fbpx

8 lời khuyên của giáo viên mầm non cha mẹ có thể tham khảo

Thứ Ba, 28/06/2022, 17:06 (GMT+7)

Một số phụ huynh khá lo lắng vì trẻ có thái độ khác nhau giữa lúc ở nhà và ở trường. Khi ở trường, trẻ có thể rất tự giác và độc lập, tự dọn dẹp đồ chơi, tự đi giày…thế nhưng khi về tới nhà thì hoàn toàn ngược lại. Tất nhiên, hai môi trường có sự khác biệt nhất định ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, nhưng vẫn có một số chiến lược từ Giáo viên mầm non mà cha mẹ có thể tham khảo, để trẻ có sự hợp tác và tự lập tốt hơn ở bất kỳ môi trường nào.

THÚC ĐẨY TÍNH TỰ LẬP Ở TRẺ

Trẻ Mầm non luôn tràn đầy động lực với mong muốn được tự làm mọi thứ, đây là một biểu hiện tâm lý bình thường và lành mạnh trong sự phát triển của trẻ. Các cô giáo đều đồng ý rằng trẻ ở lứa tuổi này có khả năng làm được nhiều việc hơn chúng ta nghĩ. 

1. Tích cực tạo cơ hội để trẻ được thử thách nhiều hơn

Cha mẹ có thể nâng cao kỳ vọng về những công việc mà trẻ có thể làm, từ đó tạo nhiều cơ hội để trẻ thử sức, như thông qua việc Rèn luyện kỹ năng tự phục vụ tại nhà hoặc Giao cho trẻ những việc nhà phù hợp với lứa tuổi

“Con muốn cô làm giúp con, hay con có thể tự làm được?” Đó là một câu hỏi mà nhiều giáo viên mầm non chia sẻ rằng “giống như phép thuật” vì trẻ sẽ hầu như luôn muốn chọn tự làm. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần kiên nhẫn để trẻ tự xử lý những việc nằm trong khả năng của mình, thay vì “sốt ruột” và làm giúp. Theo thời gian, trẻ sẽ dần tự làm được các nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn, và hành trình này chính là cách để trẻ học được tính tự lập. 

2. Tránh “sửa chữa” những việc trẻ vừa hoàn thành

Trừ khi thực sự cần thiết, cha mẹ nên tránh “sửa” những việc mà trẻ vừa hoàn thành. Đặc biệt khi trẻ mới học một kỹ năng mới, ví dụ như gấp chăn, người lớn thường sẽ thấy chưa phẳng phiu và cần chỉnh sửa. Trẻ rất cần được khen ngợi trong những lần đầu tiên dù chưa hoàn hảo, vì khi bị “sửa”, trẻ sẽ để ý hành động của cha mẹ và dễ cảm thấy nản lòng.

KHUYẾN KHÍCH TINH THẦN HỢP TÁC

3. Khen ngợi và trao thưởng một cách sáng suốt

Khi được khen ngợi, trẻ cảm thấy mình được ghi nhận khi làm đúng, từ đó định hướng hành vi của mình tốt hơn. Ngoài ra, phần thưởng cũng là một phương pháp tuyệt vời nhưng cần được sử dụng một cách sáng suốt. Bởi vì nếu chỉ làm vì phần thưởng, trẻ sẽ không nắm bắt được ý nghĩa thực sự của công việc đó. Vì vậy, cha mẹ nên trao thưởng cho những việc cần nhiều nỗ lực, chứ không phải những việc hàng ngày như là đánh răng, mặc quần áo…

4. Thông báo trước khi thay đổi

Khi được thông báo trước về một việc cần phải thay đổi (ví dụ: dừng chơi để đi tắm, dừng đọc sách để đi ngủ, …), trẻ sẽ có sự chuẩn bị và tránh tâm lý “giận dỗi”. Ở lớp học, sự chuyển tiếp giữa các tiết học thường được thông báo trước 5-10 phút, để trẻ có sự chuẩn bị – vì khi trẻ đang “mê mẩn” với các tác phẩm nghệ thuật của mình và có sự chuyển tiếp đột ngột sẽ nảy sinh tâm lý không thoải mái, dẫn đến các tiết học tiếp theo thiếu hiệu quả. Tương tự, khi cần tắt TV hoặc ngừng chơi để ăn cơm hoặc để sửa soạn qua nhà một ai đó, cha mẹ nên báo cho con trước để có thời gian hoàn thành những việc đang làm dang dở.

