fbpx

1. MÔ TẢ

Môn Địa lí

Địa lí là một môn khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn được thực hiện ở tất cả các cấp học từ lớp 1 đến lớp 12. Địa lí hướng học sinh (HS) tới mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội; sự tồn tại và phát triển của sự sống trên Trái Đất. Trọng tâm của môn học gồm 3 nội dung lớn: địa lí tự nhiên, địa lí dân cư và địa lí kinh tế.

Học Địa lí giúp HS giải thích các hiện tượng tự nhiên, kinh tế – xã hội; nhận diện và giải quyết các vấn đề hiện tại của mỗi địa phương và toàn thế giới đồng thời dự báo những thay đổi trong tương lai.

Địa lí như một chuyến tàu đưa HS khám phá thế giới với muôn vàn bức tranh đầy màu sắc về những vùng đất, về cuộc sống của con người trong sự đa dạng, khác biệt, độc đáo và luôn luôn vận động. Địa lí cho phép HS cơ hội nhận thức và hiểu biết sâu sắc về lí do tại sao thế giới lại như vậy; tôn trọng sự đa dạng và khác biệt đó đồng thời tạo điều kiện cho HS phát triển các kĩ năng xã hội, tư duy phản biện. Từ đó HS trở thành công dân toàn cầu, có năng lực kiến tạo, biết ra quyết định và chịu trách nhiệm.

Trong một thế giới hội nhập và biến đổi nhanh chóng, năng lực hiểu biết và kiến tạo của mỗi HS rất quan trọng để có thể tạo ra giá trị riêng, góp phần xây dựng, phát triển một thế giới thịnh vượng và bền vững. Địa lí không chỉ giúp HS trả lời các câu hỏi về môi trường sống xung quanh, cách nó vận hành và tác động lẫn nhau mà còn trao quyền cho HS định hình sự thay đổi cho tương lai, phản ánh, đề xuất hành động đáp ứng với các thách thức địa lí chung từ phạm vi địa phương đến toàn cầu (biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và môi trường, khủng hoảng kinh tế, chuyển cư, phân biệt chủng tộc, phát triển bền vững…).

Không chỉ thế, học Địa lí phát triển các kĩ năng cho phép HS đưa ra quyết định sáng suốt; trang bị các năng lực, hành vi giúp HS đối mặt với những thách thức đến từ môi trường tự nhiên – môi trường nhân tạo. Do đó, HS đóng vai trò chủ động trong phát hiện và giải quyết vấn đề dựa trên suy nghĩ toàn diện từ nhiều góc độ (cá nhân và toàn xã hội, một hay nhiều nhân tố của môi trường và sự phát triển) và thúc đẩy tính sáng tạo.

Chương trình giảng dạy Địa lí tại Vinschool được tổ chức theo 2 trục chính là kiến thức và hiểu biết về địa lí và kĩ năng địa lí. Trong đó:

  • Kiến thức và hiểu biết về địa lí xoay quanh 3 nội dung lớn là: địa lí đại cương, địa lí thế giới, địa lí Việt Nam. Kiến thức địa lí tập trung đề cập đến các sự kiện, khái niệm, lý thuyết, nguyên tắc vận động, mô hình phát triển trong địa lí liên tục được cập nhật và thay đổi theo thời gian, không gian. Hiểu biết về địa lí là khả năng nhìn thấy các mối quan hệ giữa các khía cạnh của kiến thức, sự kết nối giữa các khái niệm, sự tương tác qua lại của các hiện tượng địa lí đồng thời có khả năng mô tả, giải thích các mối quan hệ này. Đó cũng là khả năng áp dụng kiến thức đã học/đã biết vào các tình huống mới hoặc để giải quyết các vấn đề mới.
  • Kĩ năng địa lí là một chuỗi các kĩ năng giúp HS tìm hiểu và đào sâu sự hiểu biết toàn diện về thế giới. HS sẽ áp dụng các kĩ năng này để nghiên cứu các hiện tượng, vấn đề địa lí từ tự nhiên cho đến kinh tế – xã hội: đặt câu hỏi địa lí – tiến hành nghiên cứu – phân tích – đánh giá – truyền thông – suy ngẫm.

