fbpx

1. MÔ TẢ

Trong giai đoạn trung học (từ 12 đến 18 tuổi), học sinh được tìm hiểu và thực hành tiếng mẹ đẻ qua bộ môn Ngữ văn. Tiếp tục xây dựng từ những trải nghiệm Tiếng Việt ở tiểu học, môn Ngữ văn hoàn thiện dần các kĩ năng của học sinh, giúp các em dần đạt tới mọi tiềm năng ngôn ngữ của mình.

Trước hết, học sinh biết sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ chủ động, phù hợp và hiệu quả trong mọi hoạt động giao tiếp, biến tiếng Việt trở thành cầu nối hữu hiệu vừa là để tiếp thu các quan điểm bên ngoài, vừa để truyền đạt ý tưởng, cảm xúc của bản thân, qua đó khẳng định chính mình.

Thứ hai, trọng tâm môn Ngữ văn hướng đến việc phát triển tư duy phản biện của học sinh để các em đọc phân tích, nghe sàng lọc, viết và nói có lựa chọn. Đứng trước các nguồn thông tin đa chiều của thời đại mới, học sinh trở thành người tiếp thu chủ động, biết phân loại, sắp xếp dữ liệu với những căn cứ logic, hợp lý, từ đó tự xây dựng được những sản phẩm ngôn từ phù hợp với từng ngữ cảnh giao tiếp.

Bên cạnh việc cung cấp kĩ năng, môn Ngữ văn còn mở rộng hiểu biết của học sinh qua một loạt các văn bản thuộc nhiều nền văn học, nhiều tác giả và thời đại khác nhau. Tiếp cận với kho thông tin đồ sộ này bằng cái nhìn phản biện, học sinh vừa rèn luyện được kĩ năng đọc hiểu, đồng cảm với góc nhìn của tác giả, vừa phát huy thử thách, kết nối các vấn đề với chính bản thân mình để tự sáng tạo các tác phẩm mang màu sắc cá nhân, thể hiện những suy ngẫm về cuộc sống cũng như định hình dấu ấn cá nhân của mình, mở cánh cửa bước vào cuộc sống sau này.

Như vậy, môn Ngữ văn ở trung học đóng vai trò thiết yếu trong chương trình giáo dục, giúp học sinh phát triển đồng đều kĩ năng giao tiếp, năng lực phản biện và khả năng sáng tạo. Đây là những yếu tố cần thiết để các em phát triển bản thân, hình thành tư duy liên văn hóa, trở thành một công dân có trách nhiệm trong xã hội toàn cầu.

Để đạt tới những mục đích trên, mỗi giờ học Ngữ văn chú trọng đến cách tiếp cận dạy và học tích cực, tạo môi trường ngôn ngữ cởi mở, thách thức để học sinh tham gia nhiệt tình, rèn luyện toàn diện các mạch kĩ năng Đọc, Viết, Nói – Nghe và Sử dụng ngôn ngữ. Với lứa tuổi trung học, tính chủ động của học sinh được đề cao: các em hình thành nếp tự đọc nghiên cứu trước tài liệu ở nhà, biến thời gian trên lớp trở thành khoảng tương tác có ý nghĩa để đào sâu và mở rộng kiến thức, thực hành nhuần nhuyền các kĩ năng. Quá trình tự học này được duy trì trong suốt các năm học, nâng cao dần mức độ. Nó cũng gắn liền với quá trình tự nghiên cứu nghiêm túc, làm việc với những quy trình chặt chẽ, nguồn thông tin rộng lớn để có những phát hiện mang dấu ấn cá nhân của mình.

2. MỤC ĐÍCH MÔN HỌC

  • Rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ thành thạo, chuẩn bị cho các cấp học cao hơn và cuộc sống

Học sinh được tiếp cận với nhiều chủ đề nội dung và thể loại văn học và thông tin khác nhau để hình thành đa dạng các kĩ năng ngôn ngữ.

Đặc điểm nổi bật của môn Ngữ văn là hướng học sinh đến năng lực Đọc sâu để hiểu kĩ chi tiết, nhằm khám phá kĩ lưỡng về nội dung và nghệ thuật của mỗi tác phẩm, tìm hiểu những giá trị văn hóa, ý tưởng sâu sắc ở phía sau. Học sinh cũng được yêu cầu Đưa ra mọi kết luận dựa trên bằng chứng để phát triển hệ thống ý tưởng, ngôn ngữ khi diễn đạt.

  • Hình thành tư duy phản biện và sáng tạo, làm nền tảng vững chắc cho mọi hoạt động ngôn ngữ

Tư duy là nền tảng cho mọi hoạt động ngôn ngữ, khiến cho việc hiểu được sâu sắc, viết được mạch lạc, nói và nghe được thu hút.

Môn Ngữ văn yêu cầu học sinh Đọc như một thám tử, Viết như một nhà báo qua nhóm năng lực Đọc kĩ để hiểu chi tiết và Đưa ra kết luận dựa trên bằng chứng để nội dung sâu sắc, tránh sáo rỗng ngôn từ. Bên cạnh đó, học sinh cũng được yêu cầu thực hiện nhóm năng lực Tạo lập những lập luận thuyết phục phát triển dần qua các khối lớp để từ đó sử dụng ngôn ngữ như những công cụ hữu hiệu để giao tiếp và giải quyết các vấn đề cuộc sống, bày tỏ quan điểm của mình.

  • Hình thành tư duy nghiên cứu, tinh thần chủ động và ham học hỏi để luôn tìm hiểu và làm giàu ngôn ngữ mẹ đẻ

Việc học Văn không áp đặt về kiến thức mà chú trọng đến quy trình đọc, viết, nói và nghe để học sinh chủ động trong các tình huống. Trong suốt thời gian học, sự độc lập của học sinh được tăng dần lên, hướng đến đích cuối năm là chủ động đọc được những tác phẩm phức tạp, những thông tin dưới nhiều dạng thức đa dạng trong cuộc sống cũng như sử dụng linh hoạt ngôn ngữ như những công cụ đáp ứng các mục đích giao tiếp phong phú.

Nhóm năng lực Nghiên cứu để hiểu sâu về kiến thức cũng được đưa vào chương trình thông qua các hoạt động tự đặt câu hỏi về một vấn đề, tự tìm kiếm và đánh giá những nguồn thông tin phong phú để từ đó hiểu kĩ và hiểu sâu về kiến thức.

Thực hiện được những điều này, môn Ngữ văn sẽ góp phần rèn cho học sinh sự chủ động để luôn luôn trau dồi và làm giàu cho các kĩ năng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của mình

  • Giáo dục giá trị nhân văn, sự đồng cảm và hình thành phẩm chất cho học sinh

Thông qua việc tiếp cận với những tác phẩm giàu tính nhân văn và đến từ nhiều nước khác nhau, mang nhiều quan điểm khác nhau, học sinh được bồi đắp các giá trị nhân văn qua quá trình tự tìm hiểu, suy ngẫm, liên hệ bản thân. các em cũng học được cách trân trọng những nền văn hóa khác nhau, những góc tiếp cận khác nhau qua việc so sánh các tác phẩm với nhiều cách diễn giải.