5. Ưu tiên việc chơi đùa & tận dụng âm nhạc

Hài hước và trò chơi là công cụ tuyệt vời mà đôi khi cha mẹ có thể quên. Một giáo viên Mầm non gợi ý rằng, cô thường thuyết phục con đi giày vào buổi sáng bằng cách chơi ở cửa hàng giày tưởng tượng. “Chào mừng bác đến với Cửa hàng giày dép của cô Mai Anh, hôm nay tôi có một đôi giày tuyệt vời hoàn hảo để bác thử đấy nhé!” với một giọng “ngốc nghếch” và học sinh của cô đã rất thích.

Ngoài ra, tận dụng âm nhạc trong các hoạt động sẽ luôn giúp trẻ hứng khởi hơn. Cha mẹ có thể gợi ý con “chạy đua” với bài hát, ví dụ như: “Con có thể mặc xong đồ trước khi bài hát “Một con vịt” kết thúc không?”

6. Khuyến khích tinh thần đồng đội & Để con tự giải quyết những xung đột nhỏ.

Nếu trẻ đang giành đồ chơi với một đứa trẻ khác, cha mẹ hãy quy định mỗi bạn được chơi trong thời gian nhất định. Cha mẹ có thể đặt hẹn giờ năm phút và báo rằng khi chuông reo, con sẽ phải nhường đồ chơi vì đến lượt của bạn. Đây là một trong những cách thức hiệu quả mà Giáo viên Vinschool rất hay dùng.

Ngoài ra, khi con đang ở trong một “cuộc chiến”, thay vì ra mặt để giải quyết tranh chấp, cha mẹ có thể dừng lại để quan sát và để trẻ tự giải quyết vấn đề (trừ khi xung đột trở nên nghiêm trọng). Đôi khi không phải lúc nào cũng nên “giải cứu” để tạo cơ hội cho trẻ tự giải quyết xung đột.

KỶ LUẬT MỘT CÁCH HIỆU QUẢ

Tới các lớp mầm non, chúng ta sẽ thấy dù lớp đông học sinh, trẻ vẫn ngồi ngoan ngoãn thành vòng tròn, đi theo hàng lối, biết chờ tới lượt, giơ tay phát biểu… “Bí kíp” của các giáo viên mầm non là gì?

7. Phát triển thói quen và nề nếp

Các cô giáo chia sẻ rằng, trẻ có sự hợp tác ở trường là vì trẻ được tạo thói quen cho những việc lặp đi lặp lại hàng ngày, từ đó có sự tự giác mà không phải nhắc nhở. Tất nhiên ở nhà sẽ là một môi trường khác, nhưng cha mẹ có thể hệ thống một số “Nội quy gia đình” đơn giản để áp dụng thành thói quen, ví dụ như: Khi về tới nhà thì phải rửa tay, cả nhà sẽ mặc quần áo nghiêm chỉnh trước khi ngồi vào bàn ăn sáng, chỉ đọc truyện buổi tối khi tất cả các con nằm trên giường…

8. Hướng dẫn trẻ sửa chữa những sai lầm của mình

Ví dụ như khi thấy con vẽ bậy lên tường, cha mẹ hãy yêu cầu con lau sạch dưới sự hướng dẫn của mình. Hoặc nếu con làm đổ tháp đồ chơi mà bạn khác vừa xếp, thì con phải có trách nhiệm giúp bạn dựng lại như cũ. Đó là cách mà cha mẹ có thể đồng hành với trẻ đi qua những sai lầm, học cách chịu trách nhiệm, hiểu được về hậu quả, nhưng đồng thời có sự hướng dẫn và yêu thương, để trẻ biết rằng đằng sau mọi sai lầm đều là những bài học. 

Nguồn tham khảo: Parents – Dotdash Meredith.