Cùng Vinsers Nhí Giải Đáp Những “Ẩn Số” Về “Động Vật Và Thực Vật Sống”
Trong chủ đề học tập “Khám phá thiên nhiên”, các bé đã có cơ hội tìm hiểu sự khác biệt giữa “vật sống” và “vật không sống” thông qua việc quan sát và thu thập hình ảnh.
Mỗi em bé đều là một “nhà thám hiểm bẩm sinh”, luôn có hàng ngàn câu hỏi “tại sao”, “vì sao”, háo hức khám phá và tìm hiểu về bản thân cũng như thế giới xung quanh. Các bé không chỉ nhận biết mà còn giải thích được lý do tại sao một đối tượng được coi là vật sống hay không sống dựa trên các đặc điểm như: sinh trưởng, sinh sản, hô hấp, dinh dưỡng, bài tiết và vận động.
Trong các hoạt động trải nghiệm, các bạn nhỏ chăm chú quan sát và đặt ra nhiều câu hỏi thú vị như: “Viên sỏi này có lớn lên được không?”, “Quả bóng này có cần chất dinh dưỡng không?”, “Cái cây có thở được không?”, “Con mèo có sinh được em bé không?”… Từ những câu hỏi này, các bé dần hiểu rõ hơn về khái niệm “vật sống” và “vật không sống”, từ đó nhận biết, kể tên và phân loại chúng một cách nhanh chóng. Bằng sự quan sát tỉ mỉ và ghi nhớ, các bé đã tạo ra những bức tranh và “ghi chép” về “vật sống” và “vật không sống” qua lăng kính của các “nhà khoa học nhí”.
Hoạt động này không chỉ giúp các bé phát triển những phẩm chất quan trọng của nhà khoa học như khả năng tập trung, chú ý và tính kiên trì, mà còn nâng cao năng lực tư duy qua việc quan sát, so sánh, phân biệt và suy luận. Các bé không chỉ học các kĩ năng cần thiết cho môn Khoa học mà còn áp dụng được vào các môn học khác, chuẩn bị cho các cấp học tiếp theo và trang bị kĩ năng sống hàng ngày. Đây chính là tiền đề quan trọng cho những nhà khoa học tương lai.