1. MÔ TẢ:
Mô tả môn học
Môn Việt Nam học là môn học đặc thù của Vinschool nằm trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn được giảng dạy từ cấp Tiểu học lên cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Môn học giúp học sinh thấu hiểu về con người và đất nước Việt Nam thông qua lăng kính Khoa học xã hội. Trong môn học, học sinh sẽ nhận diện đất nước Việt Nam và con người Việt Nam một cách đa dạng qua các khía cạnh như Văn hóa, Cấu trúc xã hội, Đặc điểm kinh tế, Khoa học – Giáo dục, và Nơi chốn và Môi trường. Qua quá trình truy vấn, học sinh sẽ quan sát, tìm hiểu, phân tích và đánh giá mối tương quan giữa con người và các khía cạnh khác nhau của một xã hội như phong tục tập quán của các vùng miền và của đất nước, hoạt động và đặc điểm kinh tế của các cộng đồng và của đất nước, các nơi chốn quan trọng trong các cộng đồng và đất nước, v.v. Với kiến thức thu thập được qua các khía cạnh trên, học sinh sẽ phân tích sự ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau đến suy nghĩ và hành vi của con người Việt Nam. Ngoài ra, học sinh sẽ phân tích và đánh giá các thay đổi mà đất nước Việt Nam đang trải qua trong thời kỳ hiện đại và suy đoán về tác động của các sự thay đổi đó đến con người Việt Nam trong tương lai.
Khi hoàn thành chương trình, học sinh được kỳ vọng trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng để trả lời các câu hỏi:
1) Người Việt Nam là ai trong quá khứ?
2) Người Việt Nam là ai trong hiện đại?
3) Người Việt Nam là ai trong tương lai?
4) Đất nước Việt Nam sẽ phát triển như thế nào?
Qua hành trình truy vấn và thông hiểu con người và đất nước Việt Nam, môn học kỳ vọng học sinh xem xét một cách nghiêm túc các giá trị của đất nước. Học sinh biết trân trọng, tự hào và cảm kích những giá trị tích cực nhưng đồng thời cũng có thể phân tích các đặc điểm tiêu cực của xã hội Việt Nam. Học sinh có thể đưa ra được các lập luận và suy đoán về tương lai của đất nước Việt Nam và các giá trị cần được duy trì, bảo tồn và phát huy cho con người Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Môn học kỳ vọng sẽ khơi dậy và thôi thúc lòng tự hào dân tộc trong mỗi cá nhân học sinh và đồng thời phát triển các kỹ năng sống quan trọng trong xã hội đương đại. Môn học mong muốn học sinh vận dụng các kiến thức và kỹ năng tích lũy được và suy ngẫm một cách nghiêm túc về vai trò của bản thân với sứ mệnh là một công dân toàn cầu, tích cực đóng góp cho sự phát triển của nước nhà và cho thế giới.
Mô hình chương trình học
Chương trình được thiết kế theo mô hình đồng tâm. Trong khuôn khổ chương trình Việt Nam học, trọng tâm là con người và đất nước Việt Nam và các khía cạnh Văn hóa, Cấu trúc xã hội, Đặc điểm kinh tế, Khoa học – Giáo dục, và Nơi chốn và môi trường sẽ được khai thác xuyên suốt qua các năm học để học sinh có thể thông hiểu và có cái nhìn đa dạng về con người và đất nước Việt Nam. Nội dung học tập được soạn phù hợp với mức độ tư duy, nhận thức của học sinh. Nội dung ở cấp Tiểu học bắt đầu ở mức cơ bản và các khái niệm sẽ dần dần phát triển và được khai thác sâu và phức tạp hơn khi lên bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Môn học chú trọng vào sự hình thành suy nghĩ và hành vi của các cá nhân và tập thể con người Việt Nam bởi các yếu tố xã hội. Khi phân tích sự phát triển Việt Nam đã trải qua hoặc suy đoán về sự phát triển trong tương lai, các khía cạnh được phân tích chú trọng vào yếu tố xã hội thay vì chính trị hoặc lịch sử. Với mục tiêu này, các chủ đề lớn mang tầm quốc gia như sự hình thành của chủ nghĩa quốc gia Việt Nam, hoặc chính sách đối ngoại của Việt Nam với các nước trên thế giới sẽ không được đề cập đến. Thay vào đó năm khía cạnh Văn hóa, Cấu trúc xã hội, Đặc điểm kinh tế, Khoa học – Giáo dục, và Nơi chốn và môi trường sẽ đóng vài trò đính hướng cho học sinh phân tích các yếu tố xã hội và tác động của chúng đến chính bản thân và tập thể con người Việt Nam và sự phát triển của xã hội, đất nước Việt Nam.
