fbpx

Các phương pháp giáo dục giúp phát triển ngôn ngữ sớm ở trẻ

Thứ Ba, 30/08/2022, 09:08 (GMT+7)

Ngôn ngữ là một phần vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, là nền tảng để trẻ phát triển khả năng giao tiếp và học hỏi, trình bày suy nghĩ và ý tưởng, bày tỏ và thấu hiểu cảm xúc, phát triển và duy trì các mối quan hệ,...Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển trẻ em tại Đại học Harvard về sự phát triển của não bộ, các kết nối thần kinh được phát triển mạnh mẽ nhất trong những năm đầu đời, mỗi giây có thể có đến 700 kết nối thần kinh mới được hình thành. Một ví dụ đáng ngạc nhiên là não bộ của một trẻ 2 tuổi có hàng nghìn tỷ kết nối thần kinh - gấp đôi số lượng của một người trưởng thành. Đây là lí do vì sao trẻ em dễ học ngôn ngữ hơn khi còn rất nhỏ.

Cha mẹ và người chăm sóc đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển năng lực ngôn ngữ của trẻ. Với rất nhiều kinh nghiệm giảng dạy phát triển ngôn ngữ cho trẻ, trường Mầm non Vinschool xin chia sẻ những gợi ý để các bậc phụ huynh có thể tham khảo trong việc xây dựng một môi trường giàu ngôn ngữ, giúp trẻ học lắng nghe tích cực, hăng hái trò chuyện, cũng như phát triển các kỹ năng đọc viết tốt nhất.

1. Trò chuyện và tương tác thường xuyên

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Mầm non khởi đầu với âm thanh và cử chỉ, sau đó là từ và câu. Vì vậy, từ khi trẻ mới sinh ra, cha mẹ đã có thể hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ của trẻ bằng cách luôn luôn tương tác qua lại với trẻ bằng nhiều ngôn ngữ, cử chỉ trong mọi ngữ cảnh khác nhau.

  • Đi theo sự dẫn dắt của trẻ để hiểu mối quan tâm của con: Sự dẫn dắt của trẻ có thể là cái vẫy tay, lời nói bập bẹ hoặc ngôn từ rõ ràng… Cha mẹ hãy luôn đáp lại những nỗ lực giao tiếp của con. 

Ví dụ: Khi thấy con với tay một món đồ chơi, cha mẹ có thể tương tác: “Con thích hình vuông này à? Con có lấy được nó không?”

  • Khi con chỉ tay vào đồ vật bất kỳ, hãy nhìn theo, chỉ vào đồ vật và dạy con từ ngữ đó. Khi con chỉ tay vào chữ, hãy đọc chữ để con dần hiểu chữ in và lời nói có kết nối với nhau.
  • Thường xuyên sử dụng các từ mô tả hành động, cảm xúc để kể về những gì cha mẹ/trẻ đang làm.

Ví dụ: “Mẹ đang làm sữa chua cho con ăn này, bây giờ mẹ mở hộp sữa chua và lấy thìa xúc cho con ăn nhé!” / “Bây giờ chúng ta sẽ đi tắm. Con có thấy nước ấm trên bụng không? Tắm xong, mình sẽ lau khô người, rồi mặc quần áo vào và đi dạo nhé!” / “Con đang chơi búp bê à, con đang cho búp bê ăn phải không?”

  • Lặp lại và xây dựng thêm (trò chuyện, đặt câu hỏi) dựa trên những gì con nói để khuyến khích con giao tiếp nhiều hơn. 

Ví dụ: Khi con nói “quả táo” – cha mẹ có thể nói “Con muốn quả táo màu đỏ này à?”. 

Khi con nói: “Con muốn đi siêu thị” – cha mẹ có thể hỏi “Con muốn đi siêu thị để làm gì?”

  • Lắng nghe, chờ đợi trẻ phản hồi và mở rộng trải nghiệm ngôn ngữ. 

Dành cho trẻ khoảng nghỉ để trẻ có không gian tiếp tục phản hồi, tương tác lại. Mở rộng trải nghiệm cho trẻ, ví dụ như nếu con thích một bức tranh, cha mẹ hãy trò chuyện với con về bức tranh đó. Nếu con được thu hút bởi một con thuyền, hãy cho con xem nhiều con thuyền khác và cùng nói về chúng.