Việc dạy và học môn Địa lí tập trung cao vào học tập tích cực, chủ động, hình thành và phát triển tư duy kiến tạo. Giáo viên khuyến khích HS bắt đầu học tập bằng khả năng quan sát thực tế, các câu hỏi có vấn đề hay thỏa mãn sự tò mò với môi trường và các hiện tượng đang xảy ra xung quanh. Thông qua quá trình trả lời các chuỗi câu hỏi hay giải thích bất cứ vấn đề/hiện tượng địa lí nào, HS sẽ từng bước tích lũy hiểu biết về địa lí, kĩ năng và năng lực giải quyết vấn đề địa lí trong thực tiễn.

Mỗi nội dung/kĩ năng địa lí được học tập và ứng dụng sẽ gắn liền với các hình thức tổ chức đa dạng và phù hợp lứa tuổi như blended learning, flip classroom, học tập theo dự án, học tập giải quyết vấn đề.

Môn Lịch sử

Lịch sử là một môn khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn được thực hiện ở các cấp học từ Tiểu học tới Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Lịch sử là môn học nghiên cứu về quá khứ trải dài từ thời Cổ đại cho tới Hiện đại. Được coi là cuộc thám hiểm quan trọng đầy thách thức về quá khứ, Lịch sử làm sáng rõ sự hình thành và phát triển của xã hội loài người, tập trung tìm hiểu bản chất của những biến động, sự phát triển và lụi tàn của các nền văn hóa, vị thế của các quốc gia trong từng giai đoạn…

Học lịch sử giúp học sinh trả lời các câu hỏi chúng ta là ai? chúng ta đã làm gì để tồn tại và phát triển?. Quá trình đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời, nguồn gốc, bản chất của các sự kiện, các vấn đề lịch sử sẽ hình thành và phát triển trí tò mò, tưởng tượng, sự sáng tạo và tư duy phản biện của học sinh khi bắt gặp nhiều quan điểm khác nhau. Trọng tâm của môn học gồm 2 nội dung lớn: Lịch sử thế giới, khu vực và Lịch sử Việt Nam.

  • Không chỉ giúp học sinh trả lời các câu hỏi cơ bản về nguồn gốc – sự hình thành và phát triển – những thay đổi của xã hội loài người, Lịch sử còn mang đến những trải nghiệm trong quá trình sinh tồn và không ngừng vận động phát triển. Quan trọng hơn, thông qua các giai đoạn/các sự kiện lịch sử, học sinh tìm được bản chất của sự vận hành và phát triển của xã hội loài người, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, những chân lý cuộc sống cho sự phát triển hiện tại và tương lai.
  • Thế giới chúng ta đang sống không ngừng thay đổi dưới sự tác động của xu hướng toàn cầu hóa, của xu hướng liên kết giữa các quốc gia, khu vực trên thế giới. Do đó, học sinh có thể vận dụng những bài học lịch sử vào giải quyết những vấn đề toàn cầu, góp phần phát triển những phẩm chất tốt đẹp của công dân Việt Nam với tư cách là công dân toàn cầu có thể hội nhập và được đón nhận ở mọi nơi trên thế giới.
  • Lịch sử cũng có vai trò quan trọng đối với việc hình thành và phát triển lòng yêu nước đối với học sinh. Khái niệm “yêu nước” tùy theo từng quan điểm, từng vị trí cá nhân đứng mà giải nghĩa khác nhau, nhưng chung nhất để “yêu nước” thì cần phải hiểu rõ về nguồn gốc của con người, của đất nước, hiểu rõ về những khó khăn thử thách mà đất nước đã gặp phải, những thành tựu mà đất nước đã đạt được, từ đó hun đúc nên niềm tự hào đất nước, tự tôn dân tộc đưa đến những hành động cụ thể cho sự phát triển của đất nước.
  • Chương trình giảng dạy Lịch sử tại Vinschool được tổ chức theo 2 trục chính là kiến thức, hiểu biết Lịch sử và kĩ năng Lịch sử. Trong đó:
    • Kiến thức, hiểu biết về Lịch sử gồm 2 nội dung lớn là: Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam. Kiến thức lịch sử tập trung đề cập đến các khái niệm, sự kiện, hiện tượng, con người trong tiến trình thời gian, không gian từ thời Cổ Đại cho tới Hiện Đại. Hiểu biết về lịch sử là khả năng phát hiện sự liên kết, các mối quan hệ giữa các khía cạnh của kiến thức, khả năng tìm kiếm bản chất của vấn đề cũng như lý giải các quy luật của sự vận hành phát triển của con người và xã hội loài người trong mối tương quan tác động qua lại. Từ đó phát hiện tính kế thừa của lịch sử, rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức, sự hiểu biết vào tình huống mới, giải quyết các vấn đề mới thậm chí là sáng tạo cải tiến, thay đổi phát triển tương lai.
    • Kĩ năng Lịch sử là một chuỗi các kĩ năng giúp HS tìm hiểu và đào sâu sự hiểu biết toàn diện về thế giới nói chung và của đất nước nói riêng đó là: đặt câu hỏi – tiến hành nghiên cứu – phân tích – đánh giá – truyền thông – suy ngẫm. Học sinh sẽ rèn luyện, vận dụng các kĩ năng này vào quá trình tìm hiểu lịch sử, phát triển nhận thức tư duy lịch sử và vận dụng kiến thức, sự hiểu biết vào thực tiễn cuộc sống.
  • Việc dạy – học Lịch sử được triển khai theo hướng phát huy ý thức học tập tích cực, chủ động cho học sinh. Sự tò mò, ham hiểu biết của học sinh được khơi dậy thông qua chuỗi các câu hỏi truy vấn khuyến khích học sinh tìm kiếm câu trả lời, qua đó phát triển tư duy phản biện, sự tự chủ trong nhận thức từ đó tạo cơ hội cho học sinh hình thành quan điểm cá nhân, phát hiện, lý giải vấn đề, sự kiện theo một cách nhìn mới.

