Dạy con về “Lòng can đảm”, cha mẹ nên làm gì?
Là một trong những phẩm chất quan trọng cần có trong cuộc sống, lòng can đảm giúp trẻ có khả năng mở rộng sự khám phá, xây dựng lòng tự trọng cho bản thân và tự tin phát triển nhiều đức tính cần thiết khác. Khi thấu hiểu một cách sâu sắc và đúng đắn về lòng can đảm, chúng ta biết rằng trẻ có thể được rèn luyện và phát triển phẩm chất này từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.
LÒNG CAN ĐẢM THẬT SỰ LÀ GÌ?
1. Bước ra khỏi vùng an toàn
Lòng can đảm giúp trẻ thử sức trong các lĩnh vực mới mẻ ngay cả khi cảm thấy hồi hộp hay lo lắng, chẳng hạn như học đi xe đạp hoặc làm quen, kết bạn mới, thử ăn một món ăn mới hoặc chơi một trò chơi mới. Khi bước ra khỏi vùng an toàn, hầu hết các con sẽ rất cần sự động viên, khích lệ cũng như chỉ bảo của cha mẹ để có thể kiên trì, nỗ lực, tiếp tục đứng lên và làm lại ngay cả khi thất bại nhiều lần.
2. Lựa chọn làm điều đúng đắn
Lựa chọn làm điều đúng đắn đôi khi cần rất nhiều sự can đảm, dù đơn giản chỉ là lựa chọn “chăm chỉ” thay vì “lười biếng”. Lòng can đảm cũng giúp trẻ trong việc lựa chọn “lên tiếng”, kể cả trong những tình huống khó khăn như là đứng ra bảo vệ một bạn nhỏ khác bị bắt nạt. Ngoài ra, trẻ cũng học được cách nói “Không” đúng đắn. Bởi trong thế giới ngày càng rộng mở này, trẻ có xu hướng làm hài lòng người khác và chưa có ranh giới lành mạnh, nói “Có” dù biết rằng đó không phải là điều nên làm, chẳng hạn như đối với những lời dụ dỗ của bạn bè…
3. Thừa nhận sai lầm
Thừa nhận sai lầm của mình, ví dụ như khi làm vỡ cửa sổ nhà hàng xóm khi chơi bóng đá. Các con cần biết xin lỗi và giúp đỡ việc dọn dẹp. Đó cũng là biểu hiện của lòng can đảm.
4. Thành thật đón nhận cảm xúc của mình
Trong một thế giới mà công nghệ thông tin và mạng xã hội ngày càng phát triển, trẻ có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới “vẻ bề ngoài” mà bỏ quên cảm xúc thật của mình. Đón nhận cảm xúc thật của mình cũng rất cần lòng can đảm. Trẻ cũng cần hiểu rằng, can đảm đôi khi không phải là gạt nỗi sợ hãi của mình sang một bên, bởi vì việc này sẽ khiến nỗi sợ bị kìm nén một cách tiêu cực. Trên hết, can đảm còn là bình tâm đối diện với nỗi sợ và bước ra khỏi vùng an toàn của mình một cách dần dần và tích cực.
5. Yêu cầu sự giúp đỡ
Việc nói lên yêu cầu cần được giúp đỡ của mình cũng là một biểu hiện của lòng can đảm. Trẻ cũng cần được biết rằng con không phải tự mình đối mặt với mọi tình huống khó khăn.
CÁCH CHA MẸ CÓ THỂ GIÚP TRẺ RÈN LUYỆN VỀ LÒNG CAN ĐẢM
Cha mẹ là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của con cái, đồng thời có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của trẻ. Vậy nên cha mẹ có thể:
1. Giải thích để con hiểu Sự thật về “Lòng can đảm”
Trong cuộc sống, khi gặp những tình huống thể hiện được phẩm chất “Can đảm” của mỗi người, cha mẹ có thể lấy đó làm những ví dụ để học hỏi và giải thích. Cha mẹ cũng có thể sử dụng các câu chuyện, tin tức, chương trình truyền hình, phim hoặc sách để làm công cụ để trẻ học tập phẩm chất này.
Một số gợi ý dành cho phụ huynh: Bộ sách “Sóc sợ sệt” là câu chuyện dạy về lòng can đảm một cách hài hước rất thú vị, hay “Home Alone – Ở nhà một mình” là một bộ phim vô cùng nổi tiếng về đề tài này. Việc vừa đọc sách truyện, tin tức, xem phim…vừa giải thích cho con sẽ khiến con tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên và hứng thú hơn.
2. Sử dụng các tình huống hàng ngày để rèn luyện lòng can đảm cho trẻ
Khuyến khích, động viên con trong các tình huống hàng ngày, ví dụ như:
– Tham gia vào một lớp học mới, thử sức ở một kỹ năng mới
– Tiếp tục luyện tập các kỹ năng và kiên trì dù chưa đạt được kết quả tốt ngay lập tức
– Từ chối đi cùng với nhóm bạn khi biết rằng họ sẽ làm điều sai trái hoặc nguy hiểm…
3. Khen ngợi trẻ mỗi khi khi con thể hiện lòng can đảm
Trẻ rất có nhu cầu được công nhận, đặc biệt là từ cha mẹ của mình. Vậy nên lời khen ngợi từ những điều nhỏ nhất sẽ khiến con ngày càng tự tin hơn để phát triển lòng can đảm của mình.
4. Giúp con nhìn nhận sai lầm như cơ hội học hỏi
Mỗi “sai lầm” lại mang đến một bài học, điều quan trọng là con đã học được điều gì sau mỗi sai lầm của mình. Việc tạo một bầu không khí tích cực khi trẻ mắc sai lầm sẽ khuyến khích con can đảm đối mặt và thừa nhận sai lầm của mình một cách công khai và trung thực. Khi ấy, trẻ trở nên dễ tiếp nhận hơn với những bài học mà cha mẹ dạy mình, để có thể sửa đổi bản thân mình tốt hơn.
5. Trở thành nguồn hỗ trợ cũng như truyền cảm hứng cho con về lòng can đảm đúng đắn
Tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, sẽ thể hiện lòng can đảm tốt hơn khi biết rằng mình không đơn độc và có ai đó ở bên cạnh. Vì vậy, hãy khiến cho con cảm thấy mình an toàn và được đồng hành trên hành trình học hỏi này. Và điều quan trọng là cha mẹ hãy trở thành nguồn cảm hứng, một tấm gương để con thật sự thấu hiểu và phát triển phẩm chất này một cách đúng đắn.