fbpx

Lợi ích của lĩnh vực Nghệ thuật sáng tạo đối với trẻ Mầm non

Thứ Hai, 29/08/2022, 15:08 (GMT+7)

Nghệ thuật sáng tạo là một trong 6 lĩnh vực học tập trong chương trình học tại trường Mầm non Vinschool, bao gồm các hoạt động thu hút trí tưởng tượng của trẻ một cách tích cực thông qua tạo hình, nhảy múa, âm nhạc, đóng kịch hoặc biểu diễn. Các hoạt động Nghệ thuật luôn được tổ chức dựa trên tinh thần hứng khởi, giúp trẻ xây dựng sự tự tin, niềm ham mê sáng tạo, cũng như giúp trẻ học cách đón nhận, tôn trọng sự đa dạng trong các sản phẩm nghệ thuật của bạn bè, của những người xung quanh và cả các phong cách nghệ thuật khác nhau trên thế giới...

1. Tầm quan trọng của lĩnh vực Nghệ thuật sáng tạo

Nghệ thuật sáng tạo là hoạt động được triển khai sôi nổi tại tất cả các cơ sở trường Mầm non Vinschool thông qua rất nhiều bài học trong tiết học nghệ thuật sáng tạo, các sự kiện, cuộc thi… các thầy cô đã đúc kết được rất nhiều lợi ích mà lĩnh vực này mang tới cho trẻ, như:

  • Thúc đẩy sự phát triển trí tuệ và nhận thức của trẻ trên nhiều khía cạnh một cách toàn diện.
  • Tạo ra những “bước đệm gợi ý” giúp trẻ xây dựng các kỹ năng cần thiết và phát triển tối ưu những kỹ năng này. (Ví dụ: nhiều hoạt động tạo hình giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động thô – tinh, 5 giác quan…, còn các hoạt động đóng kịch mang lại rất nhiều kỹ năng sống sâu sắc và bài học tuyệt vời…)
  • Giúp trẻ học chấp nhận sự thay đổi, dần chuyển hóa sự sợ sệt lo lắng – những yếu tố đang “cản đường” cho sự sáng tạo của trẻ.
  • Giúp trẻ nhận thức được rằng có những vấn đề không dễ dàng để có câu trả lời, và chúng ta cần dành thời gian để tìm hiểu.
  • Giúp trẻ nhận ra rằng một vấn đề sẽ có nhiều câu trả lời tích cực khác nhau, mục tiêu cuối cùng là để thăm dò và khám phá.
  • Giúp trẻ quan sát và chấp nhận những cảm xúc của riêng mình và của mọi người.
  • Sự sáng tạo của trẻ được coi trong, ngay cả khi nó bừa bãi và lộn xộn.
  • Tôn trọng niềm vui khi trải nghiệm và ghi nhận tất cả các nỗ lực sáng tạo của trẻ.
  • Giúp trẻ kiên trì, khuyến khích trẻ thăm dò, khám phá và lại thăm dò.
  • Giúp trẻ đánh giá cao và hiểu rõ giá trị những đặc điểm và biểu hiện độc đáo của mình.
  • Phát triển ngôn ngữ. Dạy trẻ tôn trọng vẻ đẹp của nhiều nền văn hóa và tôn trọng sự đa dạng.

2. Các hoạt động Nghệ thuật sáng tạo

Với những lợi ích vô cùng lớn kể trên, lĩnh vực Nghệ thuật sáng tạo được khuyến khích thực hiện không chỉ tại trường học, mà cha mẹ cũng có thể đồng hành với trẻ thông qua các hoạt động Nghệ thuật sáng tạo tại nhà. Dưới đây là các gợi ý đến từ các thầy cô tại trường Mầm non Vinschool để cha mẹ có thể tham khảo:

