fbpx

Vì sao cha mẹ nên quan tâm đến sức khỏe tinh thần cho trẻ từ khi còn nhỏ?

Thứ Hai, 25/04/2022, 15:04 (GMT+7)

Sức khỏe tinh thần tốt là yếu tố vô cùng quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện, cũng như là nền tảng cơ bản quyết định cho hạnh phúc trong cuộc sống sau này. Theo các nghiên cứu, nguyên nhân gốc rễ của nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần được chẩn đoán ở người lớn, chính là sự “tích tụ” các vấn đề về sức khỏe tinh thần từ khi còn nhỏ.

Nghiên cứu khoa học về “Sức khỏe tinh thần thời thơ ấu” của Trung tâm nghiên cứu Phát triển trẻ em của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng: Nền tảng sức khỏe tinh thần lành mạnh của một con người được xây dựng từ những năm đầu đời, và những tổn thương, biến cố trong thời thơ ấu có rất nhiều ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc, các mối quan hệ gần gũi và xã hội của các em trong suốt cuộc đời.

1. Hiểu về sức khỏe tinh thần ở trẻ em

Đối với trẻ em, sức khỏe tinh thần chính là cách mà trẻ suy nghĩ, cảm nhận về bản thân và thế giới xung quanh. Sức khỏe tinh thần tốt sẽ giúp trẻ xây dựng các kỹ năng tình cảm xã hội, ảnh hưởng đến cách trẻ tư duy, giao tiếp và hành xử tích cực. Ngoài ra, trẻ sẽ bình tĩnh đón nhận thử thách và quản trị cảm xúc cân bằng, có khả năng phục hồi sau biến cố, biết cách yêu thương chính mình trong những giai đoạn bất ổn cũng như khi mọi thứ không diễn ra như mong đợi.

Khi sức khỏe tinh thần thiếu sự chăm sóc, thì dù ở người lớn hay trẻ nhỏ đều để lại những hậu quả ở nhiều cấp độ. Ba trong số nhiều căn bệnh mãn tính được cho là “tốn kém” nhất trong xã hội hiện nay đó là: Bệnh tim mạch, tiểu đường, và trầm cảm. Khoa học đã chứng minh rằng những căn bệnh này đều có chung nguồn gốc sâu xa từ khó khăn trong ký ức, biến cố và tổn thương từ thời thơ ấu. Vậy nên, quan tâm và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ từ khi con nhỏ là điều vô cùng quan trọng cho hạnh phúc của chính trẻ em và của cả xã hội.

2. Vấn đề sức khỏe tinh thần thường gặp ở trẻ

Trẻ ở lứa tuổi Mầm non phản ứng và xử lý các trải nghiệm cảm xúc và tổn thương theo những cách rất khác với trẻ tuổi học trò và người lớn, nên việc chẩn đoán ở trẻ nhỏ có thể khó khăn hơn nhiều.

Những vấn đề sức khỏe tinh thần ở trẻ thường được chia thành hai nhóm chính:

  • Các tình trạng như trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và rối loạn lo âu…
  • Các tình trạng như rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn thách thức chống đối…

Những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề về sức khỏe tinh thần của trẻ bao gồm:

  • Hoàn cảnh gia đình và môi trường sống (nghèo đói, dịch bệnh, người lớn xung quanh lạm dụng chất kích thích…)
  • Cách trẻ được đối xử bởi cha mẹ và những người chăm sóc (cảm giác bị bỏ rơi, bị mắng nhiếc, đánh đập, lạm dụng, ngược đãi…)
  • Cách trẻ được đối xử bởi những người thân cận khác (bạn bè phân biệt đối xử, bị tẩy chay…)

Những dấu hiệu sớm về sức khỏe tinh thần ở trẻ:

  • Các cơn giận dữ, thách thức và hung hăng lặp lại thường xuyên
  • Trẻ buồn bã hoặc khóc rất nhiều, khí sắc uể oải
  • Thường xuyên sợ hãi hoặc lo lắng, rất sợ phải rời xa cha mẹ
  • Né tránh các sự kiện xã hội như tiệc sinh nhật bạn bè
  • Giữ những hành vi như mút ngón tay cái hoặc tè dầm khi lớn lên
  • Khó tập trung chú ý, không thể ngồi yên hoặc bồn chồn.
  • Các vấn đề sinh hoạt, ăn uống thất thường, khó ngủ, gặp ác mộng
  • Đau ốm bất thường mà không có nguyên nhân rõ ràng – như đau đầu, đau dạ dày, buồn nôn…
  • Các vấn đề học tập tại trường, khó hòa nhập với các bạn…

Một điều cần lưu ý là ở lứa tuổi Mầm non, các tình huống căng thẳng độc hại từ môi trường có thể làm hỏng cấu trúc não và làm tăng khả năng xuất hiện các vấn đề sức khỏe tinh thần kéo dài. Vậy nên, dấu hiệu về vấn đề sức khỏe tinh thần có thể biểu hiện ngay khi trẻ còn nhỏ, hoặc nhiều năm sau mới biểu hiện do sự tích tụ dần dần của nhiều vấn đề tâm lý.

3. Ba “nguyên tắc vàng” để phát triển và cải thiện sức khỏe tinh thần cho trẻ

Trung tâm nghiên cứu Phát triển trẻ em của Đại học Harvard đã đưa ra ba nguyên tắc cơ bản sau đây đóng vai trò tiên quyết với sức khỏe toàn diện của trẻ:

(1) Xây dựng mối quan hệ tích cực xung quanh trẻ 

Mối quan hệ yêu thương và tích cực của cha mẹ và những người chăm sóc với trẻ chính là chìa khóa, vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của trẻ:

  • Thể hiện tình yêu thương với trẻ thường xuyên, để trẻ biết rằng mình được quan tâm và có cảm giác an toàn (thông qua lời nói, ánh mắt, cử chỉ, nụ cười…hát ru, ôm ấp, vỗ về…)
  • Luôn sử dụng cách tiếp cận tích cực và mang tính xây dựng khi giáo dục trẻ (cân bằng giữa yêu thương và kỷ luật, động viên, khen ngợi tích cực…)
  • Thời gian chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng:
    • Dành thời gian mỗi ngày để trò chuyện và lắng nghe trẻ (khi con muốn trò chuyện, nên tạm dừng việc đang làm và dành toàn bộ sự chú ý cho con)
    • Dành thời gian cùng con làm các hoạt động mà con thích (đá bóng, vẽ, chơi trò chơi, đọc sách…)
  • Cha mẹ cần biết cách giải quyết xung đột nội bộ gia đình một cách tích cực, có tính xây dựng.
  • Khuyến khích con kết nối với những người xung quanh (đơn giản như vẫy tay trò chuyện với hàng xóm, tham gia những lễ hội cộng đồng…)

(2) Giáo dục trẻ các kỹ năng cốt lõi 

Các kỹ năng cốt lõi ví dụ như kỹ năng quản trị cảm xúc và hành vi mang lại lợi ích lâu dài, kể cả khi trẻ trưởng thành, giúp trẻ có thể bình tĩnh đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống. Khi trải qua tất cả các cung bậc cảm xúc (sợ hãi, buồn bã, lo lắng, tức giận, vui vẻ…) mà vẫn có thể bình tĩnh đón nhận, trẻ sẽ cảm thấy hài lòng hơn về bản thân và tự tin tiếp tục vững bước trên hành trình của mình.

Rèn luyện Kỹ năng quản trị cảm xúc – phát triển Trí tuệ cảm xúc: 

  • Khuyến khích trẻ nhận biết và gọi tên cảm xúc của mình. Dạy trẻ hiểu rằng con người có tất cả các loại cảm xúc là điều tự nhiên và bình thường.

Ví dụ: “Có phải con cảm thấy thất vọng vì đồ chơi bị hỏng không? Mẹ có thể hiểu cảm giác ấy.”

