fbpx

1. MÔ TẢ:

Định nghĩa & giá trị của môn học

Môn Công dân Toàn cầu (Global Citizenship Education – GCED) tìm hiểu về những vấn đề toàn cầu, đang ảnh hưởng tới tất cả mọi người trên thế giới. Trên tinh thần đó, nội dung kiến thức của GCED được xây dựng dựa trên 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, hay những mục tiêu quan trọng mà các quốc gia trên thế giới cần hướng tới để bảo đảm một tương lai tốt đẹp, bền vững hơn. Việc học về những chủ đề này sẽ đóng vai trò nền tảng cho HS trong những bước tiếp theo của môn GCED, đồng thời giúp các em nhận thức được vai trò của bản thân trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Một trong những điểm nổi bật của GCED là HS có cơ hội kết nối việc học với việc làm, tạo ra giá trị có ý nghĩa cho xã hội. Vẫn xoay quanh những vấn đề toàn cầu mình đã học & nghiên cứu, HS sẽ cùng nhau phục vụ những cộng đồng đang chịu ảnh hưởng từ những vấn đề đó. Việc đáp ứng nhu cầu thiết thực của cộng đồng là một cơ hội tốt để HS trực tiếp kiến tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người & xã hội, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Từ những nội dung học tập trên, GCED đặt ra sứ mệnh trang bị cho người học cả kiến thức, kĩ năng và thái độ để trở thành các Công dân Toàn cầu trong thời đại mới. Là các Công dân Toàn cầu, HS sẽ có đủ hiểu biết về thế giới và vai trò của bản thân với những vấn đề sống còn, ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Đồng thời, HS cũng có khả năng chủ động hành động, cũng như hợp tác với những người khác cùng chí hướng, cùng lý tưởng với mình. Những Công dân Toàn cầu này sẽ là những người tiên phong trẻ tuổi của Việt Nam, hoàn toàn đủ khả năng chung sức với tất cả mọi người để giúp thế giới trở nên công bằng, bền vững và tốt đẹp hơn.

GCED còn mang lại lợi ích cho chính người học bằng cách đào tạo các em trở thành những người học trọn đời, có khả năng tự chủ với quá trình học tập & rèn luyện của bản thân. HS sẽ dần có được lý tưởng & mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống, từ đó có thể thích nghi và phát triển trong một thế giới còn nhiều bất ổn & biến động. Đây là những yêu cầu tất yếu để sánh vai với mọi người trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa của thế kỷ 21, và GCED sẽ giúp thế hệ trẻ – các Công dân Toàn cầu đạt được những yêu cầu này.

Phương pháp tiếp cận dạy – học

GCED mong muốn mang lại trải nghiệm học tập tích cực, chủ động, giúp hình thành và phát triển tư duy kiến tạo. Để đạt được mục tiêu này, GCED sử dụng những phương pháp tiếp cận giáo dục cho HS sự chủ động trong lớp học, không chỉ “nghe-ghi chép-nhớ” như một lớp học bình thường. Sau đây là 4 phương pháp tiếp cận chính trong GCED, với các hình thức tổ chức trong lớp tương ứng:

  • Học qua Hiện tượng: Tập trung vào việc phân tích một hiện tượng, một vấn đề toàn cầu dưới nhiều góc nhìn khác nhau. HS sẽ tìm hiểu về nguyên nhân-hệ quả của những vấn đề này, tạo nền tảng kiến thức để hướng tới việc tìm ra giải pháp phù hợp.
  • Học qua Truy vấn: Cho phép HS thể hiện sự tò mò của mỗi cá nhân, thông qua một bài nghiên cứu thứ cấp. Tùy theo khả năng/lứa tuổi của mình mà HS có thể tự chủ hoàn toàn, hoặc được hướng dẫn để tới được bước cuối cùng: trình bày câu trả lời của mình.
  • Học qua Phục vụ: Cho HS cơ hội liên kết việc học với trải nghiệm thực tế thông qua các Dự án Hành động. Dự án này sẽ bắt đầu từ trong lớp (Điều tra nhu cầu, lập kế hoạch), ra tới bên ngoài lớp (triển khai), và quay lại phạm vi lớp học của HS (suy ngẫm & báo cáo).
  • Học qua Suy ngẫm: Yêu cầu HS suy ngẫm về những gì mình đã học & làm để rút ra bài học, từ đó định hướng cho công việc tiếp theo. Việc suy ngẫm xảy ra ở những hình thức mang tính định kỳ như ghi chép Nhật ký học tập, hay qua những cột mốc quan trọng của GCED yêu cầu HS phải thuyết trình, hoặc viết lại hành trình học của mình.

Phân phối nội dung học tập

Có thể chia việc học GCED thành 3 giai đoạn chính là “Học – Làm – Học”. Cách phân phối này thể hiện niềm tin của người thiết kế Chương trình về một quá trình học tối ưu, cho phép HS hiểu & nhận thức vai trò của mình về các vấn đề toàn cầu, và có khả năng kiến tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người trong tương lai.

