fbpx

Chính sách bảo vệ trẻ em

CHÍNH SÁCH BẢO VỆ TRẺ EM

1. MỤC ĐÍCH CỦA CHÍNH SÁCH 

Chính sách Bảo vệ trẻ em (CS BVTE) của Vinschool được xây dựng tuân thủ theo Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và được áp dụng cho toàn bộ HS, trừ trường hợp HS tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật (Nhà trường sẽ xử lý và phối hợp với cơ quan chức năng theo quy định).

CS BVTE phản ánh các vấn đề liên quan đến sức khỏe, an toàn và chăm sóc trẻ em, bao gồm nhưng không giới hạn ở BVTE trước việc lạm dụng, bỏ bê, xâm hại, các vấn đề an ninh, an toàn của cơ sở trường học, các quy trình vệ sinh và ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp.

Theo đó, Vinschool sẽ:

•Thiết lập và duy trì một môi trường giáo dục nơi HS cảm thấy an toàn và an tâm, nơi các em được khuyến khích bày tỏ quan điểm và được lắng nghe;
• Đảm bảo rằng HS nhận thức được sẽ có những người lớn trong Nhà trường sẵn sàng lắng nghe bất kì khi nào các em có khó khăn hoặc cảm thấy lo lắng về một điều gì đó;
• Luôn đưa vào trong các hoạt động học tập và ngoại khóa để nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn, lạm dụng, quấy rối và bắt nạt học đường, cách đối phó và báo cáo các vấn đề này;
• Luôn đưa vào tài liệu chương trình giảng dạy để nâng cao nhận thức và thái độ của HS, CBNV về BVTE
• Đảm bảo mọi nỗ lực có thể được thực hiện để thiết lập mối quan hệ hiệu quả giữa Nhà trường và gia đình.

2. VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM
Tất cả người lớn tại Vinschool đều phải có trách nhiệm BVTE.

Nhà trường
• Phổ biến Chính sách tới CBNV, HS và PH; có các các quy trình chặt chẽ về báo cáo và xử lý;
• Đảm bảo công tác tuyển dụng an toàn, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc kiểm tra lý lịch và kiểm tra sức khỏe cho CBNV;
• Duy trì tính bảo mật thông tin: tất cả các hồ sơ BVTE phải được phòng CTHS lưu trữ và cập nhật. Giới hạn quyền truy cập tới các hồ sơ này theo chỉ đạo của Chủ tịch UBBVTE. Hồ sơ BVTE không được lưu giữ cùng với các hồ sơ chung khác của HS.

Hiệu trưởng
• Mọi quy trình trong Chính sách này nhất quán với khung pháp lý quốc gia và các thông lệ quốc tế tốt nhất;
• Đánh giá chính sách hằng năm để xem xét tính hiệu quả của chính sách.

Ủy ban Bảo vệ Trẻ em
• Bao gồm tối thiểu 05 thành viên trở lên (tùy vào đặc điểm của mỗi trường); Ủy ban có một Chủ tịch (HT hoặc Phó HT), Chuyên viên phụ trách BVTE (Trưởng bộ phận CTHS) và Nhân viên Y tế, cùng với thành viên khác được bổ nhiệm theo quyết định của HT;
• Làm việc với phòng CTHS để điều tra và giải quyết từng báo cáo về lạm dụng;
• Đảm bảo CS BVTE được truyền thông và áp dụng một cách hiệu quả trong phạm vi toàn trường.

Chuyên viên phụ trách BVTE – Cấp trường – là Trưởng phòng CTHS
• Phối hợp chặt chẽ với UBBVTE trong việc thực thi CS BVTE;
• Nâng cao nhận thức về vai trò của Chuyên viên phụ trách BVTE cho PH, HS và người lớn;
• Xử lý một cách phù hợp các trường hợp tiết lộ và mối quan ngại về vấn đề liên quan tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em;
• Lưu các hồ sơ mật của các trường hợp đã được báo cáo và giải quyết.

Cán bộ giảng dạy
• Có nhận thức về CS BVTE và trách nhiệm của mình;
• Được đào tạo về cách xác định và ngăn ngừa các trường hợp lạm dụng xảy ra tại trường học;
• Báo cáo cho phòng CTHS khi có bất cứ nghi ngờ nào về trường hợp lạm dụng.

