fbpx

1. MÔ TẢ

Giáo dục Thể chất là môn học bắt buộc thuộc chương trình Giáo dục Phổ thông được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng vận động cho học sinh, góp phần giúp các em phát triển toàn diện, với kỳ vọng rằng các kiến thức và kỹ năng mà học sinh có được trong môn học này sẽ có ích cho các em suốt đời, hỗ trợ các em phát triển trong một thế giới luôn thay đổi, bằng cách giúp trẻ phát triển hiểu biết về thể chất và sức khỏe cũng như kiến thức, năng lực và trách nhiệm mà các em sẽ cần để hướng đến, đạt được và duy trì lối sống lành mạnh, năng động và phát triển khả năng sống thỏa mãn, hữu ích.

Lối sống này sẽ mang lại lợi ích cho cả cá nhân và xã hội theo nhiều cách như tăng hiệu suất và mức độ sẵn sàng trong học tập, phát triển năng khiếu và tư duy sáng tạo, nâng cao tinh thần, thúc đẩy sự an toàn, phát huy các mối quan hệ lành mạnh, nâng cao sự hài lòng của cá nhân, truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho những người xung quanh… Nghiên cứu đã chứng minh rằng mức độ hoạt động thể chất tăng lên sẽ kéo theo thành tích học tập tốt hơn, khả năng tập trung cao hơn và thái độ trong lớp học tốt hơn. Ngoài ra điều này còn có tác dụng cải thiện sức khỏe tâm thần, năng lực thể chất, khả năng tự ý thức và khả năng xử lý căng thẳng.

Môn Giáo dục Thể chất thúc đẩy các giá trị và mục tiêu giáo dục quan trọng, hỗ trợ trẻ phát triển tính cách, bao gồm hoàn thiện bản thân một cách tốt nhất, công bằng và chơi đẹp, tôn trọng sự đa dạng, tôn trọng các yêu cầu, nhu cầu cá nhân, có sức khỏe tốt và tinh thần hạnh phúc. Những giá trị này sẽ được củng cố trong các khía cạnh khác nhau của môn học cũng như được chính xã hội bồi đắp thêm. Khi theo học môn Giáo dục Thể chất, học sinh sẽ học các kỹ năng cần thiết để tự tin và thành công hơn trong những năm học tiểu học, trung học và trong cuộc sống của các em sau này với tư cách là những công dân năng động, khỏe mạnh và có trách nhiệm xã hội. Học Giáo dục Thể chất giúp học sinh đưa ra quyết định sáng suốt về mọi mặt của sức khỏe và khuyến khích trẻ thực hiện theo lối sống khỏe mạnh, năng động.

Theo Quy định về triển khai chương trình giáo dục tại Vinschool, cũng giống như các môn học khác, Giáo dục Thể chất là môn học dựa vào chuẩn đầu ra. Các chuẩn đầu ra của chương trình xác định những kiến thức và kỹ năng mà học sinh dự kiến sẽ đạt được ở cuối mỗi khối lớp, được tổ chức thành 3 mạch kỹ năng chính riêng biệt nhưng có liên quan đến nhau đó là Sống tích cực, Năng lực vận động và Sống lành mạnh. Bên trong 3 mạch chính, các chuẩn đầu ra có mối liên hệ cụ thể hơn sẽ được nhóm tiếp thành các mạch phụ. Kết cấu tổ chức này được duy trì liên tục từ cấp Tiểu học đến hết cấp Trung học Phổ thông.

Thực tiễn và nghiên cứu đều cho thấy rằng, phương pháp giảng dạy có hiệu quả và đặc biệt quan trọng trong chương trình Giáo dục thể chất là “lấy học sinh làm trung tâm” và “dạy học dựa trên kỹ năng” vì nó cho phép giáo viên đáp ứng linh hoạt với các trải nghiệm, hoàn cảnh, khả năng và nhu cầu khác nhau trong các môi trường hoạt động thể chất. Trong đó, giáo viên đóng vai trò là người cùng học và người hỗ trợ học sinh, thúc đẩy hoạt động học tập trải nghiệm, kích thích sự tham gia của học sinh bằng cách để học sinh tự khởi xướng, tạo cảm giác cộng đồng bằng cách cộng tác làm việc nhóm, đồng thời đưa ra các lựa chọn phù hợp với phong cách học tập và trí thông minh của học sinh.

2. MỤC ĐÍCH MÔN HỌC

  • Phát triển các kỹ năng và kiến thức giúp trẻ sống tích cực và lành mạnh suốt đời: Phát triển các kỹ năng và kiến thức giúp trẻ sống tích cực và lành mạnh suốt đời khi thường xuyên có cơ hội tham gia các hoạt động thể chất an toàn và học cách phát triển, cải thiện thể lực; giúp trẻ tự tin và thành công hơn trong học tập, công việc và cuộc sống.
  • Phát triển năng lực vận động cần thiết để tham gia nhiều hoạt động thể chất: Phát triển năng lực vận động cần thiết để tham gia nhiều hoạt động thể chất thông qua cơ hội phát triển kỹ năng vận động, áp dụng các khái niệm và chiến lược vận động trong các trò chơi, môn thể thao, khiêu vũ và nhiều hoạt động thể chất khác từ đó tự phát hiện và phát triển năng khiếu cá nhân trong lĩnh vực thể dục thể thao, hướng tới con đường chuyên nghiệp, góp phần nâng cao thành tích của thể thao nước nhà.
  • Giáo dục các yếu tố góp phần cho sự phát triển lành mạnh: Giáo dục các yếu tố góp phần cho sự phát triển lành mạnh, ý thức trách nhiệm cá nhân đối với sức khỏe suốt đời và hiểu về lối sống lành mạnh, sống năng động có kết nối với thế giới xung quanh trẻ và sức khỏe của những người khác từ đó truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho mọi người, góp phần hình thành cộng đồng yêu thích và chăm chỉ rèn luyện thể thao.