“Con có thể hít thật sâu và đếm từ 1 đến 5 mỗi khi cảm thấy có những cảm xúc tiêu cực xem sao nhé.”

  • Trở thành hình mẫu tích cực cho con thông qua việc quản trị cảm xúc của mình.

Ví dụ: “Chạy hết một vòng quanh hồ có vẻ khó khăn quá con ạ, nhưng mẹ nghĩ mẹ sẽ làm được, chậm mà chắc cũng được!” 

“Mẹ hơi buồn vì món ăn hôm nay chưa được thành công, nhưng không sao, mẹ sẽ thử lại lần sau!”

  • Luôn hỗ trợ con khi con cảm thấy bất ổn, để con cảm thấy an toàn.

Ví dụ: Khi con gặp rắc rối với bạn bè ở trường, cha mẹ có thể trấn an con rằng cha mẹ luôn ở bên con, cũng như cùng với giáo viên có kế hoạch xử lý tình huống. 

  • Giúp con học cách quản lý những lo lắng nhỏ để chúng không trở thành những vấn đề lớn, bằng cách nhẹ nhàng khuyến khích con dần bước ra khỏi vùng an toàn của mình.

Ví dụ “Con có nghĩ đến việc thử tham gia nhóm hát của trường năm nay chưa? Mẹ thấy con cũng thích hát mà!” 

Rèn luyện Kỹ năng quản trị hành vi:

Đặc biệt đối với trẻ có xu hướng hiếu động, khó kiểm soát hành vi nóng giận và bướng bỉnh, thì các kỹ năng quản trị hành vi là vô cùng quan trọng trong việc cân bằng sức khỏe tinh thần của trẻ.

  • Các phương pháp kỷ luật tích cực: Cha mẹ có thể cùng con xây dựng các “quy tắc hành vi” trong gia đình (kỷ luật tích cực – không phải trừng phạt).

Ví dụ như khi con ném đồ chơi của mình, thay vì trừng phạt hoặc mắng con (chỉ có tác dụng ngắn hạn) thì cha mẹ có thể cất đồ chơi trong một ngày để dạy con hiểu rằng các hành vi sai lầm trong cuộc sống đều có hậu quả.

  • Đặt các mục tiêu phù hợp với độ tuổi và khả năng của con (Ví dụ như các kỹ năng tự phục vụ và làm việc nhà phù hợp cho trẻ mầm non), khen ngợi nỗ lực của con để con tự tin hơn vào chính mình.
  • Khi con lớn dần, khuyến khích con tự đặt câu hỏi và vận động tư duy khi gặp thử thách, tình huống khó trước khi cha mẹ can thiệp, đưa ra lời khuyên hoặc câu trả lời.
  • Khuyến khích trẻ đón nhận rủi ro, thất bại và nhận ra bài học. Dạy con hiểu rằng việc phạm sai lầm là bình thường và thực tế con người là không hoàn hảo. Điều quan trọng là chúng ta xem những thất bại là cơ hội để cải thiện và phát triển bởi vì trong tất cả những sai lầm sẽ luôn có bài học.

(3) Giảm thiểu các nguồn gốc tạo nên sự căng thẳng 

Như đã đề cập, các vấn đề về sức khỏe tinh thần trẻ em phần nhiều đến từ môi trường xung quanh và cách trẻ được đối xử bởi gia đình và các mối quan hệ thân cận (thiếu thốn, lạm dụng, bạo lực…). Vậy nên, hạnh phúc của trẻ gắn liền trực tiếp với hạnh phúc của những người chăm sóc trẻ. Chúng ta cần hiểu rằng sức khỏe tinh thần của cha mẹ/người chăm sóc trẻ cũng cần được ưu tiên hàng đầu để có thể mang đến cho trẻ sự nuôi dưỡng về tình cảm, cảm xúc và tâm lý lành mạnh nhất.

___________________________

Nguồn tham khảo: Early Childhood Mental Health (Center on the Developing Child) & Raising Children Network (Australia).