fbpx

Hiểu về sự “Lạc quan” – Vinser bắt đầu thay đổi suy nghĩ và hành động

Thứ Sáu, 27/12/2019, 16:12 (GMT+7)

Đâu là sự khác nhau giữa những người lạc quan và những người bi quan? Đó là bản chất hay là thói quen có thể thay đổi và cải thiện? Các bạn học sinh lớp 5A1 trường Tiểu học Vinschool Metropolis đã tự mình tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc trên sau khi được tìm tiểu về cảm xúc “Lạc quan” qua tiết học CLISE (Kỹ năng Phẩm chất).

Bắt đầu tiết học bằng thử thách “1-1-1”, các bạn hào hứng tạo thành các cặp. Mỗi người chỉ được dùng 1 chiếc đũa, 1 bàn tay để cùng nhau gắp một chiếc đũa khác và cắm vào lọ. Sau 2 phút thực hiện, nhóm hoàn thành nhiều nhất cũng chỉ cắm được 2 chiếc đũa. Nhận xét về trò chơi, các bạn học sinh đưa ra những lời phàn nàn: “Trò này khó quá cô ạ!”; “Con chưa làm cái này bao giờ, con không làm được đâu!”; “Nhóm con chẳng có ai khéo tay cả”…

Chưa phản hồi ngay về những nhận xét của các bạn, cô giáo tiếp tục đưa ra yêu cầu: “Hãy động não và nêu lại tất cả những gì con biết và nhớ về sự “Lạc quan” nào!”. Các bạn cùng vận động và nhớ lại những điều mình đã biết, đã được học từ các phân môn khác hoặc đơn thuần là những trải nghiệm cá nhân:
– “Lạc quan là nghĩ về những điều tích cực ạ”
– “Thưa cô…là khi gặp khó khăn nhưng không bỏ cuộc ạ”
– “…là nhìn về những điều tốt đẹp ạ”…

Nhiều ý kiến được các bạn đưa ra. Tất cả các câu trả lời đều được cô ghi nhận để làm giàu kho dữ kiện chung và cũng là cách để các bạn vận động bộ não của mình. Cô giáo giao nhiệm vụ tiếp theo: “Hãy cùng ghi vào những chiếc lá kí ức một niềm vui và một điều chưa như ý muốn đã xảy ra với mình trong thời gian gần đây nhất và thử giải thích xem vì sao nó xảy ra”. Bằng kĩ thuật “Think – Pair – Share”, các bạn đã chia sẻ với bạn cùng cặp và nhóm lớn về những kí ức đã xảy ra đối với mình.

Cô giáo kết luận: “Với những người có suy nghĩ tích cực, nếu gặp những chuyện không vui, họ sẽ nhìn nhận đó như là cơ hội để mình tiến bộ, rút kinh nghiệm và phát triển. Như những chiếc lá vàng trên cây vậy, nó già và rụng đi cũng là biểu hiện của sự phát triển của cái cây các con ạ”.

Các bạn học sinh cùng gắn những chiếc lá kí ức của mình lên “cây Lạc quan” – như một cách để giúp các bạn hiểu về sự đa dạng của cuộc sống, nhắc các bạn điều quan trọng là “thái độ” của chúng ta với những việc xảy ra.

Đặc biệt thú vị, hoạt động “Back – in – time” đã giúp các bạn sửa những câu nói, suy nghĩ, hành động của mình trong những tình huống không như ý muốn xảy ra, để thể hiện thái độ tích cực qua những lời nói, hành động lạc quan, tích cực hơn. Các bạn đã rất hào hứng với màn phép thuật “thay đổi quá khứ” này:

– Thay vì nói “Trò này khó quá cô ạ!” chúng con sẽ nói là: “Cái này khó, nhưng nhóm con đã tìm ra được cách cô ạ!”
– Con sẽ không nói câu: “Con chưa làm cái này bao giờ, con không làm được đâu!” nữa. Con nghĩ câu nói: “Con sẽ thử!” sẽ giúp con hào hứng hơn khi bắt tay vào thực hiện công việc ạ.
– Câu nói: “Nhóm con chẳng có ai khéo tay cả” sẽ khiến chúng con không có động lực cô ạ, chúng con sẽ nói rằng: “Lần sau chúng con sẽ làm tốt hơn”.

Kết thúc buổi học sôi nổi, cả lớp cùng suy ngẫm và viết ra một điều mình sẽ làm tốt hoặc sẽ sửa để xây dựng sự “Lạc quan” của bản thân. Tiết học về sự lạc quan không dừng lại ở đây mà sẽ được tiếp tục được cô giáo rèn luyện trong các giờ trò chuyện, trong mọi tình huống để ngôn ngữ, hành động cửa sự lạc quan sẽ ngấm và trở thành phẩm chất, kỹ năng của các bạn học sinh.