ hợp tác trong việc học chữ cái, cha mẹ hãy cố gắng chọn những trò chơi phù hợp với tính cách của trẻ. Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng hãy để trẻ là người tham gia chính trong các trò chơi, cha mẹ chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ. Có như vậy, trẻ mới cọ xát nhiều hơn, từ đó sẽ ghi nhớ lâu hơn.

Vinschool luôn chú trọng phương pháp “học vui - vui học”
Vinschool luôn chú trọng phương pháp “học vui – vui học” cho các em học sinh tiểu học

Vinschool xin gợi ý một số trò chơi mà cha mẹ có thể tự thiết kế ở nhà bao gồm: trò ghép các chữ cái, trò truy tìm chữ cái, trò nặn chữ cái bằng đất sét,… Ngoài ra, hiện nay cũng có một số trò chơi trên các thiết bị điện tử nhằm hỗ trợ quá trình học bảng chữ cái của trẻ. Các trò chơi này được thiết kế phù hợp với các bạn mới bắt đầu học chữ. 

1.2. Dạy trẻ học chữ qua môi trường xung quanh

Kinh nghiệm dạy chữ cho bé rất hiệu quả tiếp theo chính là liên kết chữ cái với môi trường xung quanh. Đối với kinh nghiệm dạy bé đọc này, cha mẹ có thể biến tất cả mọi thứ xung quanh trẻ thành một cuốn sách tập đọc khổng lồ để trẻ có thể học mọi lúc, mọi nơi. Khi trẻ mới bắt đầu, cha mẹ hãy chọn những đồ vật hoặc bất cứ điều gì mà trẻ yêu thích. Chẳng hạn như con mèo, con chó, em bé, quả bóng,… Cũng cần lưu ý rằng ở giai đoạn này, cha mẹ chỉ nên cho bé đọc những đồ vật có từ đơn giản trước.

Tiếp đến, khi trẻ đã đọc thuộc những từ quen thuộc đó, cha mẹ hãy mở rộng kiến thức của trẻ. Điều đó có nghĩa là ở bất kỳ đâu, cha mẹ cũng có thể lựa chọn một vật hấp dẫn, có các chữ cái to rõ càng tốt, ví dụ như các biển tên/biển quảng cáo để dạy bé đọc chữ. Cha mẹ hãy đọc to, rõ ràng những từ nằm trong tầm mắt của trẻ. Bằng cách này, bé sẽ ghi nhớ các mặt chữ và cách đánh vần dễ dàng và nhanh chóng hơn.

1.3. Cho trẻ học chữ qua các bài hát

Đây là cách học vô cùng sáng tạo, phổ biến và cũng là kinh nghiệm dạy bé đọc được nhiều phụ huynh ưa chuộng. Âm nhạc góp phần cải thiện trí nhớ và khả năng nhận thức của trẻ nhỏ rất tốt. Với những giai điệu vui tươi, hình ảnh sống động và ca từ bắt tai, các bài hát sẽ là cách để trẻ bắt chước hát theo và ghi nhớ các từ có trong bài hát tốt hơn.

Tuy nhiên, nên dạy bé học chữ qua bài hát như thế nào cho hiệu quả cũng là điều mà nhiều phụ huynh lo lắng. Cha mẹ có thể chọn những bài có ca từ và cách phát âm rõ ràng, giai điệu phù hợp với trẻ nhỏ. Thêm vào đó, cha mẹ cũng nên ưu tiên những bài mang tính giáo dục cao và đi theo một lộ trình từ cơ bản đến phức tạp. Để trẻ học chữ cái qua bài hát hiệu quả, cha mẹ cũng hãy hát lại nhiều lần cùng trẻ, có thể trong lúc trẻ chơi, tắm để những chữ cái đó dễ đi vào tâm thức của trẻ.

