fbpx

Sức khỏe thể chất và tinh thần – Phần 3: Học sinh đã dạy tôi điều gì?

Thứ Bảy, 23/04/2022, 17:04 (GMT+7)

Tại Vinschool, tiếng nói của từng học sinh luôn được lắng nghe và các em đóng vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định của Nhà trường. Vào tháng 3, đại diện Hội đồng các trường quốc tế (CIS) đã thực hiện một nghiên cứu quy mô nhỏ để lắng nghe tiếng nói và quan điểm của học sinh Vinschool về sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.

“Một trong những điều quan trọng nhất mà Nhà trường đã thực hiện để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh là tạo ra môi trường khuyến khích mọi cá nhân chia sẻ ý kiến của mình. Bên cạnh đó, khi ai đó đang nói, những người còn lại sẽ giữ im lặng và thể hiện thái độ tôn trọng theo đúng quy tắc ‘một người nói’” –  Đó là những chia sẻ của một học sinh trong một nghiên cứu gần đây của Hội đồng các trường quốc tế (CIS).

Tại Vinschool, tiếng nói của từng học sinh luôn được lắng nghe và các em đóng vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định của Nhà trường. Vào tháng 3, thầy Leo Thompson, Cán bộ Đánh giá và Hỗ trợ Trường học, Hội đồng các trường quốc tế (CIS) đã thực hiện một nghiên cứu quy mô nhỏ để lắng nghe tiếng nói và quan điểm của học sinh Vinschool về những khía cạnh quan trọng, có tác động lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. Nghiên cứu cũng chỉ ra những hành động và nỗ lực của Vinschool trong việc đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh. Nghiên cứu này gần đây đã được đăng trên website của Hội đồng các trường quốc tế (CIS).

Để hiểu hơn về góc nhìn của các em, phụ huynh vui lòng đọc bản lược dịch tiếng Việt dưới đây.

————————————

Trong phần 3 này, chúng tôi lắng nghe tiếng nói và quan điểm của học sinh (HS) về những khía cạnh quan trọng, có tác động lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.

Thông qua buổi trò chuyện cùng HS đến từ một hệ thống giáo dục tại Việt Nam, chúng tôi hiểu sâu sắc vai trò của HS trong các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như tác động của những chương trình nâng cao sức khỏe tinh thần tại các trường phổ thông và đại học.

Nếu không lắng nghe HS, làm sao ta có thể đánh giá tác động của những chương trình này và đưa ra hướng cải thiện?

Giá trị của tiếng nói HS

Nghiên cứu sau đây được thực hiện trên quy mô nhỏ, nhằm mục đích chứng minh giá trị của tiếng nói HS trong cách tiếp cận của nhà trường về vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần.

Xin cảm ơn Hệ thống Giáo dục Vinschool tại Việt Nam đã tạo điều kiện để tôi được phỏng vấn các em HS của Nhà trường về chủ đề này, qua đó nâng cao tiếng nói của HS nói chung.

Buổi phỏng vấn diễn ra trên nền tảng Zoom và câu trả lời của HS được ghi lại trong một khảo sát tiếp sau đó.

Nếu trường học mà thầy/cô đang công tác chưa triển khai việc này, tôi khuyến khích thầy/cô thực hiện phỏng vấn tương tự, sử dụng các câu hỏi có trọng tâm và phù hợp với bối cảnh của trường mình.

Bối cảnh của cuộc phỏng vấn

  • Công tác trong môi trường giáo dục, hàng ngày chúng ta đều tiếp xúc trực tiếp với HS và phục vụ lợi ích của HS. Chính chúng ta là người tạo dựng môi trường và cơ hội để các em được lắng nghe và thể hiện bản thân mình. Vậy chúng ta đã làm được đến đâu?
  • Kết quả nghiên cứu mới đây của Nhóm công tác quốc tế về Bảo vệ trẻ em đã một lần nữa khẳng định ý nghĩa của tiếng nói HS trong việc đảm bảo sức khỏe thể chất – tinh thần và an toàn cho các em.
  • Lắng nghe tiếng nói của HS là một kỳ vọng cần đạt được đề cập trong các tiêu chuẩn cốt lõi (E1, I2) của Khung Giám định Quốc tế CIS.

Đối tượng HS được phỏng vấn

Tham gia phỏng vấn là 07 HS Trung học người Việt Nam (03 nam, 04 nữ) đến từ các cơ sở thuộc Hệ thống Giáo dục Vinschool tại Việt Nam.

Ba câu hỏi phỏng vấn như sau:

  1. Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là gì?
  2. Nhà trường đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của em ra sao?
  3. Làm sao để sức khỏe thể chất và tinh thần của em được cải thiện hơn nữa?

Cần lưu ý rằng tại thời điểm phỏng vấn, các em HS này đang học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID.

