Tháng 9/2018, hai tập thể lớp 11D1 và 11D5 trường Trung học Vinschool Times City đã cùng nhau phát động dự án “Bữa sáng yêu thương”, quyên góp tiền từ khoản tiền ăn sáng hàng ngày để tổ chức thăm hỏi, động viên các bệnh nhi đang điều trị tại Viện huyết học và truyền máu Trung ương."/>

Vinsers Trung học và hành trình ý nghĩa: “Bữa sáng yêu thương”

Thứ Năm, 20/09/2018, 19:09 (GMT+7)

Tháng 9/2018, hai tập thể lớp 11D1 và 11D5 trường Trung học Vinschool Times City đã cùng nhau phát động dự án “Bữa sáng yêu thương”, quyên góp tiền từ khoản tiền ăn sáng hàng ngày để tổ chức thăm hỏi, động viên các bệnh nhi đang điều trị tại Viện huyết học và truyền máu Trung ương.

Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Vinsers Ngọc Minh – một thành viên của dự án về hành trình ý nghĩa này:

“Sau đoạn đường hơn chục cây số, chúng con đã đặt chân tới Viện huyết học và truyền máu Trung ương. Đón tiếp chúng con là chị Quỳnh Anh –  Nhân viên Phòng Công tác Xã hội của Viện. Đi qua hành lang đầy mùi thuốc khử trùng, chúng con được gặp gỡ, hỏi thăm 8 em nhỏ trong độ tuổi từ 4 đến 7 tuổi. Các em là những bệnh nhi không may mắc phải căn bệnh tan máu bẩm sinh (có tên khoa học là Thalassemia). Trước khi đi, chúng con tự nhủ khi đến sẽ trò chuyện, chia sẻ thật nhiều với các em, nhưng khi gặp các em rồi, chúng con nhận thấy các em rất e dè, sợ sệt, không dám bắt chuyện với người lạ. Các em rất giống nhau và làn da các em vàng vọt, trông các em thực sự mệt mỏi, cánh tay khẳng khiu, đầy vết kim tiêm truyền, đến việc ngồi ghế cũng rất khó khăn. Vì thế, chúng con không dám hỏi nhiều, lo rằng các em sẽ thấy sợ hãi và mệt mỏi hơn.

Dù chỉ diễn ra trong vòng 15 phút do có một số em vì truyền nước liên tục nên không thể ngồi lâu được nhưng đã để lại trong chúng con nỗi ám ảnh, cảm thương sâu sắc. Hóa ra cơ thể giống nhau và màu da vàng vọt kia không phải tự nhiên mà các em có. Các bệnh nhân đều bị biến dạng ở cơ thể, thân phình to, tay chân gầy gò, mũi tẹt, da nhợt nhạt, thậm chí những ca nặng còn bị biến dạng cả khuôn mặt, mất đi những di truyền ban đầu khi mới sinh, hầu hết các bé đều phải phẫu thuật cắt nách. Hơn nữa, các em đều trong độ tuổi đi học, lớp 1 đến lớp 4, nhưng lại không được có niềm vui đến trường mỗi ngày. Bởi căn bệnh này không làm sinh mạng các em nằm trên bờ vực sống – chết nhưng lại là gánh nặng đeo bám các em cả cuộc đời. Một tháng có 30 ngày thì đến 10 ngày các em phải ở trong viện để vừa truyền máu vào bù đắp cho lượng bạch cầu đã mất khoảng 3 ngày, vừa phải thải lượng sắt thừa ra khoảng 7 ngày.

Theo chia sẻ của chị Quỳnh Anh, có những bệnh nhân đến nay đã 40 tuổi và đã thay máu ở bệnh viện này 39 năm. Mỗi bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh được bảo hiểm nhà nước chi trả 3 tỷ đồng cho đến năm 30 tuổi. Dù đã có hỗ trợ nhưng những bệnh nhân hầu hết sinh ra trong gia đình ở miền núi, vùng quê nên việc di chuyển và chi trả cho sinh hoạt ở thành phố những chuỗi ngày nằm viện triền miên thực sự vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Cả 8 bệnh nhi mà chúng con gặp là 4 cặp anh chị em bởi tan máu bẩm sinh là căn bệnh di truyền. Khi hai bố mẹ đều mang trong mình gien lặn Thalassemia, sẽ có 25% con sinh ra mắc bệnh và tỉ lệ còn tăng lên cho những đứa trẻ sinh sau. Hiện nay có khoảng 2 vạn người dân Việt Nam phải gánh chịu căn bệnh này.


Để có thể thực hiện dự án, trên tinh thần tự nguyện, chúng con cùng nhau bỏ số tiền trích từ khoản tiền ăn sáng của mình vào chú lợn đất.



Sáng ngày 01/09/2018, chúng con đã mang theo những phần quà đặc biệt, có mặt tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.


Chúng con đã có cơ hội được gặp gỡ, thăm hỏi 8 bệnh nhi đang điều trị ở Trung tâm Thalassemia của Viện.


Sau những chia sẻ với bố mẹ các em, chúng con đã tặng cho các em những món quà, mong các em thật vui, lạc quan để chiến đấu và chiến thắng căn bệnh quái ác.

Sau chuyến đi, chúng con vừa thấy đồng cảm cho những mảnh đời bất hạnh, vừa thấy trân trọng hơn biết bao cuộc sống và sức khỏe của bản thân. Cảm ơn bố mẹ đã sinh ra và cho chúng con một cuộc sống mạnh khỏe, đầy đủ. Cảm ơn thầy Hoàng Vân và cô Hồng Nhung đã giúp chúng con thực hiện một chuyến đi thiện nguyện đầy ý nghĩa. Chúng con nhận ra rằng có thể góp sức nhỏ bé của mình làm những việc có ích cho cộng đồng và xã hội chính là cách để chúng con hoàn thiện thêm nhân cách bản thân và chín chắn, trưởng thành hơn. Hi vọng hai tập thể lớp nói riêng và các bạn học sinh Vinschool nói chung sẽ có thêm các dự án để thực hiện nhiều “hành động nhỏ – ý nghĩa lớn” trong thời gian tới.”