Với mô hình chương trình trên, các chủ đề luôn có một trọng tâm định hướng cho giáo viên và học sinh đó là con người và đất nước Việt Nam. Giáo viên và học sinh hiểu rằng một chủ đề được dạy và được học vì nó dẫn đến sự thấu hiểu con người và đất nước Việt Nam. Với mô hình này, nhiều chủ đề khác nhau được dạy trong một năm để tăng sự hấp dẫn cho học sinh. Ngoài ra, một khía cạnh được khai thác qua nhiều năm học sẽ tăng sự hiểu biết sâu sắc trong các cá nhân học sinh.
Ở bậc Tiểu học, học sinh sẽ tiếp cận các khía cạnh ở góc độ bản thân và những hoàn cảnh gẫn gũi nhất với chính mình. Với bậc Tiểu học khối 1-3, học sinh sẽ tiếp cận các chủ đề một cách “tự nhiên” thay vì “học thuật”. Ví dụ trong khía cạnh Cấu trúc xã hội, học sinh bắt đầu tiếp cận với hoạt động mô tả các thành viên trong hàng xóm hoặc trường học và vai trò của họ nhưng chưa cần hiểu mình đang quan sát cấu trúc của một tổ chức xã hội. Lên khối 4-5 học sinh sẽ bắt đầu tiếp cận các khía cạnh một cách học thuật hơn và được yêu cầu phân tích một cách đơn giản các khái niệm và sự tương quan của chúng với con người. Học sinh sẽ bắt đầu tiếp cận các ngôn ngữ chuyên môn như “phong tục tập quán”, “cấu trúc xã hội” trong các hoạt động học tập.
Lên bậc THCS, học sinh sẽ bắt đầu phân tích các khía cạnh qua góc độ cá nhân và góc độ xã hội. Học sinh được kỳ vọng sẽ bắt đầu hiểu được các sự tương quan giữa các khái niệm học tập với con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng. Ví dụ trong khía cạnh Nơi chốn và môi trường, mục tiêu không chỉ dạy học sinh về các nơi chốn quan trọng ở Việt Nam hoặc các đặc điểm môi trường, chương trình mong muốn học sinh suy nghĩ và phân tích tại sao con người có những gắn bó, những cảm xúc nhất định với một nơi chốn nào đó. Sự gắn bó này mang lại giá trị gì cho con người và thúc đẩy những hành vi tích cực hoặc tiêu cực gì.
Từ bậc cuối của THCS đến THPT, học sinh sẽ truy vấn, phân tích các yếu tố đã và đang thay đổi xã hội Việt Nam hiện đại. Ví dụ như tác động của tín ngưỡng, xu hướng xã hội đến nền kinh tế Việt Nam và hành vi của người tiêu dùng. Hoặc sự tác động của công nghệ và hiện tượng xã hội thế giới đến nền giáo dục Việt Nam. Chương trình kỳ vọng học sinh sẽ tự khám phá được các thay đổi đất nước Việt Nam đang trải qua và phân tích các thay đổi đó đang ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi con người Việt Nam như thế nào. Điểm đến là kỳ vọng học sinh đánh giá các giá trị nên bảo tồn, những giá trị truyền thống cần thay đổi, những giá trị mới nên/ không nên hấp thụ, và suy đoán về sự phát triển của đất nước. Ngoài ra, học sinh suy ngẫm về vai trò của bản thân trong quá trình phát triển này.
Cấu trúc
Ngoài các cách tiếp cận trên, một trọng tâm khác của môn học là phát triển và trau dồi các kỹ năng quan trọng cho từng cá nhân học sinh. Chương trình khối 1-6 áp dụng một bộ kỹ năng bao gồm 5 mạch kỹ năng: Đặt câu hỏi, Nghiên cứu, Phân tích, Đánh giá và Suy ngẫm, và Truyền thông. Khối 7-12 áp dụng một bộ kỹ năng bao gồm 5 mạch kỹ năng: Đặt câu hỏi, Nghiên cứu, Phân tích & Bàn luận, Đánh giá và Suy ngẫm, và Giải thích & Truyền thông.