1.4. Đọc sách, sử dụng những quyển truyện chữ to và có hình ảnh

Một phương pháp để dạy trẻ học chữ cũng hiệu quả không kém là đọc sách cho trẻ nghe. Cha mẹ chỉ nên chọn những quyển truyện có cỡ chữ to và hình ảnh sinh động để trẻ dễ theo dõi nội dung và ghi nhớ mặt chữ. Nếu có thể, cha mẹ hãy mua những quyển bìa cứng để sử dụng được lâu.

Học chữ qua đọc sách, truyện
Học chữ qua đọc sách, truyện cũng là một phương pháp hiệu nghiệm cao

Ban đầu, cha mẹ hãy đọc chậm rãi, rõ ràng từng câu từ trong truyện. Hãy phối hợp với nhịp điệu lên xuống, tông giọng theo hướng kể chuyện và hãy chỉ tay vào từng từ. Có như vậy, cha mẹ mới thu hút được sự chú ý và hứng thú của trẻ. Sau nhiều lần đọc, cha mẹ hãy để trẻ lặp lại theo lời kể của cha mẹ và cũng đừng quên chỉ tay vào các từ để trẻ ghi nhớ mặt chữ nhé.

Một lưu ý là cha mẹ hãy khoan chuyển sang quyển sách mới vội. Thay vào đó, hãy đọc đi đọc lại một quyển truyện để trẻ ghi nhớ câu chuyện và các từ nhiều nhất có thể. Đối với trẻ nhỏ, sự lặp đi lặp lại sẽ giúp các từ thâm nhập vào trí nhớ của trẻ dễ dàng hơn. Nhờ đó, trẻ cũng có khả năng phản xạ một cách tự nhiên với các từ đã được nghe nhiều lần.

1.5. Xây dựng môi trường học tập tốt cho trẻ

Việc dạy chữ cho trẻ nhỏ là rất quan trọng, bởi đây là nền tảng giúp trẻ học tốt ở những kiến thức cao hơn cũng như có hứng thú với việc học hơn. Do đó, nếu chưa có kinh nghiệm dạy chữ cho bé, cha mẹ hoàn toàn có thể để bé theo học các chương trình tiền tiểu học. Hiện nay, các chương trình này rất thịnh hành. Đó có thể là các chương trình mầm non hoặc một khóa học ngắn hạn dành cho trẻ từ 4 – 6 tuổi.

Môi trường học tập tốt
Môi trường học tập tốt cũng là yếu tố giúp trẻ học chữ hiệu quả.

Nếu chọn chương trình này, cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng chất lượng giảng dạy của giáo viên. Điều đó đảm bảo được rằng con sẽ học và phát triển kỹ năng trong môi trường tốt nhất. Ngoài ra, nếu đã có kinh nghiệm dạy bé đọc, cha mẹ hãy xây dựng một môi trường học thực thụ ngay trong chính ngôi nhà mình. Hãy để trẻ được cọ xát với các chữ cái mỗi ngày và phát triển theo một lộ trình bài bản, chứ đừng dạy trẻ một cách hời hợt.

1.6. Không nên quá khắt khe bắt trẻ phải đọc chuẩn

Khi mới bắt đầu học chữ, việc trẻ đọc đúng tất cả các từ là bất khả thi. Vậy nên, cha mẹ cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng để rồi bắt buộc trẻ phải đọc đúng, chuẩn các từ được dạy. Việc la mắng hay đưa ra những hình phạt nếu trẻ đọc không đúng sẽ vô tình làm giảm đi hứng thú với việc học của trẻ.

Thay vì đặt ra những tiêu chuẩn để trẻ phải đạt được, cha mẹ hãy cứ xem đây là việc xây dựng nền móng cho trẻ. Việc đó phải được thực hiện một cách chậm rãi và chắc chắn. Việc được học đúng cách cộng với giao tiếp hàng ngày sẽ giúp trẻ hoàn thiện khả năng phát âm của mình.

Trẻ có hứng thú sẽ tập trung đọc chữ tốt hơn
Trẻ có hứng thú sẽ tập trung đọc chữ tốt hơn

Hãy động viên và khuyến khích trẻ học mỗi ngày bằng những kinh nghiệm dạy chữ cho bé mà Vinschool đã liệt kê ở trên. Cha mẹ cũng nên xây dựng cho trẻ một thói quen học các chữ cái và các câu từ đơn giản tại nhà. Có được sự phối hợp giữa thầy cô và cha mẹ, trẻ sẽ phát triển nhanh chóng kỹ năng đọc của mình.

1.7. Dạy trẻ cách tập trung khi học

Không thể phủ nhận rằng sự tập trung sẽ giúp trẻ ghi nhớ các chữ và học tập tốt hơn. Thế nhưng, trẻ nhỏ thường không có khả năng tập trung cao như người lớn mà rất dễ bị xao nhãng bởi nhiều thứ xung quanh. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều phụ huynh cảm thấy đau đầu khi dạy trẻ học chữ. Tuy trong thời gian đầu, trẻ sẽ rất hứng thú với việc đọc chữ, nhưng sau một thời gian, trẻ sẽ tỏ ra chán ngấy với những thứ mình đang làm.

Trẻ cần được nâng cao khả năng tập trung để học
Trẻ cần được nâng cao khả năng tập trung để học chữ tốt hơn

Để hạn chế điều này, cha mẹ hãy tạo một không gian học tập hứng khởi và kết hợp nhiều kinh nghiệm dạy bé đọc khác nhau. Điều đó sẽ giúp trẻ trải nghiệm được nhiều phương pháp học khác nhau và không bị chán với một cách học được lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy thiết kế một thời gian biểu học tập phù hợp, có thời gian nghỉ ngơi xen kẽ với việc học. Cha mẹ có thể cho trẻ học khoảng 25 – 30 phút, sau đó để trẻ được nghỉ ngơi khoảng 5 – 10 phút rồi lặp đi lặp lại quá trình này.

Xem ngay: Có nên dạy trẻ 5 tuổi học chữ? 10 phương pháp dạy trẻ HIỆU QUẢ

2. Kinh nghiệm dạy bé viết chữ

Song song với kinh nghiệm dạy bé đọc, kinh nghiệm dạy bé viết chữ cũng được nhiều phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng dạy bé tập viết không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt là đối với các cha mẹ chưa có kinh nghiệm dạy chữ cho bé. Việc dạy con viết chữ cần được thực hiện một cách nghiêm túc và chỉn chu. Nếu cần, cha mẹ có thể cho trẻ theo học các chương trình tiền tiểu học để được uốn nắn một cách đúng đắn.

2.1. Dạy trẻ kỹ năng cầm bút đúng

Việc đầu tiên cha mẹ cần thực hiện khi dạy trẻ viết chữ là hãy rèn cho trẻ kỹ năng cầm bút đúng. Việc này rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến cách cầm bút của trẻ về lâu về dài. Hơn nữa, nếu không có kỹ năng cầm bút đúng, trẻ sẽ dễ bị mỏi và sự phát triển của các ngón tay cũng sẽ bị tác động. Dưới đây là các bước để có một tư thế cầm bút đúng:

  • Bước 1 – Tư thế cầm bút: Cầm bút bằng 3 ngón tay, bao gồm: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Ngón cái giữ bên trái của thân bút, ngón trỏ đặt giữa thân bút – cách đầu ngòi khoảng 2 cm và ngón giữa sẽ đặt ở phía bên phải. Trong đó, ngón cái và ngón trỏ sẽ điều khiển hướng đi của bút, còn ngón giữa sẽ giữ bút. Cầm bút với mức độ vừa phải.
  • Bước 2 – Hướng cầm bút: Giữ cổ tay thẳng, đặt hướng của bút theo hướng ngồi với góc nghiêng khoảng 45 độ so với mặt giấy.
  • Bước 3 – Vị trí của vở: Đặt vở ngay ngắn trước mặt nếu muốn viết chữ thẳng hoặc hơi nghiêng sang trái so với mặt bàn khoảng 15 độ nếu muốn viết chữ nghiêng.
  • Bước 4 – Hướng điều khiển bút: Dùng các ngón tay và cơ cổ tay để điều khiển bút khi viết theo hướng từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Điều khiển bút với lực vừa phải, không quá mạnh sẽ khiến giấy rách và không quá nhẹ vì mực sẽ không ra đều.
Cha mẹ cũng cần dạy trẻ tư thế cầm bút
Cha mẹ cũng cần dạy trẻ tư thế cầm bút và tư thế ngồi viết đúng