2. MỤC ĐÍCH MÔN HỌC

  • Khuyến khích HS khám phá thế giới tự nhiên và cuộc sống của con người ở xung quanh.
  • Phát triển kiến thức và hiểu biết toàn diện, sâu sắc về đặc điểm tự nhiên, dân cư, kinh tế – xã hội ở địa phương nơi HS sống, Việt Nam, các khu vực, châu lục và toàn thế giới.
  • Phát triển nhận thức của HS về mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân – xã hội – môi trường, khuyến khích sự thông hiểu về tác động của các thách thức địa lí ở cấp độ địa phương, quốc gia và toàn cầu từ đó tăng khả năng kiểm soát và điều tiết hành vi với mỗi biến động và thay đổi.
  • Thúc đẩy khả năng lựa chọn và sử dụng sáng tạo, hiệu quả các phương pháp điều tra, thu thập, xử lí thông tin; các công cụ của địa lí học; giao tiếp xã hội nhằm hỗ trợ quá trình học tập cũng như vận dụng kiến thức – kĩ năng địa lí của HS vào thực tế cuộc sống.
  • Phát triển năng lực tư duy địa lí (nhận thức thế giới theo quan điểm không gian, giải thích các hiện tượng và quá trình địa lí) thông qua việc thúc đẩy khả năng đặt câu hỏi và khuyến khích tư duy phản biện.
  • Thúc đẩy khả năng hình thành và phát triển các ý tưởng, quan điểm, hành động cụ thể giải quyết các thách thức địa lí thông qua quá trình tìm hiểu – nghiên cứu – phân tích, kết luận – đề xuất, phản hồi.
  • Thúc đẩy khả năng lựa chọn và sử dụng sáng tạo, hiệu quả các phương pháp điều tra, thu thập, xử lí thông tin; các công cụ của địa lí học; giao tiếp xã hội nhằm hỗ trợ quá trình học tập cũng như vận dụng kiến thức – kĩ năng địa lí của HS vào thực tế cuộc sống.
  • Tạo cơ hội phát triển các cá nhân trở thành công dân toàn cầu có năng lực học tập tích cực và suốt đời; có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng và thế giới; có khả năng thay đổi và kiến tạo môi trường sống hài hòa, bền vững.