Cán bộ nhân viên ngoài giảng dạy
• Có nhận thức về CS BVTE và trách nhiệm của mình;
• Báo cáo cho phòng CTHS khi có bất kì nghi ngờ nào về việc lạm dụng ;
• Đảm bảo sự an toàn trong môi trường, bao gồm nhưng không giới hạn ở các hướng dẫn và quy định về các thiết bị và các trường hợp khẩn cấp.

Điều phối phụ trách bảo vệ trẻ em – Cấp hệ thống
Giám sát và rà soát các Quy trình và Chính sách về BVTE hằng năm để đảm bảo Chính sách luôn có hiệu lực và phù hợp với thực tế.
• Làm việc với Nhà trường để đảm bảo công tác đào tạo phù hợp về BVTE cho toàn bộ người lớn làm việc với trẻ em tại trường;
• Đảm bảo rằng toàn thể CBNV, bao gồm cả Chuyên viên phụ trách BVTE, phải luôn tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, nhất là tôn trọng tính bảo mật.

Phụ huynh
• Được trao đổi về CS BVTE hằng năm;
• Báo cáo cho GVCN, hoặc phòng CTHS khi có bất kỳ nghi ngờ nào về trường hợp lạm dụng.
Học sinh
• Được khuyến khích về việc báo cáo cho GVCN, hoặc phòng CTHS khi có bất kỳ nghi ngờ và/hoặc phát hiện nào về trường hợp lạm dụng xảy ra ở trong và/hoặc ngoài trường học liên quan đến bản thân hoặc người khác.

3. XÂM HẠI VÀ BỎ BÊ
Vinschool sử dụng định nghĩa “Xâm hại” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo đó, “Xâm hại bao gồm các hình thức ngược đãi về thể chất và /hoặc cảm xúc, xâm hại tình dục, bỏ bê và bóc lột dẫn đến những tổn hại thực sự hoặc tổn hại tiềm ẩn đối với sức khỏe, sự phát triển hoặc nhân phẩm của trẻ em”. Xâm hại được chia thành 4 nhóm sau:
– Tự làm hại: Tự phá hoại/làm tổn thương bản thân, có ý nghĩ tự tử, tự tử hoặc cố gắng tự tử;
– Xâm hại giữa HS và HS: Bắt nạt về thể chất và/hoặc tâm lý, xâm hại thể chất và/hoặc tình dục;
– Xâm hại bởi người lớn/xâm hại bởi người khác:
• Bạo lực gia đình về mặt thể xác, lời nói, xâm hại thân thể, lạm dụng và bóc lột tình dục;
• Xâm hại hoặc bị xúi giục tự xâm hại bản thân bởi bạn bè/người khác mà không phải là người lớn.
– Xâm hại xuất phát từ xã hội:
• Môi trường xã hội, chính trị, văn hóa và kinh tế bỏ qua hoặc cổ xúy những hành vi bạo lực trẻ em, ví dụ như mặc nhiên áp dụng các hình phạt làm nhục trong việc nuôi dạy con cái, bạo lực truyền thông tràn lan;
• Có xu hướng lặp lại những hành vi và ngôn ngữ tiêu cực khi vui chơi và lúc ở nhà…

Những dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị xâm hại về thể xác:
• Xuất hiện các mảng hói trên đầu, các vết bỏng có thể do nước sôi hoặc do lửa;
• Có dấu hiệu mắt bị bầm tím, thâm quầng, gãy/rạn xương;
• Chấn thương một vài bộ phận trên cơ thể vốn dĩ khó bị tác động, ví dụ như đùi, lưng, bụng;
• Có những vết bỏng trên cơ thể bị gây ra bằng bếp điện, sắt hoặc thuốc lá;
• Mặc quần áo dài che kín người, ngay cả trong suốt mùa hè;
• Từ chối thay đồ trong phòng tập thể dục;
• Sợ hãi khi tiếp xúc về mặt thể chất, ví dụ như co rúm hoặc ngần ngại mỗi khi bị chạm vào người;
• Có những chấn thương không rõ nguyên do hoặc nguyên do không thuyết phục;
• Những dấu hiệu khác như xuất hiện vết cắn hoặc vết thương trên cơ thể một cách không bình thường…