2.2. Rèn luyện cho bé ngồi viết đúng tư thế

Bên cạnh kỹ năng cầm bút, tư thế ngồi viết của trẻ cũng cần được uốn nắn từ nhỏ. Có như vậy, trẻ sẽ không bị mỏi và cột sống, thị lực của trẻ cũng không bị ảnh hưởng nếu trẻ ngồi đúng tư thế. Ngoài ra, các nét chữ cũng sẽ được đúng, đều và đẹp hơn. Một tư thế ngồi viết đúng sẽ thỏa mãn những yếu tố sau:

  • Ngồi thoải mái, không gò bó.
  • Giữ khoảng cách từ mắt đến bàn học là 25 – 30 cm.
  • Giữ cột sống ở tư thế thẳng, vuông góc với mặt ghế ngồi.
  • Duỗi hai chân thoải mái, không co chân, vắt chéo chân.
  • Đặt hai tay đúng điểm tựa: Tay không viết bài sẽ xuôi theo chiều ngồi và giữ lấy tập và làm điểm tựa chọn nửa người bên đó.
  • Duy trì ánh sáng vừa đủ và thuận chiều.
  • Điều chỉnh độ cao của bàn và ghế phù hợp với chiều cao của bé.

Đối với kỹ năng này, cha mẹ hãy luôn theo dõi để điều chỉnh khi trẻ ngồi không đúng tư thế. Nếu có thể, cha mẹ hãy mua những chiếc ghế được thiết kế dành cho trẻ em với các mức điều chỉnh hợp lý. Ngoài ra, hãy hướng dẫn trẻ cách sử dụng lực tay để điều khiển bút thay vì dùng sức của cả cánh tay.

2.3. Tạo hứng thú luyện viết chữ con bé

Làm thế nào để trẻ hứng thú với việc luyện viết chữ? Đây có lẽ cũng là nỗi băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ vì trẻ thường sẽ rất khó ngồi yên một chỗ để viết. Hơn nữa, nếu không có hứng thú, trẻ sẽ chỉ thực hiện đúng những gì cha mẹ ra lệnh chứ không thật sự trải nghiệm việc viết chữ. Ngược lại, khi có hứng thú, trẻ sẽ chủ động luyện tập nhiều hơn, qua đó, ghi nhớ nhiều mặt chữ hơn.

Để khơi gợi niềm hứng thú trong trẻ, cha mẹ có thể thực hiện một số kinh nghiệm dạy bé đọc đã được Vinschool gợi ý ở trên. Trẻ cần tìm thấy niềm vui khi được “làm quen” với các chữ cái trước khi chính thức cầm bút để viết chữ. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho trẻ tham gia một số trò chơi để kích thích sự tham gia tích cực của trẻ. Chẳng hạn như cùng trẻ viết một lá thư ngắn cho người thân/bạn bè của trẻ hoặc một ghi chú nhỏ hàng ngày.

Để trẻ tham gia một số trò chơi
Để trẻ tham gia một số trò chơi cũng giúp kích thích niềm hứng thú viết chữ

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý rằng ở độ tuổi này, trẻ sẽ dễ cảm thấy chán nếu bị bắt lỗi liên tục. Do đó, cha mẹ cũng không nên la rầy nếu trẻ viết thiếu nét hay không đúng chữ. Thay vào đó, hãy hướng dẫn lại vì sao trẻ viết sai một cách nhẹ nhàng để trẻ dễ tiếp thu hơn.

