1. MÔ TẢ:
- Môn khoa học tích hợp (KHTH) là môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (KHTN) giúp học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 10 nghiên cứu về tất cả hiện tượng, quá trình, quy luật của thế giới tự nhiên.
- Môn KHTH được xây dựng có sự chuyển dịch rõ rệt giữa kiến thức và kỹ năng nghiên cứu khoa học.
Ở lớp 1-8, mạch kỹ năng làm chủ đạo, phối hợp, đan xen hoạt động khám phá và thí nghiệm đơn giản, các kiến thức khoa học ở mức rất cơ bản, là nguyên liệu nền tảng phát triển kỹ năng nghiên cứu ban đầu cho HS, hình thành trong học sinh niềm yêu thích khoa học, sự tự tin, cảm giác gần gũi trước giới tự nhiên.
Ở lớp 9-10, có sự cân đối giữa mạch kỹ năng và mạch kiến thức. Mạch kỹ năng chú trọng vào việc thực hành thí nghiệm, minh họa cho các kiến thức đã được mở rộng và chuyên sâu hơn. Điều này giúp học sinh bắt đầu làm quen với việc tự khám phá, sử dụng các công cụ tác động vào giới tự nhiên để tìm ra quy luật của chúng. Từ đó, giúp học sinh có khả năng sáng tạo khoa học mức cơ bản, định hướng học sinh lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu hay không ở lớp 11-12.
- Môn KHTH có cách tiếp cận đặc thù là phương pháp dạy học tích cực, xây dựng kiến thức trên nền tảng tương tự cách mà các ý tưởng được hình thành trong lớp học thực tế của HS, kích thích HS tự thân có nhu cầu suy nghĩ, sở hữu được kết quả học tập của chính mình, từ đó HS được thúc đẩy việc học hiệu quả hơn.
- Môn KHTH giúp HS nhận thức, mô tả, giải thích và tiên đoán về các hiện tượng và quy luật tự nhiên (TN), dựa trên những bằng chứng tin cậy.
- Trọng tâm của môn KHTH bao gồm 04 nội dung lớn: nghiên cứu khoa học (NCKH), Vật lí, Hóa học và Sinh học. 04 nội dung này được tích hợp ở nhiều mức độ khác nhau, phù hợp từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý, kỹ năng, nhận thức thế giới của HS, nhằm hỗ trợ HS tiếp cận KHTN đa chiều, từ đó hình thành hiểu biết toàn vẹn về 01 giới tự nhiên duy nhất độc lập với sự phân chia chủ quan của con người.
- Môn KHTH giống như một cuộc hành trình dẫn dắt HS đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của thế giới tự nhiên, từ sự đa dạng của các loài trong sinh quyển tới cấu trúc các phân tử DNA, từ các dạng của vật chất và cách chúng phản ứng với nhau tới cấu hình điện tử của từng nguyên tố, từ vũ trụ bao la với hằng hà sa số các thiên hà tuyệt đẹp tới những hạt cơ bản mang theo những tính chất kì diệu cấu tạo nên mọi vật chất trong vũ trụ. Cuộc hành trình này đem lại cho các “nhà thám hiểm” những khác biệt sau:
- Tất cả HS: có thể trở thành công dân tự tin đón nhận mọi thay đổi nhanh như vũ bão của thế giới khoa học công nghệ và am hiểu những vấn đề khoa học phổ biến trong cuộc sống; có công cụ nghiên cứu khoa học cơ bản để có thể tiếp cận, sử dụng các thành tựu khoa học.
- HS có năng khiếu: trở thành những học viên được trang bị đầy đủ kiến thức – kỹ năng phù hợp để có thể tiếp tục học tập nâng cao khi các em chọn tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu khoa học chuyên sâu. HS có khả năng phát kiến ra những quy luật mới của giới tự nhiên, hay phát minh ra những thành tựu mới của khoa học – kĩ thuật – công nghệ.
Môn KHTH cho phép HS có cơ hội nhận thức và hiểu biết sâu sắc về cách mà thế giới tự nhiên hoạt động; tôn trọng tự nhiên; hiểu được nguyên nhân và kết quả của mỗi quá trình trong tự nhiên, từ đó có thể tiên đoán được tự nhiên; hình thành tính trách nhiệm trong lối tư duy và lối sống để bảo vệ môi trường sống tự nhiên của tất cả các loài. HS dần trở thành công dân toàn cầu, có năng lực kiến tạo, biết cách ra quyết định đúng đắn và chịu trách nhiệm cho các quyết định của bản thân mình.
2. MỤC ĐÍCH MÔN HỌC:
- HS có đam mê khám phá thế giới tự nhiên khi được tham gia những trải nghiệm đầy hứng thú để khám phá của môn khoa học.
- HS đạt được những hiểu biết căn bản để trở thành công dân tự tin đón nhận mọi thay đổi nhanh như vũ bão của thế giới khoa học công nghệ và am hiểu những vấn đề khoa học phổ biến trong cuộc sống
- HS có năng khiếu trở thành những học viên được trang bị đầy đủ kiến thức – kỹ năng phù hợp để có thể tiếp tục học tập nâng cao khi các em chọn tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu khoa học chuyên sâu.
- HS nhận ra rằng KH xây dựng trên những bằng chứng cụ thể, HS xác định được những hạn chế, bất cập hay nhược điểm của các phương pháp khoa học, từ đó biết cách áp dụng thích hợp các phương pháp này vào những trường hợp cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, hay thôi thúc HS cải tiến, tạo mới nên các quy tắc, phương pháp mới bao quát, hữu dụng hơn.
- HS phát triển được thái độ cần thiết trong nghiên cứu khoa học.
Biết lưu ý tới sự độ chính xác, và sai số,
Biết lưu tâm tính khách quan, công bằng trong mọi phép đo,
Biết kiểm soát tính nhất quán,
Biết truy vấn lại các kết quả,
Biết phân định đâu là sáng kiến và đâu không phải là những phát hiện mới.
- HS phân tích được những tác động thúc đẩy và kìm hãm các công trình nghiên cứu khoa học do các mặt chính trị xã hội, kinh tế, kỹ thuật công nghệ, đạo đức luân lý thời đại, môi trường tạo nên. Đồng thời, HS phân tích được những ảnh hưởng ngược lại của thành tựu khoa học lên các mặt này.
- HS biết quan tâm, chăm sóc và bảo vệ môi trường
- HS được trang bị những kĩ năng nghiên cứu khoa học cơ bản, không chỉ phục vụ việc học tập nghiên cứu xa hơn, mà còn phục vụ trực tiếp trong cuộc sống hằng ngày, bao gồm cả các kỹ năng của thế kỉ 21.