Bí quyết giúp trẻ Mầm non vượt qua lo lắng trong ngày đầu đi học
Đối với trẻ Mầm non, sự lo lắng và căng thẳng khi không có Ba mẹ ở bên trong ngày đầu tiên đi học có thể trở thành một trải nghiệm khó khăn. Mặc dù việc trẻ sợ hãi và lo lắng là một phản ứng bình thường khi đối mặt với những tình huống mới, Ba mẹ vẫn cần có những kế hoạch phù hợp để chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng này của con. Khi có sự chuẩn bị đi kèm cảm xúc tích cực, trẻ sẽ tạo lập thói quen mới dễ dàng hơn, để việc đến trường dần trở nên thuận lợi hơn. Dưới đây là một số gợi ý mà quý phụ huynh có thể tham khảo để đồng hành với con trong những ngày đầu tiên tới trường.
1. Sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước
Việc chuẩn bị tốt về mặt tâm lý và kỹ năng trước khi đi học Mầm non sẽ giúp trẻ có bước chuyển tiếp nhẹ nhàng hơn, một khởi đầu vững chắc hơn. Quý phụ huynh có thể tham khảo thêm tại bài viết Những kỹ năng cần trang bị cho trẻ trước khi đi học Mầm non.
Ngoài ra, cảm xúc của người thân cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của trẻ khi tới trường. Vậy nên, nếu ba mẹ có phần lo lắng hoặc cảm động với bước ngoặt này của con, hãy tôn trọng cảm xúc của mình nhưng đồng thời quản trị những cảm xúc này theo hướng tích cực. Một trong những cách để giải bài toán tâm lý của ba mẹ, đó là tập trung nghĩ đến những giá trị tốt đẹp mà giáo dục Mầm non mang lại, từ đó tạo thái độ tích cực cho ba mẹ và cho trẻ.
2. Ngày đầu tiên tới trường
- Trước ngày đầu tiên đến lớp, trẻ nên được ngủ đủ giấc để có đủ năng lượng và giảm căng thẳng. Ba mẹ cũng nên thức dậy sớm để không phải vội vã trong ngày đầu tới trường của con. Khi trẻ cảm nhận được sự an tâm, điềm tĩnh của ba mẹ, trẻ sẽ tự tin hơn vào hành trình mới này.
- Hãy để con chọn một đồ vật thân quen theo mình trong những ngày đầu tiên tới trường, có thể là thú bông, đồ chơi mềm, chăn/gối yêu thích, cuốn sách đặc biệt, tấm ảnh gia đình… Tại Mầm non Vinschool, trẻ được mang theo những đồ vật này để những ngày đầu cảm thấy an toàn và thoải mái hơn, giúp xoa dịu trẻ nếu cảm thấy chưa quen.
3. Lời tạm biệt tích cực
Những chiến lược “tạm biệt” dưới đây có thể giúp làm dịu những bỡ ngỡ của việc phải xa ba mẹ trong ngày đầu tiên đến trường của trẻ:
- Ba mẹ có thể đưa con đến sớm và dành thời gian 15-30 phút ở trường với con trước giờ cô giáo đón, để giúp quá trình chuyển đổi này dễ dàng hơn. Tại các cơ sở Mầm non Vinschool, ba mẹ có thể cùng con chơi tại khu vui chơi, gặp gỡ các bạn nhỏ khác, đọc một quyển sách yêu thích cho con nghe tại trường…và có thể ra về khi con cảm thấy bắt đầu thoải mái và thân quen.
- Tập cho trẻ thói quen tạm biệt ba mẹ theo những cách thật đặc biệt: Cùng nhau thiết lập một thói quen tạm biệt “thú vị” sẽ giúp trẻ cảm thấy được an ủi và thoải mái hơn. Ví dụ như cùng con hát bài “Lời chào buổi sáng”, hoặc hôn vào lòng bàn tay của trẻ để con có thể “giữ nụ hôn của mẹ trong bàn tay con suốt cả ngày nhé!”…
- Hẹn đón con và nói về kế hoạch sau giờ học: Một phần khiến trẻ lo lắng khi chia tay là nỗi sợ rằng mình có thể không gặp lại ba mẹ nữa. Việc khẳng định chắc chắn thời gian sẽ quay lại đón sẽ khiến trẻ cảm thấy được xoa dịu: “Mẹ sẽ đón con vào chiều nay, ngay khi con tan lớp đấy!”; Hoặc nói về những việc sẽ làm cùng nhau sau giờ học: “Khi đi làm về, mẹ sẽ đến đón con và mẹ con mình sẽ ra sân chơi xích đu nhé!”. Và điều quan trọng là ba mẹ hãy giữ lời hứa của mình nhé!