Học kỳ 1: Học

  • HS sẽ “Học” lần đầu để xây dựng nền tảng kiến thức, thông qua việc tìm hiểu về các Chủ đề trọng tâm. GCED được triển khai ở cả 12 khối lớp tại Vinschool, do đó sẽ có 12 Chủ đề trọng tâm khác nhau (được chuyển thể từ 17 SDGs). Có 4 nhóm chủ đề, tương ứng với 4 loại vấn đề nghiêm trọng nhất mà thế giới đang đối mặt: (1) Con người, (2) Hành tinh, (3) Công bằng xã hội, (4) Lao động & Tiêu thụ.
  • Những Chủ đề trọng tâm này sẽ được nhìn nhận & phân tích qua 5 Lăng kính, hay 5 Tư duy khác nhau của 1 Công dân Toàn cầu. 5 Lăng kính bao gồm: (1) Tư duy Toàn cầu, (2) Tư duy Hệ thống, (3) Tư duy Phản biện, (4) Đổi mới & Sáng tạo và (5) Hợp tác. Những Lăng kính này sẽ là hành trang để một Công dân Toàn cầu xây dựng hiểu biết đa chiều về các vấn đề toàn cầu.
  • Sau khi tìm hiểu về các Chủ đề trọng tâm, HS sẽ đào sâu hơn vào những khía cạnh mà mình tò mò qua 1 bài nghiên cứu thứ cấp, tiếp tục chữ “Học” đầu tiên trong môn GCED. HS được khuyến khích để tự đặt câu hỏi, sau đó tự đi tìm câu trả lời thông qua việc tổng hợp kiến thức đã học & nghiên cứu thông tin bên ngoài.
  • HS sẽ chuyển tiếp từ nghiên cứu cá nhân qua dự án nhóm bằng việc tìm kiếm những HS khác có cùng mối quan tâm, hay muốn phục vụ cộng đồng tương tự mình. Các nhóm cần có một bản Đề án để định hướng cho quá trình hành động ở HK2.

Học kỳ 2: Làm – Học

  • Trong Học kỳ 2, HS sẽ “Làm” để giúp đỡ, phục vụ cộng đồng, dựa trên những gì mình đã học. Để việc phục vụ được hiệu quả, HS sẽ được học những kỹ năng quan trọng như:
    • Điều tra nhu cầu cộng đồng: Đảm bảo dự án sẽ phục vụ nhu cầu có thật của một cộng đồng cụ thể, từ đó đem lại giải pháp thực tế, có tính ứng dụng cao;
    • Lập kế hoạch: Đảm bảo mỗi nhóm có một kế hoạch chi tiết trước khi hành động, đã cân nhắc tất cả những yếu tố cần thiết để chuẩn bị tốt nhất cho dự án.
    • Làm việc nhóm, triển khai Dự án: Biến kiến thức đã học thành hành động thực tế. Đóng góp cho cộng đồng, tạo nên những thay đổi mang lại giá trị thật sự.
  • Cuối cùng, HS sẽ được “Học” lại, suy ngẫm lại về trải nghiệm của mình trong suốt cả năm học. HS sẽ kiểm chứng lại những giả định, những kiến thức mình đã học từ trước, từ đó rút ra bài học ý nghĩa cho bản thân. Những bài học này sẽ giúp các em trở thành người học trọn đời để tiếp tục giúp đỡ mọi người & cộng đồng trong tương lai.

2. MỤC ĐÍCH MÔN HỌC:

  • HS hiểu về những vấn đề nghiêm trọng đang xảy ra trên toàn thế giới, từ đó hình thành quan điểm riêng & ý thức về vai trò của mình với tư cách là một Công dân Toàn cầu
  • HS nhận thức được bản chất luôn thay đổi của những vấn đề toàn cầu. Từ đó, HS xây dựng khả năng phân tích, xử lý những thông tin lạ, mơ hồ trên thế giới, dựa trên cơ sở lý thuyết rõ ràng & 5 Lăng kính của một Công dân Toàn cầu (Tư duy Toàn cầu, Tư duy Hệ thống, Tư duy Phản biện, Đổi mới & Sáng tạo và Cộng tác)
  • HS xây dựng được sự tò mò, phát triển khả năng nghiên cứu để tiếp cận những vấn đề em quan tâm trên thế giới & tại nơi mình sinh sống
  • HS có thể áp dụng kiến thức đã học và phát triển những kỹ năng hành động cần thiết để tạo ra giá trị ý nghĩa cho cộng đồng, bước đầu kiến tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn cho xã hội & thế giới
  • HS biết suy ngẫm, rút kinh nghiệm và tự cải thiện. Có khả năng tự chủ với quá trình phát triển của bản thân, hướng tới việc rèn luyện khả năng kiến tạo