1. MÔ TẢ:
- Môn Hóa học là môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, giúp học sinh (HS) khám phá tự nhiên qua thực nghiệm về: cấu tạo các chất từ cấp độ nguyên tử, phân tử, đơn chất hay hợp chất, quá trình biến đổi bên trong của vật chất, biến đổi hóa học để giải thích được bản chất, các quy luật biến đổi hoá học khi các chất tiếp xúc và tác dụng với nhau.
- Môn Hoá học kết hợp chặt chẽ giữa lí thuyết và thực nghiệm, là cầu nối các ngành khoa học tự nhiên khác như vật lí, sinh học, y dược và địa chất học. Những tiến bộ trong lĩnh vực hoá học gắn liền với những phát hiện mới trong các lĩnh vực của các ngành y sinh và vật lí. Hoá học đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Những thành tựu của hoá học được ứng dụng vào các ngành vật liệu, năng lượng, y dược, công nghệ sinh học, nông – lâm – ngư nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.
- Môn Hóa học giúp HS lớp 11-12 tiếp nối và kế thừa được các kiến thức, kỹ năng cơ bản từ cấu phần Hóa học của môn Khoa học tích hợp ở lớp 1 đến lớp 10. Môn học mang tính học thuật cao hơn, chú trọng vào bản chất của quá trình biến đổi hóa học, giúp HS hướng đến tính ứng dụng nhiều hơn, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn. Đồng thời bổ sung các kĩ năng để sống, để sinh tồn để bảo vệ thiên nhiên, hòa nhập với thế giới và trở thành công dân toàn cầu.
- Các chủ đề trong chương trình được thiết kế, sắp xếp từ kiến thức hóa học cơ bản ở mức độ định tính, mô tả trực quan đến việc chú trọng trang bị cho HS các kiến thức cơ sở hoá học chung về cấu tạo, tính chất và ứng dụng của các đơn chất và hợp chất để HS giải thích được bản chất của quá trình biến đổi hoá học.
- Môn hóa học tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh rèn luyện phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp truy vấn thông qua các thí nghiệm khám phá để hình thành kiến thức mới theo chuẩn đầu ra của môn học.
- Môn hóa học giúp học sinh hình thành và phát triển thế giới quan khoa học; rèn luyện được các đức tính của một nhà nghiên cứu khoa học: tự tin, trung thực, khách quan; hiểu và tôn trọng các quy luật của tự nhiên, trân trọng, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên, ứng xử phù hợp với thiên nhiên với yêu cầu phát triển bền vững của một công dân toàn cầu; đồng thời hình thành và phát triển được các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
2. MỤC ĐÍCH MÔN HỌC:
- Học sinh hoàn thiện đầy đủ hệ thống kiến thức, kĩ năng và thái độ phổ thông về cấu phần Hóa học để sẵn sàng tiếp thu những hiểu biết chuyên sâu ở bậc học cao hơn.
- Học sinh áp dụng và cải tiến được chất lượng cuộc sống hàng ngày, trở thành công dân tự tin đón nhận mọi thay đổi nhanh như vũ bão của thế giới khoa học công nghệ Hóa học nhờ am hiểu những vấn đề Hóa học phổ biến trong cuộc sống.
- Học sinh thể hiện rõ ràng thái độ cần thiết trong nghiên cứu khoa học như một phản xạ
Bao gồm:
+ Lưu ý tới sự an toàn trong thực nghiệm;
+ Lưu ý tới độ chính xác và sai số, luôn cố gắng giảm thiểu sai số;
+ Biết lưu tâm tính khách quan, công bằng trong mọi phép đo;
+ Tôn trọng các kết quả thực nghiệm;
+ Biết lưu tâm và kiểm soát tính nhất quán khi giải quyết các vấn đề Hóa học;
+ Biết truy vấn lại các kết quả thu được;
+ Biết phân định đâu là sáng kiến và đâu không phải là những phát hiện mới.
- Học sinh áp dụng dụng phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên biệt về Hóa học để khám phá ra các quy luật mới, cải tiến những hạn chế của các thuyết và mô hình Hóa học; phát triển các kỹ năng phân tích, đánh giá số liệu và rút ra kết luận; kỹ năng giao tiếp khoa học hiệu quả, sử dụng những thuật ngữ và quy ước Hóa học chính xác.
- Học sinh có khả năng sáng tạo ra những sản phẩm Hóa học hay cùng thực hiện được dự án Hóa học vì cộng đồng.
Ví dụ: Dự án thay thế ni-long để bảo vệ môi trường, dự án xử lý ô nhiễm các dòng sông, chế tạo các dược phẩm an toàn từ thiên nhiên …