fbpx

Cùng phụ huynh nhận diện và hỗ trợ khó khăn tâm lý cho con trong “trạng thái bình thường mới”

Thứ Ba, 12/10/2021, 17:10 (GMT+7)

Đại dịch COVID-19 và hệ lụy của giãn cách xã hội kéo dài làm thay đổi gần như toàn bộ cuộc sống của học sinh. Mọi hoạt động, sinh hoạt gói gọn trong không gian giới hạn của ngôi nhà, quanh quẩn với máy tính để học online, phải tiết chế hầu hết các hoạt động thể thao vận động, vui chơi,... khiến các con cảm thấy chán nản, ngột ngạt bức bối, khó chịu.

Sự dồn nén kéo dài có thể gây nên các căng thẳng tiêu cực, dẫn đến sự mất kiểm soát về suy nghĩ. Bên cạnh đó, một phần có thể các con chưa hiểu hết về vấn đề mà cả xã hội đang đối diện nên sẽ hình thành cảm giác thiếu công bằng khi việc học diễn ra với tần suất dày hơn việc chơi. Ngoài ra, việc hạn chế gặp gỡ, giao tiếp, kết nối với người thân, bạn bè, thầy cô,… do giãn cách, cách ly, hoặc người thân tham gia chống dịch cũng là một trở ngại tinh thần vì thiếu đi sự gần gũi, sẻ chia, gắn bó so với trước đây. Điều này cũng làm các con nảy sinh suy nghĩ mình bị giảm đi sự quan tâm, hình thành cảm giác tủi thân và dần có khuynh hướng thu mình, xa cách với thế giới xung quanh.

Về lâu dài, những suy nghĩ tiêu cực, những dồn nén cảm xúc bức bối trong không gian hạn hẹp và thiếu thốn nguồn tương tác xã hội có thể trở thành nguy cơ của các vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Khi trẻ gặp phải những vấn đề tâm lý này, không chỉ hiệu quả học tập giảm sút và chất lượng sống cũng bị tổn hại.

* Căng thẳng, lo âu (*)

  • Lo lắng, sợ hãi, hoảng hốt, không thoải mái, không an toàn, luôn có điều gì đó nguy hiểm;
  • Cảm giác bồn chồn không thể bình tĩnh hay ngồi yên một chỗ, lạnh, vã mồ hôi, tê cóng, tê bì chân tay, thở nông, thở nhanh hơn so với bình thường (tăng thông khí), nhịp tim nhanh, khô miệng, buồn nôn, căng cứng cơ, run chân tay, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, nghĩ mãi về một vấn đề mà không thể dừng lại được, không thể tập trung chú ý;
  • Mệt mỏi mãn tính, cơ thể không có năng lượng, không có động lực làm việc;
  • Thay đổi cảm xúc bất chợt, dễ cáu gắt, nóng giận, nhỏ nhen hơn trước đây;
  • Thay đổi trong suy nghĩ, nghiền ngẫm hoặc xuất hiện những niềm tin kỳ lạ;
  • Suy giảm chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ, khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc, ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh giấc và không thể ngủ tiếp được. Ngủ muộn, dậy sớm, mỗi đêm ngủ được rất ít, thậm chí có bệnh nhân thức trắng đêm, đồng thời có thể gặp ác mộng hoặc mơ liên tục trong đêm, tỉnh giấc thấy mệt mỏi, không thoải mái.

* Trầm cảm (*)

Trầm trọng hơn, các con có thể có những biểu hiện trầm cảm bao gồm: mệt mỏi, chán ăn hoặc thèm ăn quá mức, sụt cân hoặc tăng cân (≥ 5% khối lượng cơ thể), mất ngủ hoặc ngủ nhiều, giảm vận động, ý nghĩ bi quan, tự ti, mặc cảm, có khuynh hướng làm đau bản thân và hành động tiêu cực. Có thể xuất hiện các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác phù hợp hoặc không phù hợp với khí sắc. Các triệu chứng trầm cảm phải kéo dài ít nhất 2 tuần để được chẩn đoán là bệnh lý trầm cảm.

Các dấu hiệu kể trên có thể tìm đến bất kỳ ai trong chúng ta trong thời gian này. Tuy nhiên sự khác biệt nằm ở mức độ mà nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và chất lượng học tập. Việc chấp nhận các cảm xúc không mong muốn như một phần của các trải nghiệm trong cuộc sống, duy trì một nếp sống ổn định tích cực, chính là phương thức khả thi nhất khi đứng trước các nguy cơ kể trên.

Một số gợi ý mang tính tác động thực tế hơn giúp phụ huynh phần nào đồng hành cùng các con kiểm soát và khống chế các khó khăn tâm lý kể trên như sau:

  • Không nên hoảng hốt, mất bình tĩnh một cách quá mức, điều này sẽ không giải quyết được tình trạng hiện tại mà chỉ làm rối thêm. Vì vậy, chúng ta cần phải có tâm lý bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra.
  • Đọc những thông tin chính thống để giúp cho tâm lý vững vàng, không hoang mang bởi những tin đồn thất thiệt.
  • Đi bộ, vận động thể dục nhẹ nhàng trong không gian nhà, vườn, đọc sách báo, nghe nhạc, xem một bộ phim hay… sẽ giúp tâm trạng thư thái thoải mái hơn.
  • Ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng.
  • Giữ liên lạc với bạn bè, người thân, tâm sự với mọi người những gì mình lo lắng, mình mong đợi.
  • Liên lạc với bác sĩ cá nhân nếu đang trong quá trình điều trị/ can thiệp tâm lý, hoặc khám tư vấn bác sĩ từ xa, liên hệ với các trung tâm tư vấn tâm lý để được hỗ trợ khi cần.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn đứng trước rất nhiều nguy cơ và biến cố. Quy trình để vượt qua những “cơn bão” nên bắt đầu từ việc lắng nghe những cảm nhận của mình, nhận biết sự tiêu cực đang xảy đến, chấp nhận những điều không mong muốn, thích nghi với các thay đổi và cuối cùng là bình tĩnh đối diện, chuyển hóa chúng. Sức khỏe tinh thần quan trọng nhất là quá trình chúng ta chăm sóc và điều chỉnh, loại bỏ những chiều hướng tiêu cực trong cuộc sống hằng ngày.

(*) BS.CKII Trần Trung Nghĩa – Bộ môn Tâm lý tâm thần ĐHYD (2021, ngày 27 tháng 9). Đại dịch Covid và các vấn đề tâm lý tâm thần. Truy xuất từ https://bvtt-tphcm.org.vn/dai-dich-covid-va-cac-van-de-tam-ly-tam/