2.4. Khuyến khích bé viết đi viết lại nhiều lần một chữ để quen tay

Giống như khi học đọc, việc viết đi viết lại một chữ cũng sẽ giúp trẻ ghi nhớ từng nét viết dễ dàng và lâu hơn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần kết hợp nhiều cách để luyện viết khác nhau để tránh gây cảm giác nhàm chán cho trẻ. Bên cạnh việc cho trẻ viết trên tập vở, cha mẹ có thể để trẻ viết lên bảng, tô vẽ lại chữ cái/con số hoặc cho phép trẻ viết ở bất kỳ đâu mà trẻ muốn.

Làm thế nào để xác định được mốc thời gian trẻ có thể dừng viết một chữ? Để trả lời cho câu hỏi này, cha mẹ cần nhận định xem trẻ đã thành thạo đối với chữ cái đó hay chưa. Hãy kiểm tra bất chợt nhiều lần bằng cách yêu cầu trẻ viết lại chữ đó mà không hề báo trước. Trong trường hợp não bộ của trẻ có thể tự “bật ra” các viết của chữ cái/con số đó, trẻ đã có thể chuyển sang chữ cái/con số tiếp theo.

2.5. Tập tô chữ theo các dấu chấm có sẵn

Đối với kinh nghiệm dạy chữ cho bé này, cha mẹ hãy mua những cuốn mẫu vở tập tô chữ viết dành cho học sinh lớp 1 có sẵn trên thị trường. Hoặc cha mẹ cũng có thể tự mình vẽ chữ bằng những dấu chấm trên trang giấy trắng, mặt bảng rồi sau đó hướng dẫn trẻ đồ theo đúng cách. Kinh nghiệm dạy bé viết chữ này rất hữu ích và phổ biến đối với các bé mới bắt đầu tập viết. Lý do là vì trẻ sẽ dễ định hướng được hình dáng của các chữ, cũng như có thể dựa theo đó để điều khiển hướng đi bút đúng cách.

Ban đầu, cha mẹ hãy cầm tay trẻ để hướng dẫn trẻ cách viết chữ đó. Sau một vài chữ, cha mẹ hãy để cho trẻ tự tay viết các chữ và không quá khắt khe nếu trẻ chưa viết trọn vẹn các nét. Đối với phương pháp này, cha mẹ hãy chọn mua những cuốn tập đáp ứng những tiêu chí sau để việc học của trẻ hiệu quả hơn:

  • Sử dụng loại giấy tốt vì thường những cuốn có giấy mỏng sẽ rất dễ bị trẻ làm rách
  • Có ô ly và đường nét, các dấu chấm rõ ràng để trẻ dễ viết theo
  • Có chừa khoảng trống để trẻ tự viết mà không cần đồ theo những nét có sẵn

2.6. Gợi cho bé sự liên tưởng đến những hình dạng cơ bản

Cha mẹ biết đấy, trẻ sẽ ghi nhớ những hình ảnh tốt và lâu hơn các kiến thức khô khan, đặc biệt là đối với trẻ đang trong độ tuổi từ 4 – 6 tuổi. Trí tưởng tượng của trẻ nhỏ là bất tận, trẻ dễ dàng liên tưởng một mặt chữ/số đến một hình tượng nào đó quen thuộc.

Nếu chưa có kinh nghiệm dạy chữ cho bé, cha mẹ hoàn toàn có thể bắt đầu bằng việc dạy trẻ cách liên tưởng đến những hình dạng cơ bản. Ví dụ như số 8 là hai hình tròn gắn vào nhau, chữ o là quả trứng gà, chữ a là cái ly uống nước có quai,…

Trẻ sẽ viết chữ tốt hơn
Trẻ sẽ viết chữ tốt hơn nhờ vận dụng trí tưởng tượng của mình

Đối với phương pháp này, cha mẹ hãy chọn những hình ảnh quen thuộc, có hình dáng giống với các chữ cái và con số nhất. Hoặc cha mẹ cũng có thể để trẻ nhìn mặt chữ rồi tự vận dụng trí tưởng tượng của mình để vẽ ra một hình tượng giống với chữ cái nhất. Nhờ đó, trẻ sẽ hứng thú và chủ động nhiều hơn trong việc viết chữ.