  • Tạo hình: Các hoạt động tạo hình bao gồm: Vẽ, Màu nước, Xé cắt dán, Đất nặn, Thủ công…
  • Âm nhạc: Hát, nhảy múa, chơi nhạc cụ và các dụng cụ (như trống, phách tre, lục lạc, chuông, khăn nhiều màu…)
  • Đóng kịch: Diễn kịch theo nội dung một câu chuyện có sẵn, hoặc chơi phân vai tưởng tượng (Ví dụ như cha mẹ đóng làm học sinh, con làm cô giáo…)

3. Lưu ý quan trọng khi thực hiện các hoạt động Nghệ thuật sáng tạo

Tại trường Mầm non Vinschool, các thầy cô luôn có những lưu ý khi triển khai các hoạt động để có thể đạt mục đích giáo dục và sư phạm tốt nhất. Những đúc kết dưới đây đều là những gợi ý quan trọng đến từ chính giáo viên Vinschool, giúp cha mẹ có thể đồng hành cùng trẻ một cách ý nghĩa và hiệu quả nhất.

 

Để trẻ Mầm non có thể phát triển khả năng sáng tạo, trẻ cần được ưu tiên là người quyết định về sản phẩm nghệ thuật của mình trong quá trình trải nghiệm nghệ thuật: vì vậy, cần tập trung vào TIẾN TRÌNH thay vì tập trung vào SẢN PHẨM/MÀN BIỂU DIỄN. Đôi khi, người lớn thường quá chú tâm đến sản phẩm nghệ thuật cuối cùng, hoặc chỉ yêu cầu trẻ học thuộc một bài hát hay diễn lại một vở kịch mà bỏ qua các năng lực quan trọng như: thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, phát triển ngôn ngữ và cảm thụ nghệ thuật trong quá trình hoạt động đó…

  • Khi tập trung vào SẢN PHẨM, chúng ta sẽ bó hẹp vào một kết quả cụ thể, dẫn đến hạn chế sự sáng tạo. Sản phẩm trở nên “dập khuôn”, những kỳ vọng có thể khiến trẻ khó khăn trong việc tham gia tích cực vào hoạt động.
  • Còn khi tập trung vào TIẾN TRÌNH, chúng ta không còn kỳ vọng, trẻ được tự do trải nghiệm, khám phá và thăm dò. Trẻ sẽ mang tới những sản phẩm đầy sáng tạo và thường thì người lớn sẽ luôn bất ngờ trước những sự sáng tạo ấy của trẻ.

Sau khi trẻ hoàn thiện các sản phẩm/màn biểu diễn nghệ thuật, trẻ rất cần có được sự quan tâm, ghi nhận của người lớn, thông qua các hành động như:

  • Khen ngợi, tuyên dương một cách chân thành.
  • Đặt câu hỏi (Con đã vẽ cái này như thế nào vậy? Con thích phần nào nhất trong vở kịch này? Nếu như tình huống khác đi, con nghĩ sẽ thế nào?). Việc đặt câu hỏi giúp trẻ học cách tư duy, cũng như sẽ chia sẻ nhiều hơn về sản phẩm của mình. Từ đó có thể thấu hiểu hơn những suy ngẫm, cảm xúc của trẻ được bộc lộ thông qua các tác phẩm nghệ thuật.
  • Trưng bày – trẻ cảm thấy sự sáng tạo của mình được ghi nhận nếu như có một góc riêng dành cho các sản phẩm nghệ thuật của mình.

Các hoạt động nghệ thuật đối với trẻ Mầm non chính là những trải nghiệm học tập đầu tiên mang tính chất xã hội hóa, góp phần quan trọng trong việc giúp trẻ học cách tương tác xã hội lành mạnh, công bằng và đúng đắn. Trên đây là những gợi ý từ đội ngũ giáo viên Mầm non Vinschool dành cho các bậc phụ huynh khi hướng dẫn trẻ thực hiện các hoạt động này, để trẻ có thể nuôi dưỡng được niềm ham mê sáng tạo, sự độc lập, tự tin, cũng như xây dựng được những năng lực cảm thụ nghệ thuật tiềm ẩn bên trong mình.