fbpx

Một số hoạt động dạy và học trong chương trình tiểu học tại Vinschool

Thứ Tư, 09/03/2022, 16:03 (GMT+7)

Trong Ngày hội “Khám phá trường học xuất sắc tại Vinschool” diễn ra vào 26/2 vừa qua, phụ huynh và các em học sinh khối Tiểu học đã cùng cô Bùi Thu Thủy, Đại diện Ban Giám hiệu khối Tiểu học Vinschool thảo luận về chủ đề “Nền tảng thiết yếu cho học sinh tiểu học trong thế kỷ 21”.

Tại buổi chia sẻ, cô Thủy cũng đã đề cập đến một số nội dung trong việc đổi mới các hoạt động dạy – học ở bậc Tiểu học tại Vinschool:

1. Trao quyền và hướng dẫn học sinh chủ động học tập

Với chương trình tiểu học tại Vinschool, giáo viên đóng vai trò định hướng, hỗ trợ để Vinsers chủ động dẫn dắt trong các hoạt động học tập và trải nghiệm, thay vì là người giảng giải kiến thức như cách tiếp cận truyền thống. Điều này sẽ giúp các em phát triển tư duy phản biện, sáng tạo, biết hợp tác và tôn trọng sự khác biệt, đặc biệt là khi làm dự án nhóm đòi hỏi học sinh phải tăng cường trao đổi, thảo luận và phối hợp để giải quyết một vấn đề được đưa ra.

2. Tiếp cận kiến thức từ thực tế và tính ứng dụng

Các bài giảng luôn gắn liền kiến thức với cuộc sống thực tế, xây dựng những tình huống để Vinsers có cơ hội đặt giả thuyết, suy ngẫm và tìm ra câu trả lời. Mỗi môn học đều được lồng ghép với trải nghiệm hoạt động phong phú như làm thí nghiệm, quan sát thực tế,… nhằm tạo hứng thú và động lực cho các em, đồng thời hình thành những kĩ năng như đo lường, ước lượng, phán đoán và giải quyết vấn đề.

3. Dạy học phân hóa

Phương pháp dạy học lấy học sinh làm trọng tâm đòi hỏi giáo viên phải theo dõi sát sao và thấu hiểu năng lực, nhu cầu, sở thích của các em, từ đó thiết kế và tổ chức các hoạt động phù hợp nhất với từng nhóm học sinh. Các em được học tập cá nhân hóa theo năng lực, tuy nhiên vẫn đảm bảo mục tiêu đầu ra và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của bản thân.

4. Dạy học kết hợp (Blended Learning)

Để trải nghiệm của học sinh luôn được tối ưu, Vinschool quan tâm đến sự phối hợp của cả ba đối tượng: phụ huynh – giáo viên – học sinh. Đặc biệt, trong giai đoạn học trực tuyến, phụ huynh đóng vai trò như những “người bạn”, phối hợp kiểm soát, động viên, khuyến khích học sinh trong các lớp học. Nhà trường thường xuyên tham khảo ý kiến của phụ huynh để thống nhất phương pháp giáo dục phù hợp nhất cho con, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo thiết thực về an toàn trên không gian mạng, giáo dục giới tính, sức khỏe thể chất… để phụ huynh sẽ cùng với giáo viên là những người đồng hành thân thiết nhất trong quá trình trưởng thành của con. Học sinh được rèn luyện tính chủ động khi tham gia học tập trên hệ thống trực tuyến LMS của nhà trường, đồng thời biết tự đánh giá chất lượng học của bản thân theo tiêu chí mỗi hoạt động, nhiệm vụ.

5. Hình thành năng lực tự học suốt đời

Qua những dự án, hoạt động trải nghiệm tại trường, học sinh sẽ hình thành và phát triển kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng tự học và sắp xếp thời gian, là nền tảng cho năng lực tự học suốt đời. Các em có được hiểu biết kiến thức về văn hóa, xã hội một cách chủ động, tự nhiên, từ đó rèn luyện sự tự tin, kiên nhẫn, niềm đam mê học tập, và tinh thần tự tôn dân tộc – sẵn sàng hội nhập quốc tế.