2. Đọc sách cùng con 

Việc đọc sách cho trẻ Mầm non là một trong những điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm để chuẩn bị cho việc đọc và học của trẻ trong tương lai. Đọc sách giúp trẻ được tiếp xúc sớm với ngôn từ phong phú, ngữ pháp phù hợp, cũng như khơi gợi trí tưởng tượng và tăng khả năng tập trung của các bạn nhỏ. 

Cha mẹ được khuyến khích nên đọc sách cho trẻ ít nhất 15 phút mỗi ngày kể từ khi con chào đời. Để có thể đọc sách cho trẻ mầm non hiệu quả, quý phụ huynh có thể tham khảo bài viết 5 “bí kíp đọc” sách hiệu quả cho trẻ từ các giáo viên Mầm non Vinschool.

Việc lựa chọn một cuốn sách phù hợp với độ tuổi là rất quan trọng. Ở mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có sự phát triển về mặt hình ảnh, tư duy trực quan và nhận thức khác nhau. Người lớn thường gặp khó khăn nhất trong việc chọn sách cho trẻ dưới 3 tuổi, vì vậy, Quý phụ huynh có thể tham khảo bài viết Những gợi ý chọn sách cho trẻ dưới 3 tuổi từ góc nhìn giáo dục để có thêm lựa chọn.

3. Âm nhạc và các chuyến đi thực tế

Trẻ nhỏ rất yêu thích âm nhạc và vận động, thông qua âm nhạc và các chuyến đi thực tế, trẻ học được rất nhiều về thế giới xung quanh và nhịp điệu của ngôn ngữ, phát triển vốn từ của mình. Một chuyến đi tới sở thú, thủy cung, bảo tàng hoặc thư viện dành cho trẻ em…sẽ mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho trẻ học hỏi về ngôn ngữ và về cuộc sống.

4. Hoạt động “Show & Tell”

“Show & Tell” là một hoạt động rất thường xuyên được tổ chức tại trường Mầm non Vinschool, nhằm khuyến khích trẻ phát triển ngôn ngữ nói và lắng nghe tích cực, đặt câu hỏi. Cha mẹ có thể tham khảo hoạt động này để giúp xây dựng sự mạnh dạn tự tin khi trẻ có cơ hội được nói về những thứ mà mình yêu thích và quen thuộc. Các thầy cô xin phép chia sẻ về cách tổ chức cơ bản như sau:

  • Sắp xếp để các thành viên trong gia đình/một nhóm trẻ ngồi vòng tròn để tất cả có thể nhìn thấy nhau.
  • Cha/mẹ làm mẫu việc giới thiệu về một đồ vật và trò chuyện về nó (hình dạng, màu sắc, cảm xúc, kích thước, cách sử dụng…)
  • Cha/mẹ làm mẫu hỏi những câu hỏi hay (Ai đã mua nó? Nó đến từ đâu? Con có nó từ khi nào? Chuyện gì xảy ra nếu ….)
  • Cha/mẹ làm mẫu việc lắng nghe tích cực và chờ đến lượt. Và lần lượt các thành viên trong gia đình cùng thực hiện “Show & Tell”.

Một số lưu ý khi đồng hành cùng sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, đó là:

  • Luôn đưa sự vui tươi, hài hước vào phương pháp giáo dục; luôn động viên, khen ngợi trẻ;
  • Cho trẻ thời gian để tìm tòi, khám phá mà không thúc ép;
  • Việc sử dụng các thiết bị điện tử cũng rất cần được lưu tâm, bởi vì các chương trình truyền hình không có yếu tố “tương tác” và “phản hồi” – 2 yếu tố quan trọng nhất để trẻ học ngôn ngữ. Theo khuyến cáo của Học viên Nhi khoa Hoa kỳ, trẻ dưới 2 tuổi không nên xem tivi, và trẻ trên 2 tuổi chỉ nên xem các chương trình chất lượng tối đa 2 giờ/ngày.

Hy vọng rằng các phương pháp đúc kết kể trên từ đội ngũ giáo viên Mầm non Vinschool có thể giúp ích cho các bậc phụ huynh trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, để trẻ có được nền tảng cho việc học tập các kỹ năng, năng lực khác và cho sự thành công trong cuộc sống sau này của các con.

Nguồn tham khảo: Raising Children Network (Australia) & Parents.