4. Đối mặt với sự “cầu cứu” và đeo bám của trẻ
Nếu nghe thấy tiếng khóc của con, ba mẹ hãy cố gắng không quay lại lớp học để trẻ có thể thích nghi và học tính độc lập khi không có ba mẹ ở bên. Cũng không nên nói rằng “Mẹ chỉ đi một chút thôi” hoặc “Mẹ ở ngay ngoài kia nếu con cần mẹ” vì sẽ khiến trẻ khó hòa nhập vào lớp học. Chỉ cần nhắc lại rằng ba mẹ sẽ quay lại đón con vào một thời điểm nhất định.
5. Đón con sau ngày đầu tiên
- Nếu có điều kiện, ba mẹ có thể đến sớm vài phút để đón trẻ trong những ngày đầu tiên, hoặc ít nhất là tới đúng giờ như đã hẹn với con từ sáng. Bởi vì đôi khi, việc không gặp ba/mẹ ngay lập tức sau giờ học sẽ làm trẻ thêm lo lắng.
- Nếu trẻ bật khóc khi được đón thì ba mẹ cũng không nên quá lo lắng. Bởi vì thời khắc gặp lại ba mẹ sau ngày đầu tiên này báo hiệu cho trẻ cảm thấy sự an toàn để có thể bộc lộ cảm xúc của mình, dần dần trẻ sẽ quen với nhịp điệu tới trường và sẽ bớt lo lắng.
- Dành thời gian đặc biệt cho trẻ mỗi ngày sau giờ học, để trẻ biết rằng mình vẫn vô cùng quan trọng với ba mẹ. Những hoạt động thể chất vui vẻ để con cười và sảng khoái, sẽ giúp cả ba mẹ và con vượt qua những căng thẳng trong giai đoạn mới đi học.
6. Giao tiếp với giáo viên của con
- Giao tiếp của ba mẹ với cô giáo cũng đóng vai trò quan trọng, vì trẻ sẽ tự tin hơn khi chứng kiến sự tương tác ấm áp, tích cực và thân thiện giữa những người quan trọng trong cuộc sống của mình, như ba mẹ với cô giáo.
- Ba mẹ có thể chia sẻ với cô giáo nếu trẻ gặp khó khăn khi rời mẹ trong thời gian đầu. Các giáo viên Mầm non có kinh nghiệm rất tốt trong việc giúp trẻ vượt qua giai đoạn chia ly và sẽ có những hỗ trợ, gợi ý để giúp ba mẹ và con vượt qua thời điểm này một cách phù hợp nhất.
Việc trẻ cảm thấy lo lắng khi không có ba mẹ ở bên là điều hoàn toàn tự nhiên, vì vậy ba mẹ hãy nhẹ nhàng và an ủi con nếu con sợ hãi. Khi trẻ trở về nhà, ba mẹ hãy dành thời gian để lắng nghe con, đáp lại những phản ứng của con bằng lòng thấu hiểu, mà không gạt qua những lo lắng của trẻ. Với sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, kỹ năng, cũng như sự quan tâm và thấu hiểu, dần dần trẻ sẽ trở nên ổn định hơn về mặt cảm xúc, cũng như tạo dựng được tính độc lập hơn trong môi trường xã hội.
Tại Mầm non Vinschool, các con sẽ có hai tuần học đầu tiên với tên gọi “My school is my home” – Em yêu trường em với chuỗi sự kiện Summer Fest 2022. Trong hai tuần học này, các con sẽ làm quen với cô giáo và các bạn, tìm hiểu về môi trường lớp học và dần hình thành những thói quen sinh hoạt hàng ngày khi đến lớp. Đúng như tên gọi của chủ đề, cô giáo sẽ đồng hành cùng ba mẹ để bé yêu sớm cảm nhận được tình yêu thương, gắn bó với ngôi nhà thứ hai của mình. Bé sẽ bắt đầu một năm học mới với đầy niềm vui và khám phá thêm nhiều điều thú vị.
Nguồn tham khảo: Raising Children Network (Australia), Zero to Three & Aha Parenting.