Những dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị xâm hại/lạm dụng về tâm lý/ tình cảm:
• Trì trệ phát triển về mặt thể chất, tâm lý và/hoặc tinh thần;
• Rối loạn ngôn từ một cách đột ngột;
• Phản ứng thái quá với những sai lầm;
• Phản ứng với những nỗi đau một cách không phù hợp;
• Xuất hiện triệu chứng trầm cảm, lo lắng, hoặc xa lánh người khác;
• Hành xử hung hăng hoặc gây rối;
• Sử dụng các chất gây nghiện và đồ uống có cồn;
• Thể hiện hành vi tìm kiếm sự chú ý từ người khác hoặc có những hành vi làm hại (tự làm hại, cố gắng tự tử).

Xâm hại tình dục là thực hiện, hoặc cho phép người khác thực hiện bất kỳ hành vi xâm hại tình dục nào đối với trẻ em. Nó có thể bao gồm hành vi cố ý chạm vào vùng kín như bộ phận sinh dục hoặc vùng ngực của trẻ một cách trực tiếp hoặc thông qua quần áo không vì mục đích vệ sinh hay chăm sóc cho trẻ.

Những dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị xâm hại tình dục:
• Sử dụng kiến thức, hành vi hoặc ngôn ngữ liên quan tới tình dục không phù hợp với lứa tuổi;
• Có mối quan hệ không bình thường giữa các cá nhân hoặc danh giới về mặt thể xác;
• Mang bệnh hoa liễu ở bất kỳ lứa tuổi nào;
• Có bằng chứng về chấn thương về mặt thể xác;
• Gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc ngồi;
• Miễn cưỡng thay đồ trong tiết học thể dục, sợ nhà vệ sinh;
• Không muốn ở một mình với bất kỳ ai;
• Có dấu hiệu mang thai…

Bỏ bê là không cung cấp cho trẻ em những nhu cầu cơ bản trong môi trường của các em.
Bỏ bê có thể là:
• Về thể chất: không cung cấp đồ ăn hoặc chỗ ở cần thiết, hoặc thiếu sự giám sát phù hợp như người lớn không trông nom trẻ một cách thích hợp, bỏ mặc trẻ ở tại nhà trong khoảng thời gian dài …;
• Y tế: không cung cấp điều trị y tế và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ khi cần thiết;
• Tình cảm: không chú ý đến nhu cầu tình cảm của trẻ, không quan tâm về mặt tâm lý, hoặc cho phép trẻ sử dụng đồ uống có cồn hoặc các loại chất gây nghiện khác. Cụ thể như: việc sỉ nhục bằng lời nói, từ chối thừa nhận sự hiện diện của trẻ em, xâm phạm quyền riêng tư của trẻ mà không có lý do cụ thể, đe dọa bạo lực, v.v…

Các dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị bỏ bê:
• Trẻ không được tắm gội hoặc bị bỏ đói;
• PH không quan tâm đến sự phát triển về mặt cảm xúc, xã hội hoặc việc học tập của trẻ;
• PH không phản hồi lại những cuộc trao đổi lặp lại từ phía Nhà trường;
• Trẻ không muốn về nhà;
• Trẻ bị bỏ mặc trong thời gian dài (phù hợp với lứa tuổi) mà không có PH hoặc người giám hộ;
• Không thể liên hệ được với PH trong trường hợp khẩn cấp;
• Nhu cầu về chăm sóc y tế của trẻ không được đáp ứng theo thời gian…

4. BÁO CÁO KHI CÓ NGHI NGỜ VỀ HÀNH VI XÂM HẠI HOẶC BỎ BÊ
Mọi người đều có trách nhiệm báo cáo ngay lập tức cho phòng CTHS khi có nghi ngờ về xâm hại trẻ em.
Khi trẻ tiết lộ với CBNV về bất kỳ hình thức xâm hại nào quy trình áp dụng như sau:
1. CBNV chú ý lắng nghe, trấn an trẻ rằng việc tiết lộ là điều nên làm và đó không phải là lỗi của trẻ;
2. CBNV cần giải thích rằng đó là quyền lợi của trẻ để được bảo mật mọi thông tin trước khi báo cáo được gửi tới phòng CTHS;
3. CBNV báo cáo tới phòng CTHS ngay khi có thể (báo cáo qua biểu mẫu Online hoặc báo cáo trực tiếp nếu HS đang gặp nguy hiểm);