Sơ qua một chút về bản thân tôi: Tôi chưa từng gặp các em HS này trước đó. Bản thân tôi có ít trải nghiệm về Việt Nam và không có mối quan hệ nào với Nhà trường.

Tôi là một người Anh trung niên đang sinh sống tại châu Âu. Trước khi trò chuyện với nhóm HS đến từ Việt Nam – một nơi khá xa lạ đối với tôi, tôi đã phải tự nhủ rằng bản thân không được đưa ra các giả định mang tính vị chủng.

Điều đó khiến tôi và nhóm HS có được trải nghiệm sâu sắc về văn hóa, đồng thời đem đến nhiều cảm xúc thú vị.

Hi vọng rằng thầy/cô sẽ có chung nhận định với tôi, rằng nhóm HS này đã đưa ra những câu trả lời thực sự có giá trị.

Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là gì?

Hà (Nữ): Theo em, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là trạng thái hạnh phúc và tin rằng mình xứng đáng được hạnh phúc. Em hi vọng mọi người đều hiểu rằng mình xứng đáng có được hạnh phúc dù thế nào chăng nữa.

Shin (Nữ): Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là khi một người cảm thấy thoải mái cả về thể chất lẫn tinh thần. Sự an toàn, môi trường học tập hỗ trợ và các tương tác xã hội là những yếu tố chính giúp đạt được điều đó.

Khánh Minh (Nam): Đó là sự khỏe mạnh về thể chất lẫn tâm hồn. Các nhu cầu vật chất được đáp ứng đầy đủ, đem lại sự thoải mái khi xung quanh đều là những người sẵn sàng quan tâm và hỗ trợ.

Rice (Nam): Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là khi một người cảm thấy an toàn, hạnh phúc và khỏe mạnh (cả về thể chất lẫn tinh thần). Các thang đo ở đây là thang đo về thể chất, tinh thần và xã hội.

Minh Ngọc (Nữ): Theo em, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là trạng thái hạnh phúc. Em tin rằng sức khỏe thể chất và tinh thần trong trường học có thể bắt nguồn từ những điều rất nhỏ như bữa ăn, các mối quan hệ hoặc nhiệm vụ, bài tập ở trường.

Trâm (Nữ): Theo em, đó là hòa nhập và công bằng. Em muốn hòa nhập và được lắng nghe. Bất cứ ai cũng cần tôn trọng sự đa dạng và bản sắc của mỗi cá nhân, bất kể họ đến từ nền văn hóa nào hoặc muốn người khác xưng hô với mình theo bản dạng giới mà họ lựa chọn ra sao.

Duy Anh (Nam): Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là cảm thấy thoải mái khi ở trường hoặc nơi làm việc, là cảm giác hạnh phúc,biết quan tâm đến đời sống cá nhân của người khác và giúp đỡ họ khi cần thiết, là tạo cơ hội để mọi người đều được tham gia, cùng tôn vinh bản sắc riêng, tính cá nhân và tôn trọng mọi ý kiến.

Nhà trường đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của em ra sao?

Duy Anh (Nam)

  • Sử dụng biểu mẫu Google check-in.
  • Phòng Tư vấn tâm lý học đường.
  • HS nhận được sự hỗ trợ mang tính cá nhân từ giáo viên chủ nhiệm (em rất trân trọng điều này).
  • Tổ chức nhiều hội thảo, chương trình về sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Đảm bảo mọi HS đều được lắng nghe khi chia sẻ tiếng nói của mình.
  • Hòm thư Vinschool – HS có thể gửi email cho trường khi cần sự trợ giúp.

Trâm (Nữ):

  • Em được lựa chọn môn học trong hai năm học cuối cấp.
  • Sinh ra trong một gia đình truyền thống, em vô cùng biết ơn khi được Nhà trường tạo điều kiện hết mức để em được tiếp cận với bất kỳ lĩnh vực nào mà mình muốn theo đuổi.
  • Giáo viên nhiệt tình hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi. Em cảm nhận được rằng các thầy/cô thực sự quan tâm đến em, muốn em hài lòng về Nhà trường.

Rice (Nam):

  • Chương trình giáo dục thể chất có chất lượng.
  • Nhà trường thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh bằng cách cung cấp cho HS những bữa ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng
  • Phòng Tư vấn tâm lý học đường là nơi HS có thể tìm đến để chia sẻ vấn đề cá nhân và nhận được sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn
  • Sức khỏe tinh thần của HS được quan tâm thường xuyên.
  • Trong mọi hoạt động hoặc dự án của lớp, giáo viên luôn khuyến khích HS làm việc theo nhóm nhỏ hoặc nhóm lớn để tăng cường tính gắn kết.
  • Các hoạt động ngoại khóa cũng khuyến khích HS làm việc cùng nhau và duy trì tình bạn tốt đẹp. Đó có thể là các cuộc thi của lớp, các sự kiện thể thao hay tham quan, dã ngoại.

