fbpx

1. MÔ TẢ:

Mĩ thuật là một môn học nghệ thuật thuộc lĩnh vực Phát triển cá nhân của chương trình giáo dục Vinschool, đồng thời là một loại hình Nghệ thuật thị giác. Mĩ thuật là môn học có một phương thức biểu đạt đặc thù, giúp con người nhận thức và phản ánh thế giới khách quan theo lăng kính thẩm mĩ, đồng thời nó cũng đóng một vai trò quan trọng để tái tạo thế giới đó. Môn Mĩ thuật chứa đựng khối lượng kiến ​​thức và kỹ năng đặc trưng nhằm mở rộng năng lực quan sát, trí tưởng tượng, kĩ năng tạo hình và sự thấu hiểu những giá trị văn hóa và tinh thần. Do đó, môn Mĩ thuật bồi đắp, xây dựng ý thức trân trọng và kiến tạo những giá trị cho bản thân và cộng đồng.

Chương trình giảng dạy Mĩ thuật trang bị cho người học kiến thức, hiểu biết về Mĩ thuật và các kĩ năng, năng lực của Mĩ thuật.

  • Kiến thức, hiểu biết về Mĩ thuật được chia làm các mảng nội dung: Ngôn ngữ tạo hình, Lịch sử Mĩ thuật, Mĩ thuật tạo hình và Mĩ thuật ứng dụng. Trong đó, kiến thức đề cập đến các khái niệm thẩm mỹ, một số loại hình nghệ thuật, các chất liệu, trường phái, các danh họa, các tác phẩm và di sản, các nền văn hóa, từ nguyên thủy tới đương đại, từ Việt Nam tới thế giới. Kiến thức cũng bao gồm các khái niệm về yếu tố tạo hình (bố cục, màu sắc, ánh sáng, hình mảng, đường nét, hình khối…) và nguyên lý tạo hình (cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà…) cũng như những ứng dụng của Mĩ thuật trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
  • Kĩ năng và năng lực Mĩ thuật bao gồm khả năng quan sát, cảm thụ và phản hồi về các đặc điểm thẩm mĩ, tạo hình. Từ đó vận dụng vào thực hành tạo ra sản phẩm, từng bước hình thành các kĩ năng và tư duy sáng tạo. Năng lực Mĩ thuật còn là khả năng tổng hợp, kết nối, liên hệ kiến thức với cá nhân và xã hội, trình bày và truyền tải ý nghĩa của các tác phẩm, sản phẩm.

Với mục tiêu chính là phát triển các kĩ năng, cách tiếp cận môn Mĩ thuật sẽ thiên về các hoạt động quan sát, truy vấn, nghiên cứu trường hợp điển hình, trải nghiệm và thực hành cá nhân, từ đó mỗi học sinh sẽ cảm nhận, lựa chọn, tưởng tượng, ứng dụng và sáng tạo, thể hiện sản phẩm theo yêu cầu bài học một cách riêng biệt. Tổng quan, học sinh tham gia môn Mĩ thuật với hai vai trò song song: là người thưởng thức đồng thời là người sáng tạo Mĩ thuật. Ngoài ra, tính mở của các tiêu chuẩn đầu ra và cách thức đánh giá kết quả học tập của môn Mĩ thuật cũng là cơ hội để học sinh tham gia vào việc học tập dựa trên dự án và phát triển các kĩ năng thế kỷ 21 (bao gồm hợp tác, sáng tạo, tư duy phản biện và giao tiếp/ 4C: Collaboration, Creativity, Critical Thinking, and Communication).

2. MỤC ĐÍCH MÔN HỌC:

  • Học sinh sẽ được phát triển các nhận thức về thẩm mĩ

Qua quá trình học Mĩ thuật, học sinh có cơ hội được rèn luyện các kĩ năng quan sát, tổng hợp, đánh giá, phân tích, khái quát, cụ thể hóa, xác định được các đặc điểm thẩm mĩ và tạo hình, tìm ra sự liên kết, các mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của đối tượng. Trên cơ sở đó, học sinh có được “cái nhìn” đặc trưng của môn học, có thể phát hiện, cảm nhận và rung động trước cái đẹp trong nghệ thuật, cuộc sống và thiên nhiên, phát triển những nhận thức thẩm mĩ phổ quát và cá nhân.

  • Học sinh được mở rộng trí tưởng tượng và kĩ năng sáng tạo

Học sinh sẽ có những trải nghiệm phong phú trong quá trình tìm hiểu và thực hành, từ đó phát triển các kĩ năng tạo hình, phát triển các khuynh hướng chấp nhận những yếu tố trừu tượng, nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ và mở rộng trí tưởng tượng, tư duy hình ảnh. Đó là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới, phát triển tư duy sáng tạo, mở rộng và vượt ra khỏi những gì học sinh đang biết và có thể làm. Khi hình thành được các kĩ năng sáng tạo và thực hành ở mức độ nhất định, học sinh sẽ có được một công cụ hiệu quả để sáng tạo, thể hiện ý tưởng và cảm xúc trong quá trình học tập, làm việc và thể hiện bản thân.

  • Học sinh được nuôi dưỡng ý thức về bản sắc, văn hóa và vị trí trong xã hội

Mĩ thuật là một dạng ngôn ngữ đặc thù mà qua đó các ý nghĩa cá nhân được tạo ra và các bản sắc văn hóa được thể hiện và hình thành, do đó học sinh sử dụng Mĩ thuật như một cách thức quan trọng để nhận biết và khám phá về bản thân, người khác và thế giới xung quanh. Qua môn Mĩ thuật, học sinh được phát triển bản thân và nhận thức xã hội, từ đó đánh giá cao các hình thức biểu đạt, các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc cũng như hiểu và đánh giá cao các cộng đồng, nền văn hóa khác. Điều này cũng giúp học sinh phát triển sự tôn trọng với bản thân và những người khác, coi trọng sự hài hòa và trau dồi nhận thức toàn cầu và các kĩ năng đa văn hóa.

  • Học sinh được phát triển các kĩ năng giao tiếp, phê bình và xử lý thông tin thị giác

Mĩ thuật phát triển sự tự tin và kỹ năng thể hiện bản thân của học sinh thông qua việc cung cấp sự hiểu biết, cách trình bày về các yếu tố thị giác, thẩm mỹ và lịch sử nghệ thuật; và kỹ năng sử dụng các công cụ và phương tiện trực quan. Học sinh sẽ có cơ hội để tham gia một cách có ý nghĩa vào quá trình giao tiếp, thảo luận, hợp tác, nghiên cứu chủ đề, phản biện, các hoạt động trưng bày và báo cáo sản phẩm.