fbpx

Trí tuệ nhân tạo đang tái định nghĩa giáo dục?

Thứ Tư, 26/04/2023, 16:04 (GMT+7)

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine-learning) và gần đây nhất là sự ra đời của chat GPT sẽ tác động đến ngành giáo dục và hỗ trợ giáo viên và học sinh trong việc dạy và học  như thế nào? Và các nhà giáo dục cần chuẩn bị sẵn sàng như thế nào trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nhiều của AI?

Đó là các vấn đề chính được các diễn giả thảo luận tại Hội thảo: “Trí tuệ nhân tạo đang tái định nghĩa giáo dục?” được Hệ thống giáo dục Vinschool tổ chức vào ngày 22/4 vừa qua. Hội thảo với các diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo và các nhà lãnh đạo giáo dục đã thu hút sự tham gia của gần một nghìn giáo viên, các nhà quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh, và những người quan tâm đến giáo dục nói chung với cả 2 hình thức tham dự trực tiếp và trực tuyến. 

Hàng nghìn người quan tâm đã tham dự hội thảo trên cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến

Mang đến cho Giáo viên, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục và những người quan tâm đến những xu hướng mới trong giáo dục một cái nhìn tổng quát về trí tuệ nhân tạo và các nguyên lý hoạt động của hệ thống AI, TS. Đặng Trần Thái, Trưởng Phòng Xử lý ngôn ngữ Tự nhiên, VinBigData đã chỉ ra rằng, với nguyên tắc hoạt động dựa trên dữ liệu và khả năng xử lý dữ liệu khối lượng lớn trong khoảng thời gian tối thiểu, AI có thể  tác động đến giáo dục bằng cách cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác cho người dùng, giúp họ tìm kiếm và học hỏi thêm kiến thức mới. 

TS. Đặng Trần Thái từ VinBigData chia sẻ về những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của một hệ thống AI 

Cụ thể hơn, thầy Daniel Ruelle, Giám đốc Trung tâm Học tập Xuất sắc, Đại học VinUni đã chỉ các các lợi ích của AI đối với giáo viên trong việc giúp giảm tải nhiều khối lượng công việc bao gồm xây dựng các nội dung giảng dạy như câu hỏi, bài tập thực hành, đề cương bài giảng; mang lại các trải nghiệm học tập cá nhân hóa dựa trên nhu cầu và phong cách học tập của từng học sinh; thiết lập hệ thống gia sư thông minh, cung cấp phản hồi và hướng dẫn mang tính cá nhân hóa và tự động hóa quá trình chấm điểm và đánh giá dựa trên các thuật toán học máy. 

Thầy Daniel Ruelle – Giám đốc Trung tâm Học tập Xuất sắc, Đại học VinUni trình bày tại Hội thảo

Không chỉ hữu ích đối với công việc của giáo viên, TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đã chỉ ra rằng, đối với học sinh, AI cũng mang lại nhiều lợi ích bao gồm trong việc cá nhân hóa lộ trình học tập, nâng cao trải nghiệm của học sinh; giúp học sinh giải quyết vấn đề, tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng và kịp thời; giúp học sinh hoàn thành tốt các bài thi chuẩn hóa; hỗ trợ học sinh trong việc sáng tạo nội dung, đưa ra những ý tưởng mới và định hướng nghề nghiệp cho học sinh dựa trên hiểu biết chi tiết về từng học sinh.

 TS. Lê Anh Vinh đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày tại Hội thảo

AI có thay thế vai trò của giáo viên?

Với những lợi thế như trên, tuy nhiên, các chuyên gia tại Hội thảo đồng thuận rằng AI không thể thay thế vai trò của giáo viên, mà công nghệ này bổ sung, hỗ trợ đắc lực cho giáo viên – qua đó, mang lại sự phát triển và những bước tiến mới trong giáo dục.

Chúng ta không nên sợ chat GPT. Nhiệm vụ của giáo dục là sử dụng Chat GPT một cách hiệu quả và hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực” TS. Lê Kim Long, Nguyên Hiệu trưởng, Đại học Giáo dục chia sẻ tại Hội thảo.  

Việc AI có thể đảm nhiệm, hỗ trợ các công việc thường xuyên như ở trên đòi hỏi giáo viên có năng lực tự học, liên tục cập nhật, phát triển bản thân, cải tiến phương thức giảng dạy so cách thức truyền thống để đảm nhiệm những vai trò giáo dục – đào tạo mà AI không thể thay thế được.

Vai trò của người giáo viên giờ đây không nên đặt nặng việc truyền tải kiến thức, nội dung đơn thuần – những việc mà AI có thể thay thế và làm tốt hơn – mà người giáo viên cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo; đào tạo học sinh các kỹ năng mềm, các kỹ năng liên quan đến năng lực cảm xúc – những vai trò và trách nhiệm mà AI không bao giờ thay thế được.  

Về phía người làm Chương trình, các nhà quản lý giáo dục: cần có sự thay đổi phân bổ các cấu phần học, giảm tải việc truyền tải kiến thức, nội dung, tăng cường các cấu phần kỹ năng thế kỷ 21 bao gồm tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, khả năng linh hoạt, trình độ công nghệ .v.v.

Chuẩn bị cho học sinh như thế nào trong thời đại trí tuệ nhân tạo?

Việc cập nhật các nội dung giảng dạy để đào tạo học sinh trở thành những công dân số thực thụ, khai thác được lợi ích của AI và nhận diện được những nguy cơ, các quan ngại về mặt đạo đức cũng là những vấn đề chính được bà Phan Hà Thủy, Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Vinschool đặt ra tại Hội thảo. 

Khi đó, chúng ta sẽ giúp học sinh có được Trí thông minh tăng cường – