fbpx

Giác quan – chiếc chìa khóa mở cánh cửa khám phá thế giới của trẻ

Thứ Tư, 13/07/2022, 13:07 (GMT+7)

Phát triển giác quan thông qua trò chơi (sensory play) là một trong những chủ đề học tập vô cùng quan trọng đối với trẻ Mầm non. Tuy nhiên ngày nay, với sự gia tăng của việc sử dụng các thiết bị điện tử, thì các hoạt động phát triển giác quan của trẻ cũng có xu hướng suy giảm, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất, tinh thần và đặc biệt là não bộ của trẻ.

Trong suốt những năm đầu đời, giác quan là công cụ chính để trẻ tiếp nhận thông tin và khám phá thế giới. Đó là lý do vì sao trẻ muốn chạm vào khắp nơi, đưa mọi thứ vào miệng, hay thích tạo ra âm thanh với đồ chơi xung quanh … Thông qua các hoạt động, trò chơi kích thích giác quan, hệ thống thần kinh cảm giác được củng cố, để đảm bảo cho sự phát triển não bộ của trẻ diễn ra tối ưu.

5 lợi ích quan trọng khi trẻ được chú trọng phát triển giác quan từ khi còn nhỏ

  • Phát triển não bộ và khả năng nhận thức: xây dựng các kết nối thần kinh não bộ, giúp trẻ tăng khả năng hoàn thành các nhiệm vụ học tập phức tạp, tăng cường trí nhớ, phát triển khả năng tập trung và giảm sự phân tâm của trẻ. 
  • Phát triển kỹ năng vận động: hai kỹ năng vận động chính mà trẻ Mầm non cần phát triển bao gồm kỹ năng vận động thô (sự phối hợp của các nhóm cơ lớn) và kỹ năng vận động tinh (sử dụng và phối hợp các nhóm cơ nhỏ của tay).
  • Phát triển ngôn ngữ: Thông qua việc tiếp xúc và tương tác với thế giới xung quanh, khi được chơi với các loại kết cấu, mùi vị, âm thanh và đồ vật khác nhau, trẻ được xây dựng “kho từ vựng” rất lớn và học được rất nhiều cách nói mới về thế giới quanh mình.
  • Tăng tương tác xã hội và kỹ năng giải quyết vấn đề: Trò chơi cảm giác khuyến khích học tập thông qua khám phá, tò mò, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Thực hành trí tưởng tượng, tư duy và nhận thức sẽ giúp trẻ nâng cao tương tác xã hội và kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống.
  • Một phương pháp trị liệu giúp trẻ bình tĩnh: Rất nhiều nghiên cứu cho thấy trò chơi giác quan là một phương pháp trị liệu với hiệu ứng xoa dịu rất tốt, đặc biệt là khi trẻ có những kích động và lo lắng. Trẻ trở nên bình tĩnh hơn, giảm cảm giác bồn chồn và có thể tự điều chỉnh cảm xúc khó chịu bên trong mình.

Một số hoạt động gợi ý dành cho trẻ Mầm non

Về bản chất, trò chơi giác quan là các trò chơi thu hút trẻ sử dụng 5 giác quan chính của mình. Có rất nhiều hoạt động giúp phát triển đa giác quan cho trẻ Mầm non, đơn giản từ việc chơi với cát, nước, đất nặn (xúc giác) đến các thí nghiệm pha màu, sắp xếp và phân loại màu sắc (thị giác), hoặc bịt mắt đoán mùi/vị/âm thanh (khứu giác, vị giác, thính giác). Điều quan trọng là người lớn luôn đặt câu hỏi cho mỗi trải nghiệm của trẻ, ví dụ như:

  • Con cảm thấy nó thế nào?
  • Mùi của nó có thơm không?
  • Con có thích âm thanh nó tạo ra không?
  • Trông nó như thế nào con nhỉ?

Có rất nhiều hoạt động học tập đa giác quan mà cha mẹ có thể tham khảo qua video của các bạn nhỏ Mầm non Vinschool (tại đây) với các trò chơi lý thú như:

  • Bức tranh cảm giác
  • Săn tìm hình và số, Sáng tạo chữ cái
  • Chuyền bóng bằng chân, Chuyển táo bằng giấy
  • Bịt mắt đoán thức ăn, Bịt mắt thả hình, Bịt mắt ghép tranh
  • Phân biệt mùi hương, Phân loại âm thanh
  • Sức mạnh của gió, Sự kì diệu của nước…

Đây là những hoạt động đơn giản mà bố mẹ cũng có thể dễ dàng thực hiện cùng các bé tại nhà. Ngoài ra, có rất nhiều hoạt động khác mà gia đình có thể cùng thực hiện để giúp bé vừa học – vừa chơi như: gấp quần áo để cảm nhận các chất liệu vải khác nhau, sử dụng các đồ dùng trong nhà để bé biết thêm các chất liệu như gỗ, inox, nhựa… cho bé cùng tham gia chuẩn bị các bữa ăn, để bé ngửi, nếm, và thử đoán tên các loại đồ ăn hàng ngày…

Sự kiện Khám phá thế giới Khoa học kỳ bí – Science Fair

Tại Vinschool, tuần từ 11/7/2022, các bạn nhỏ Mầm non sẽ được tham dự Sự kiện Science Fair với 5 trạm trải nghiệm vô cùng hấp dẫn:

  • Sensory Play Station – Góc trải nghiệm giác quan: tuyết nhân tạo, đường đi cảm giác, vẽ tranh cát, nghệ thuật thị giác với hình khối,…
  • STEM Challenges – Góc thử thách xây dựng mô hình 3D về hệ mặt trời.
  • Fun Science with Plants – Góc nghiên cứu các loại thực vật. Trồng cây mầm, thí nghiệm hoa đổi màu, lá cây quang hợp,…
  • Colorful Design Station – Góc nghệ thuật sắc màu: vẽ tranh lăn bi, nhuộm/ vẽ khăn/ áo quần thủ công.
  • Fun Toy Factory – Góc công nghệ chế tạo đồ chơi: tên lửa/ xe hơi bong bóng, đèn dung nham,…

Đây là những Trải nghiệm Khoa học trong chương trình Mầm non Vinschool, chương trình Cambridge Stage 1 với rất nhiều thí nghiệm và khám phá Khoa học thú vị. Thông qua đây, trẻ được nuôi dưỡng trí tò mò và niềm đam mê Khoa học ngay từ lứa tuổi Mầm non.

Nguồn tham khảo: Education Play Care & Verywell – Dotdash Meredith.