fbpx

Nhận diện 24 điểm mạnh tính cách và những cách hiệu quả để giúp con phát triển điểm mạnh của mình

Thứ Sáu, 06/05/2022, 17:05 (GMT+7)

Trong những năm đầu thế kỷ 21, nghiên cứu của các nhà khoa học tại VIA Institute và sự ra đời của cuốn sách “Character Strengths and Virtues” (tạm dịch là “Những điểm mạnh tính cách và phẩm chất”) đã trở thành sự đột phá trong ngành khoa học xã hội. Tiến sĩ tâm lý Martin Seligman và cộng sự đã nghiên cứu tất cả các truyền thống và triết học lớn nhất trên thế giới để đưa ra 24 điểm mạnh tính cách phổ quát nhất, áp dụng cho cả trẻ em và người lớn, phù hợp với tất cả các nền văn hóa trong suốt ba thiên niên kỷ qua.

Nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi người chúng ta đều có tất cả 24 tiềm năng điểm mạnh bên trong mình với tỷ lệ khác nhau – tuy nhiên có đến 70% số người tham gia vào nghiên cứu này không biết rõ điểm mạnh tính cách của mình. Bài viết này sẽ cung cấp đến cha mẹ một bảng hệ thống 24 điểm mạnh tính cách. Cha mẹ hãy chia sẻ, trò chuyện với con để cùng nhận diện 5 phẩm chất nổi bật nhất của mỗi thành viên trong gia đình, đồng thời tham khảo các phương thức giúp trẻ phát triển toàn diện 24 phẩm chất thông qua bài viết này.

1. Vì sao nhận diện và phát triển các điểm mạnh trong tính cách là vô cùng quan trọng?

– Xác định được thế mạnh của bản thân giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng, tự tin và hài lòng hơn về chính mình, từ đó luôn có động lực trải nghiệm và học tập trong cuộc sống.

– Nhắc trẻ nhớ về những phẩm chất mà mình có là đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe tinh thần của trẻ, chúng đóng vai trò như bộ đệm để giúp con vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống cho đến tận khi trưởng thành.

– Không khó để nhận ra rằng trong thế giới ngày càng phát triển, con người có xu hướng dễ nhận ra những điểm yếu (dẫn đến chỉ trích, phán xét) hơn là hiểu được những điểm mạnh của bản thân và những người xung quanh. Tuy nhiên, khi có khả năng nhìn nhận những phẩm chất của chính mình và mọi người, trẻ mới cảm thấy được trao quyền để sống một cuộc sống tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

– Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, khi 1 người có thể nhìn nhận các thế mạnh và phẩm chất của chính mình, họ sẽ có thể nhìn nhận được những điểm mạnh của người khác. Đặc biệt khi nhận ra điều tốt đẹp của bạn bè và những người xung quanh, trẻ sẽ học được cách trân trọng và học hỏi lẫn nhau, và là động lực để trẻ phát triển các phẩm chất còn lại.

2. Điểm mạnh tính cách nổi bật ở trẻ mầm non

Mặc dù hầu hết trẻ mầm non chưa đủ trưởng thành về mặt nhận thức để có thể nhận biết rõ tất cả 24 phẩm chất, nhưng có rất nhiều điểm mạnh tính cách cơ bản được phát triển ở giai đoạn mầm non, đặc biệt là 10 phẩm chất sau: Yêu thương, Trí tuệ xã hội, Nhiệt tình, Ham học hỏi, Trí tò mò, Sáng tạo, Kiên trì, Can đảm, Tốt bụng, và Hài hước.

Những phẩm chất này ở trẻ mầm non được phát triển phụ thuộc rất nhiều thông qua mối quan hệ của trẻ với cha mẹ và những người chăm sóc. Sự gắn bó an toàn và đầy yêu thương sẽ giúp trẻ có sự điều chỉnh tốt về tâm lý và xã hội trong suốt cuộc đời.

3. Cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển toàn diện các phẩm chất này như thế nào?

Điều cần thiết nhất không nằm ở việc chỉ đánh giá xem trẻ có những điểm mạnh tính cách nào, mà quan trọng hơn là giúp trẻ phát triển toàn diện 24 phẩm chất. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng mọi người đều có đầy đủ 24 tiềm năng phẩm chất này bên trong mình, và trẻ có thể phát triển chúng thông qua việc thực hành đều đặn và với sự khích lệ thường xuyên từ những người xung quanh.

Bốn bước dưới đây được VIA Institute khuyến nghị là những bước cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển sâu sắc các điểm mạnh tính cách của mình:

(1)  Thực hành phẩm chất (Make the good):

Cách tốt nhất để giúp trẻ tiếp cận với những phẩm chất tích cực, đó là giúp não bộ ghi lại ký ức của những điều tốt đẹp. Điều này có thể thực hiện thông qua việc dành thời gian với con, không cần thiết là những hoạt động tốn kém hay xa xỉ, mà có thể chỉ đơn giản là dành toàn bộ sự chú ý tới con trong một khoảng thời gian chất lượng hàng ngày (như lắng nghe, đọc sách, hoạt động thể thao, chơi trò chơi mà con thích…). Ngoài ra, cha mẹ và người chăm sóc trước hết cũng cần tự nhận ra những điểm mạnh của chính mình, để trở thành hình mẫu cho trẻ về những phẩm chất ấy.

 (2) Nhận diện phẩm chất (See and Say the good)

Trẻ còn nhỏ có thể chưa đủ nhận thức và vốn từ để hiểu thế nào là tốt bụng, dũng cảm hay trung thực… và cha mẹ cần giúp trẻ nhận diện chúng. Ví dụ như: “Mẹ thấy con vừa chia sẻ đồ chơi với bạn, con thật tốt bụng đấy!” – “Hôm nay con đã chọn nói sự thật và xin lỗi mọi người – đó chính là trung thực và can đảm, con ạ!”

Mỗi trẻ sẽ thể hiện cách điểm mạnh tính cách của mình theo những cách khác nhau, đôi khi rất tinh tế, ví dụ như cử chỉ vỗ lưng khi thấy bạn của con đang buồn. Vậy nên việc quan sát và nhận diện của cha mẹ là rất quan trọng trong việc khích lệ trẻ phát triển các phẩm chất của mình.

 (3) Kết nối phẩm chất với cảm nhận bên trong (Link the good)

Việc liên kết hành vi bên ngoài với cảm nhận tốt đẹp bên trong chính là cách giúp trẻ đưa những phẩm chất này vào sâu trong não bộ và ký ức của mình, để từ đó khuyến khích trẻ phát triển các phẩm chất. Ví dụ như: “Mẹ thấy con chơi trò ghép hình này suốt cả buổi chiều, và đã có lúc rất khó khăn, vậy mà con đã làm được rồi này! Chắc hẳn con cảm thấy tự hào về chính mình đúng không? Con thật là kiên trì đấy!”

(4) Nhắc con nhớ về phẩm chất của mình (Remember the good)

Nhắc con nhớ về điểm mạnh của bản thân sẽ khiến các phẩm chất trở thành niềm tin cốt lõi của trẻ về chính mình. Ví dụ, cha mẹ có thể dành thời gian trước khi đi ngủ để cùng con nhớ lại những phẩm chất mà con đã có trong ngày hôm ấy. “Mẹ nghe nói sáng nay bạn Linh gặp chuyện không vui ở lớp phải không? Con đã nói gì với bạn? Con cảm thấy thế nào khi an ủi bạn? …Mẹ thấy con thật là biết thấu hiểu và đồng cảm đấy!”

Thông qua việc từng bước giáo dục trẻ phát triển các điểm mạnh tính cách sẵn có, cũng như trau dồi toàn diện các phẩm chất còn lại, chính là cách cha mẹ giúp con “trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày”. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng giáo dục phẩm chất quan trọng không kém việc giáo dục các môn học cơ bản khác, và khi trẻ đặt mục tiêu phát triển phẩm chất trong tất cả những việc mà mình làm (chứ không chỉ là vì thành tích, điểm sổ…), thì về lâu dài, trẻ sẽ giữ được tinh thần lành mạnh và có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Nguồn tham khảo: VIA Institute on Character