Một kỹ năng trọng tâm của chương trình là kỹ năng tranh luận một vấn đề xã hội để học sinh thể hiện ý kiến của mình một cách khoa học đồng thời tôn trọng, và cởi mở tiếp cận các quan điểm khác nhau. Tổng thể cấu trúc của các khóa học được thiết kế để đáp ứng mục tiêu này. Kỹ năng được chia thành ba cấp bậc, “thảo luận” áp dụng cho khối 1-6, “bàn luận” áp dụng cho khối 7-8, và “tranh luận” áp dụng cho khối 9-11. Kỹ năng thảo luận kỳ vọng học sinh trao đổi thông tin đã học và thu thập được về một chủ đề một cách văn minh và cởi mở. Kỹ năng bàn luận kỳ vọng học sinh trao đổi các góc nhìn khác nhau về một vấn đề và áp dụng các bước cơ bản để bảo vệ quan điểm của mình cũng như lắng nghe quan điểm của người khác. Bậc cuối cùng, học sinh được kỳ vọng áp dụng kỹ năng tranh luận để chính thức tham gia các dự án tranh luận và bảo vệ quan điểm của bản thân một cách khoa học đồng thời tôn trọng tiếp nhận các quan điểm khác. Chương trình sẽ lồng ghép các hoạt động để phát triển và trau dồi kỹ năng này xuyên suốt quá trình học.
Từ khối 1-4, học sinh bắt đầu tiếp cận kỹ năng thảo luận một cách cơ bản qua các hoạt động thảo luận theo cặp hoặc theo nhóm. Chương trình có những mốc thời gian cuối mỗi chủ đề để học sinh được học và bắt đầu phát triển kỹ năng thảo luận.
Từ khối 5-6, kỹ năng thảo luận được tiếp tục lồng ghép xuyên suốt quá trình học tập. Cuối học kỳ I và cuối học kỳ II, học sinh có cơ hội thể hiện kỹ năng qua một hoạt động thảo luận với nhóm trong lớp học.
Từ khối 7-8, kỹ năng được nâng từ bậc thảo luận lên bàn luận và được trau dồi trong suốt trong quá trình học. Học sinh sẽ có cơ hội bàn luận một vấn đề vào hai mốc thời gian cuối học kỳ I và cuối học kỳ II.
Từ khối 9-11, học sinh được tiếp cận các phương pháp chính thức về quy trình tranh luận. Học sinh sẽ có cơ hội thể hiện kỹ năng trong dự án tranh luận cuối năm học. Học sinh khối 9 sẽ tranh luận một vấn đề với học sinh trong lớp của mình, học sinh khối 10-11 tranh luận với học sinh trong khối.
Với mô hình trên, trong mỗi một học kỳ/năm học, học sinh sẽ “học” về các chủ đề xã hội khác nhau. Qua quá trình truy vấn, học sinh sẽ hiểu sâu về chủ đề, phân tích, đánh giá và suy ngẫm về các chủ đề đó xuyên suốt cả học kỳ/năm học. Đến cuối học kỳ/năm học, học sinh “vận dụng” các hiểu biết và kỹ năng để thảo luận, bàn luận, tranh luận quan điểm của mình về một chủ đề cụ thể.
2. MỤC ĐÍCH MÔN HỌC:
- Khuyến khích học sinh tìm hiểu sâu về đất nước Việt Nam và những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi và cách suy nghĩ của con người Việt Nam
- Khuyến khích học sinh xem xét một cách nghiêm túc các giá trị truyền thống và chuẩn mực văn hóa và đưa ra được kết luận về sự tác động của chúng đến chính bản thân và xã hội Việt Nam
- Phát triển nhận thức và sự tự hào, sự cảm kích của học sinh về nền văn hóa đa dạng và phong phú của Việt Nam
- Phát triển nhận thức của học sinh về tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước
- Phát triển và thúc đẩy khả năng truy vấn của học sinh để học sinh có thể tự quan sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, suy ngẫm và đưa ra các ý kiến, lập luận, về các hiện tượng trong xã hội Việt Nam
- Phát triển và thúc đẩy khả năng truy vấn của học sinh để học sinh có thể tự quan sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, suy ngẫm và suy đoán về tương lai của Việt Nam qua các khía cạnh khác nhau
- Thúc đẩy học sinh đánh giá về cách giới trẻ có thể vận dụng các kiến thức, kỹ năng, và các công nghệ hiện đại để phát triển cộng đồng và đất nước của mình
- Phát triển và thúc đẩy kỹ năng bàn luận vấn đề một cách khoa học và thuyết phục của học sinh trong các vấn đề xã hội tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung
- Thúc đẩy học sinh suy ngẫm về vai trò của mình trong xã hội Việt Nam và thế giới, đồng thời kỳ vọng học sinh cống hiến cho sự phát triển của đất nước