5. QUY TRÌNH XỬ LÝ 
Quá trình xử lý tùy thuộc vào mức độ của từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên các bước thực hiện như sau:

Chi tiết các bước:
Bước 1 – Thu thập thông tin
Phòng CTHS tiếp nhận thông tin vụ việc. UBBVTE tổ chức xác minh thông tin. Tiếp theo sẽ tiến hành các hoạt động một cách bảo mật và ghi lại các thông tin này.
1. Phỏng vấn CBNV liên quan;
2. Thăm dò ý kiến từ những CNBV khác để rà soát lịch sử của trẻ tại trường;
3. Nếu vụ việc được chứng thực, hoàn thiện báo cáo với KHHĐ, sau đó gửi cho BGH Nhà trường để phê duyệt (chuyển sang Bước 2);
4. Nếu vụ việc không được chứng thực, lưu vụ việc vào hồ sơ BVTE của HS và cập nhật thông tin cho người trình báo ban đầu;
5. Báo cáo chi tiết vụ việc tới Điều phối phụ trách BVTE – Cấp hệ thống.

Bước 2: Trao đổi với PH và gia đình
Dựa trên kết quả xác minh, KHHĐ sẽ được BGH Nhà trường phê duyệt để hỗ trợ HS và gia đình.
• UBBVTE (và các phòng ban khác nếu cần thiết) gặp gỡ gia đình, trình bày các mối quan tâm của Nhà trường;
• GV và UBBVTE tiếp tục quan sát trẻ.

Các hành động tiếp theo có thể bao gồm:
• Giới thiệu HS và gia đình đến chuyên gia tư vấn bên ngoài và trình bày thông tin vụ việc cho tư vấn viên;
• Người có hành vi lạm dụng/xâm hại người khác sẽ bị xử lý theo các quy định của Nhà trường/Công ty và hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển tới cơ quan chức năng theo quy định của Công ty.

Bước 3 – Theo dõi
Tiếp tục theo dõi trường hợp báo cáo về xâm hại hoặc bỏ bê trẻ em:
• UBBVTE và GVCN sẽ duy trì liên lạc với HS và gia đình để hỗ trợ và hướng dẫn khi cần thiết;
• UBBVTE và GVCN sẽ duy trì liên lạc với các chuyên gia trị liệu ở bên ngoài (nếu có) để cập nhật sự tiến bộ của HS ở trường.

Tất cả thông tin, tài liệu về sự việc sẽ được UBBVTE lưu giữ một cách bảo mật tuyệt đối. Hồ sơ BVTE chỉ có thể được tiết lộ khi được sự đồng ý của PH, ngoại trừ trường hợp Nhà trường nhận thấy HS đang tiếp tục gặp nguy hiểm. Trong trường hợp này, Vinschool có trách nhiệm thông báo các mối quan ngại về vấn đề an toàn tới các cơ quan liên quan và/hoặc trường học mới của HS vì lợi ích tốt nhất của HS.

HS và PH không có quyền mặc định để xem những hồ sơ BVTE. Các yêu cầu từ HS hoặc PH liên quan tới các hồ sơ này đều phải báo cáo lên HT Nhà trường phê duyệt.

6. SỐ ĐIỆN THOẠI LIÊN LẠC
– HS và CBNV có bất kì quan ngại nào hoặc các vấn đề liên quan tới BVTE có thể liên hệ số điện thoại đường dây nóng của phòng CTHS Nhà trường;
– Ngoài ra, bất kỳ ai cũng có thể liên hệ tới số điện thoại được treo trên tường ở các khu vực chung bao gồm khu vực nhà vệ sinh để chia sẻ mối quan tâm của mình liên quan đến BVTE và Nhà trường đảm bảo các thông tin luôn được bảo mật.