Minh Ngọc (Nữ):

  • Vinschool xây dựng môi trường học tập cá nhân hóa cho HS. Điều này tạo nên sự khác biệt rất lớn.
  • HS được học cách tập trung vào bản thân.
  • HS được học cách phát triển và hoàn thiện bản thân mà không gặp phải áp lực hay sự ghen tị từ bạn bè.

Khánh Minh (Nam):

  • Nhà trường bố trí những khu vực và cá nhân đáng tin cậy để hỗ trợ các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Thường xuyên thực hiện khảo sát về sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Tương tác với HS và lắng nghe tiếng nói của HS.

Hà (Nữ): 

  • Một trong những điều quan trọng nhất mà Nhà trường đã thực hiện để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của HS là tạo ra môi trường khuyến khích mọi cá nhân chia sẻ ý kiến của mình. Bên cạnh đó, khi ai đó đang nói, những người còn lại sẽ giữ im lặng và thể hiện thái độ tôn trọng theo đúng quy tắc ‘một người nói’. Như vậy, HS sẽ cảm thấy ý kiến của mình có giá trị, đáng được quan tâm và tôn trọng bất kể xuất thân của HS đó ra sao. Điều này giúp tăng cường sự tự tin của Vinsers tại trường học, đặc biệt là khi trình bày trước đám đông.
  • Ngoài ra, Vinschool có cơ sở vật chất hiện đại, đem lại cho HS cảm giác thoải mái và yên tâm trong các hoạt động thường ngày. Do đó, HS có thể phát huy hết tiềm năng của mình mà không phải lo lắng về các sự cố có thể xảy ra, chẳng hạn như mất điện.

“Một trong những điều quan trọng nhất mà Nhà trường đã thực hiện để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của HS là tạo ra môi trường khuyến khích mọi cá nhân chia sẻ ý kiến của mình. Bên cạnh đó, khi ai đó đang nói, những người còn lại sẽ giữ im lặng và thể hiện thái độ tôn trọng theo đúng quy tắc ‘một người nói’.”

Shin (Nữ): 

  • Đảm bảo an toàn: Nhà trường rất thận trọng về việc ai được phép ra vào trường.
  • Nhà trường có quy trình rõ ràng bằng văn bản và triển khai các buổi diễn tập ứng phó với tình huống khẩn cấp.
  • Môi trường học tập hỗ trợ.
  • HS được lựa chọn môn học; Nhà trường không chỉ tập trung vào các môn Khoa học mà còn rất chú trọng tới phát triển nghệ thuật và kỹ năng mềm cho HS. 

Làm sao để sức khỏe thể chất và tinh thần của em được cải thiện hơn nữa?

Góc suy ngẫm:

Nhóm HS đã chỉ ra rằng Vinschool đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của CIS ở nhiều khía cạnh, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị như sau:

  • Thúc đẩy việc tiếp cận các tài liệu về sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Khuyến khích HS còn e ngại chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ.
  • Tiếp tục đào tạo giáo viên về sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như cách phát hiện các vấn đề có liên quan.
  • Tăng cường tổ chức các sự kiện như Ngày sức khỏe tinh thần và Tuần lễ Well-being, từ đó tạo thêm cơ hội để HS tham gia vào các hoạt động thể chất, giao lưu và thực hành chánh niệm.
  • Cải thiện môi trường thể chất bằng cách trang bị thêm cơ sở vật chất (để tạo sự thoải mái) và sử dụng bảng màu sơn dịu mắt.
  • Xây dựng thêm không gian giải trí và giải tỏa căng thẳng, triển khai các hình thức đánh giá giúp HS giảm lo âu về điểm số (bạn bè đánh giá lẫn nhau, v.v…).

“Nhà trường nên tiếp tục đào tạo giáo viên về sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như cách phát hiện các vấn đề có liên quan.”

Năm điều rút ra từ cuộc trò chuyện với nhóm HS Vinschool

  1. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, Hệ thống Giáo dục Vinschool rất nỗ lực trong việc đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho HS.
  2. Sức khỏe thể chất và tinh thần giống như viên ngọc quý có nhiều góc cạnh. HS có thể nhìn nhận khái niệm này theo nhiều hướng khác nhau.
  3. Trên cơ sở thu thập quan điểm của nhiều người về định nghĩa cùng cách thức đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần, chúng tôi có thể xây dựng một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần của cộng đồng.
  4. Cuộc trò chuyện với nhóm HS Vinschool khiến tôi càng trân trọng nghề giáo.
  5. Giúp HS phát triển và khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần là tham vọng mà mọi nhà giáo dục đều hướng tới. HS chính là đối tượng tham chiếu tuyệt vời giúp chúng ta đạt được mục tiêu này: cần tìm cách lắng nghe tiếng nói của HS và tạo điều kiện để các em được tham gia vào quá trình ra quyết định của Nhà trường.

Quan sát và đúc kết

Phản hồi của nhóm HS Vinschool tương tự như kết quả của các cuộc trao đổi khác với HS mà tôi đã thực hiện trong hơn 30 chuyến thăm trường tại châu Âu và Trung Đông nhằm mục đích đánh giá và hỗ trợ các trường trong những năm vừa qua.

HS đến từ các nền văn hóa khác nhau đều đề cập đến những khía cạnh như an toàn, sự quan tâm, thoải mái, quyền tự chủ, tự bộc lộ bản thân và tính gắn kết khi được hỏi cùng một bộ câu hỏi.

Điều này cho thấy câu trả lời của HS có thể được đối chiếu với mô hình Tháp nhu cầu Maslow mở rộng đã được đề cập trong Phần 1.

Trong môi trường lớp học, Tháp Maslow cần được ứng dụng trước Thang Bloom. Tuy nhiên, còn nhiều mô hình khác mà giáo viên có thể cùng HS khám phá nhằm giúp HS tự nhận thức rõ hơn về nhu cầu của chính mình và lý giải được tại sao bản thân lại gặp phải các vấn đề về tâm lý.

Hình 1: Mô hình Tháp Maslow mở rộng gồm 8 bậc

Nguồn: https://www.simplypsychology.org/maslow.html

Việc chia sẻ và thảo luận về các mô hình này tạo động lực để HS thu nhận những kiến thức giá trị về nội quan. Tuy vậy, bản thân các mô hình không có tác dụng hỗ trợ HS mà chính chương trình học, giáo trình và sự hỗ trợ, dìu dắt của giáo viên mới trang bị cho các em những nguồn lực, kỹ năng và tư duy cần thiết để sống vui khỏe, yêu đời.

Hạn chế và lưu ý

Đây chỉ là một nghiên cứu quy mô nhỏ, do cá nhân thực hiện với phương pháp tiếp cận thiếu tính khoa học nên có độ tin cậy chưa cao và đi kèm với những hạn chế nhất định.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta không nên dựa vào số lượng HS ít ỏi mà đánh giá thấp tiếng nói và quan điểm của các em.

Đa số các trường đều có khả năng triển khai nghiên cứu sâu rộng hơn (có thể bao gồm đối tượng HS Tiểu học) và đây là điều rất được khuyến khích.

Việc sử dụng dữ liệu HS để đánh giá, hỗ trợ cũng như cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của các em có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức kết hợp, như nhà tư vấn giáo dục Mathew Savage đã trình bày trong bài viết của mình. Tiếng nói của HS chỉ là một trong các hình thức đó.

Tôi xin kết thúc bài viết này bằng một câu như sau:

Không giống như một số ngành nghề, lĩnh vực khác, nghề giáo cho phép chúng ta hàng ngày được tiếp xúc trực tiếp với đối tượng mà mình phục vụ. Chính họ là người giúp chúng ta trả lời được câu hỏi làm sao để đánh giá và cải thiện những gì mình đang làm. Liệu HS đã được tạo mọi điều kiện để bày tỏ ý kiến, quan điểm về sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân hay chưa?

————————————

An toàn HS và hòa nhập học đường: Tất cả HS tham gia phỏng vấn đều được lựa chọn cách mình muốn thể hiện bản thân và có quyền thu hồi bất kỳ nội dung nào mà các em không muốn chia sẻ. Buổi phỏng vấn đã có sự đồng ý của phụ huynh và mọi thông tin cá nhân (tuổi, họ, tên trường, ảnh) đều được giữ kín. Cố vấn học đường của Vinschool cũng được mời tham gia buổi phỏng vấn này.

Lời cảm ơn: Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Hệ thống Giáo dục Vinschool vì đã rất cởi mở và hỗ trợ, giúp tôi nhìn nhận các thực hành xuất sắc của Nhà trường trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của HS. Xin cảm ơn Stuart McLay, John Zermani, Mi My Nguyễn, Minh Yến, Thanh Thủy, Jane Larsson, Simon Camby, Katie Rigg, Leila Holmyard, Chris Green, Monica Greeley, Mathew Savage và Kate Taverner đã hỗ trợ tôi thực hiện bài viết này.

————————————

Bản gốc tiếng Anh: Xem tại đây

Tác giả: Thạc sĩ Leo Thompson, Cán bộ Đánh giá và Hỗ trợ Trường học, Hội đồng các trường quốc tế (CIS)