2.7. Dạy trẻ tự viết tên

Một số trẻ thường hay tò mò về những thứ xung quanh mình, đặc biệt là những thứ thân thuộc. Chẳng hạn như trẻ sẽ rất muốn biết cha mẹ có họ tên là gì, tên của mình sẽ được đọc/viết như thế nào, con chó ở nhà có tên là gì và được viết như thế nào,…

Cha mẹ có thể tận dụng điều này để dạy trẻ viết chữ và kích thích niềm hứng thú của trẻ với việc luyện viết. Mới đầu, cha mẹ hãy dạy trẻ cách đọc tên của mình hoặc của một ai/cái gì. Sau đó, cha mẹ hãy vẽ những đường nét mờ để trẻ có thể dựa theo đó để đồ theo. Sau một vài chữ, cha mẹ hãy hỏi xem trẻ có thể tự viết lại các chữ mà không cần nhìn các đường nét có sẵn không. Dựa vào đó, cha mẹ hãy đánh giá xem trẻ viết đúng, viết đủ hay thiếu để chỉnh sửa lại cho trẻ.

2.8. Luôn bắt đầu tập viết chữ bằng bút chì

Một kinh nghiệm dạy chữ cho bé mà cha mẹ cần đặc biệt lưu ý là đừng cho trẻ tập viết bằng bút bi, bút máy quá sớm. Thay vào đó, hãy để trẻ luyện viết bằng bút chì gỗ, có thể chọn bút chì HB hoặc 2B. Chọn bút chì gỗ là vì thân của loại bút này được thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với kích thước bàn tay của trẻ. Ruột chì của bút chì gỗ cũng cứng cáp hơn loại bút chì ngòi hay bút chì kim, nên sẽ không dễ bị gãy nếu trẻ chưa biết dùng lực tay đúng cách.

Không giống như bút chì, các loại bút bi hay bút máy thường sẽ rất khó xóa khi viết sai. Hơn nữa, các loại bút máy sẽ cần lực tay nhiều hơn bút chì, nên không phù hợp với các bé mới tập viết vì vận động tinh của các bé lúc này vẫn còn nhiều hạn chế. Khi tập viết bằng bút bi hay bút máy, trẻ sẽ không rèn được cách viết chữ đúng, chữ đẹp bằng bút chì.

Chương trình tiền tiểu học tại Vinschool
Chương trình tiền tiểu học tại Vinschool sẽ trang bị cho trẻ kỹ năng đọc và viết chữ tốt nhất

Tóm lại, có rất nhiều kinh nghiệm dạy chữ cho bé mà cha mẹ có thể vận dụng. Tuy nhiên, hiệu quả của mỗi phương pháp sẽ còn tùy thuộc vào cách học và khả năng của bé. Do đó, cha mẹ hãy xem xét và đánh giá xem phương pháp nào là phù hợp nhất để áp dụng. Ngoài ra, nếu cha mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm, các chương trình tiền tiểu học dành cho trẻ từ 4 – 6 là phương án tối ưu nhất. Hãy lựa chọn những nhà trường có chất lượng giảng dạy tốt nhất để gửi gắm việc học của con trẻ nhé.

Quý phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu thêm thông tin về chương trình Tiểu học tại Vinschool vui lòng truy cập vào website hoặc bấm số 18006511 (bấm chọn ngôn ngữ và bấm số máy lẻ 1 hoặc 3 với khu vực Miền Bắc & Miền Trung; bấm số máy lẻ 2 với khu vực Miền Nam).

Để được tư vấn chi tiết về lộ trình học tập và quy trình tuyển sinh tại Vinschool, phụ huynh đăng ký trực tiếp TẠI ĐÂY 

Xem ngay: 14+ Cách dạy trẻ 7 tuổi biết nghe lời đơn giản và hiệu quả