fbpx

1. MÔ TẢ:

  • Môn Vật lý là môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (KHTN) giúp học sinh (HS) từ lớp 11 và 12 nghiên cứu về tất cả hiện tượng, quá trình, quy luật Vật lý của thế giới tự nhiên (TGTN).

  • Môn Vật lý giúp HS được kế thừa và tiếp tục phát triển các kiến thức, kĩ năng cơ bản của cấu phần Vật lý trong chương trình Khoa học tích hợp đã học từ lớp 1 đến lớp 10, giúp HS định hướng nghề nghiệp bằng cách nghiên cứu sâu hơn vào bản chất, ý nghĩa Vật lý và các ứng dụng cao. Từ đó, HS phát triển tư duy khoa học dưới góc độ Vật lý, khơi gợi sự ham thích ở học sinh, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức, kỹ thuật Vật lý vào thực tiễn hay tính học thuật trong từng đơn vị kiến thức thông qua các công cụ toán học phức tạp hơn.
  • Các chủ đề trong chương trình được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ hệ được xem như một hạt đến nhiều hạt; bước đầu tiếp cận với một số nội dung khoa học hiện đại tiên tiến, thời sự. 
  • Môn Vật lý được xây dựng theo cấu trúc tương đối độc lập gồm có 5 mạch con là Cơ học, Nhiệt học, Điện từ học, Quang học và Vật lý hiện đại. Các mạch con này được trải đều trong toàn bộ thời gian học của lớp 11 và 12, HS có thể được nghiên cứu một cách độc lập.

  • Môn Vật lý coi trọng các vấn đề mang tính bản chất nhất của tự nhiên, trong đó, thí nghiệm và thực hành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành khái niệm, quy luật, định luật Vật lý. Học Vật lý, HS nhận thức, mô tả, giải thích và tiên đoán được một số các hiện tượng, quy luật dựa trên các bằng chứng tin cậy. Chính khả năng tiên đoán được hệ quả của các biến cố, các quá trình Vật lý dựa trên những hiểu biết sâu sắc về các quy luật giúp HS có thể tạo ra những công nghệ hiện đại phục vụ cuộc sống.

  • Môn Vật lý có 5 khái niệm mấu chốt: Mô hình các hệ Vật lý; Kiểm tra tiên đoán bằng thực nghiệm; Toán học (ngôn ngữ và công cụ giải quyết vấn đề); Vật chất, năng lượng và sóng; Lực và trường. Các khái niệm này đan xen lẫn nhau trong môn Vật lý nhằm cung cấp cho HS cái nhìn đa chiều về cùng 1 sự vật hiện tượng, tạo điều kiện giúp HS có sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của tự nhiên.

2. MỤC ĐÍCH MÔN HỌC:

  • HS có năng lực môn Vật lý đạt được những hiểu biết chuyên sâu về Vật lý
    • Áp dụng và cải tiến chất lượng được trong cuộc sống hàng ngày
    • Trở thành công dân tự tin đón nhận mọi thay đổi nhanh như vũ bão của thế giới khoa học công nghệ và am hiểu những vấn đề Vật lý phổ biến trong cuộc sống

  • HS phát triển được thái độ cần thiết trong nghiên cứu khoa học
    • Lưu ý tới sự an toàn trong thực nghiệm
    • Lưu ý tới độ chính xác và sai số, luôn cố gắng giảm thiểu sai số
    • Biết lưu tâm tính khách quan, công bằng trong mọi phép đo
    • Tôn trọng các kết quả thực nghiệm
    • Biết lưu tâm và kiểm soát tính nhất quán khi giải quyết các vấn đề Vật lý
    • Biết truy vấn lại các kết quả thu được
    • Biết phân định đâu là sáng kiến và đâu không phải là những phát hiện mới

  • HS áp dụng dụng được phương pháp nghiên cứu khoa học để khám phá ra các quy luật mới, cải tiến những hạn chế của các thuyết và mô hình Vật lý

  • HS phát triển được các kỹ năng phân tích, đánh giá số liệu và rút ra kết luận

  • HS phát triển các kỹ năng giao tiếp khoa học hiệu quả, sử dụng những thuật ngữ và quy ước Vật lý chính xác

  • HS biết quan tâm và có trách nhiệm với xã hội, môi trường sống trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ

  • HS được trang bị đầy đủ những kiến thức Vật lý nền tảng và chuyên sâu để có thể tiếp tục việc học lên cao, nghiên cứu Vật lý sau này