fbpx

Chúc mừng 4 Vinsers đạt giải Nhì và giải Ba cuộc thi Nuôi tinh thể – Ươm mầm Khoa học Việt Nam 2018 của Đại học Sư phạm Hà Nội

Thứ Tư, 26/06/2019, 23:06 (GMT+7)

Đến với cuộc thi “Nuôi tinh thể - Ươm mầm Khoa học 2018”, hai đội thi gồm 4 học sinh của lớp 7A18, trường THCS Vinschool Times City đã giành được những giải thưởng rất đáng tự hào. Thông qua những sản phẩm dự thi của mình, các em đã gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường biển, giữ gìn hành tinh xanh.

CUỘC THI “NUÔI TINH THỂ – ƯƠM MẦM KHOA HỌC VIỆT NAM”

Nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Nuôi tinh thể Quốc tế” do Hiệp hội Tinh thể học Quốc tế (IUCr) khởi xướng, cuộc thi “Nuôi tinh thể – Ươm mầm Khoa học Việt Nam” được tổ chức bởi Khoa Hóa học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với mục đích khơi dậy niềm đam mê khoa học ở các em học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm – sáng tạo. Tham gia cuộc thi, các đội có thể lựa chọn nộp tinh thể tự nuôi hoặc video clip tự làm có nội dung liên quan đến quá trình kết tinh hay nuôi tinh thể.

NHỮNG KẾT QUẢ ẤN TƯỢNG CỦA VINSERS

2 đội thi của Vinschool đều tham gia cuộc thi dưới hình thức nộp video clip. Sản phẩm video clip của đội Lê Anh Thư và Đỗ Phương Nhi đã giành giải Nhì (video clip thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh), còn của đội Văn Quỳnh Phương và Nguyễn Ngọc Linh đã xuất sắc giành được giải Ba (trước đó, với những viên tinh thể tự nuôi, Quỳnh Phương và Ngọc Linh cũng giành được giải Ba cuộc thi Dự án Sáng tạo – Innovation Challenge 2019 của Vinschool).

cuộc thi nuôi tinh thể
Đỗ Phương Nhi và Lê Anh Thư (bên trái), Văn Quỳnh Phương và Nguyễn Ngọc Linh (bên phải) – Các em đang vinh dự cầm trên tay cúp và giấy chứng nhận đạt giải từ Ban Tổ chức cuộc thi.

VƯỢT QUA QUÁ TRÌNH RÈN LUYỆN KHÔNG ÍT KHÓ KHĂN

Các em đã trình bày một cách cụ thể, sinh động về quá trình nuôi tinh thể đồng sunfat, từ nguyên liệu chuẩn bị, các bước tiến hành đến những điểm cần lưu ý khi nuôi tinh thể… Tuy có nhiều khó khăn khi thực hiện sản phẩm này bởi việc nuôi tinh thể luôn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, đặc biệt là tính kiên trì, nhưng các em vẫn không bỏ cuộc. Và thành quả mà các em nhận được không chỉ là giải thưởng, mà quan trọng hơn, đó còn là những kiến thức, kỹ năng bổ ích các em được tích lũy, rèn luyện.

Phương Nhi chia sẻ: “Quá trình nuôi tinh thể và tham gia cuộc thi đã mang đến cho chúng con rất nhiều kiến thức bổ ích. Chúng con biết được rằng nhiệt độ nước, độ bão hòa, độ ẩm không khí hay không gian đặt nuôi là những yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến sự kết tinh của tinh thể. Ngoài ra, chúng con cũng được rèn luyện về sự khéo léo, tỉ mỉ và tính sáng tạo của mình”.

HÃY CÓ Ý THỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN, GIỮ GÌN MÀU XANH CHO ĐẠI DƯƠNG BAO LA

Không chỉ dừng lại ở những kiến thức về tinh thể nói riêng, về Hóa học nói chung, thông qua video clip này, các em còn giới thiệu mô hình đại dương thu nhỏ được làm từ tinh thể tự nuôi và đồ tái chế, từ đó gửi gắm thông điệp rất ý nghĩa: Hãy có ý thức bảo vệ môi trường biển, giữ gìn màu xanh cho đại dương bao la – giống như màu xanh của những tinh thể đồng sunfat.

Là người giới thiệu cuộc thi tới các em, cũng là người luôn đồng hành, hỗ trợ trong suốt quá trình các em tham gia cuộc thi, cô Ma Thị Cẩm Vân – Giáo viên Hóa học trường THCS Vinschool Times City – không khỏi hạnh phúc với kết quả của những cô học trò nhỏ: “Nhìn những viên tinh thể lấp lánh, rất nhiều bạn sẽ có ý định nuôi chúng, tuy nhiên nếu phải dành ra 3 tháng ròng rã để “chăm sóc” chúng thì không phải ai cũng có đủ kiên trì. Nhưng tôi luôn thấy ở các em học sinh của mình sự chăm chỉ, kiên trì và sáng tạo. Các em rất xứng đáng với giải thưởng mà mình đã nhận được”.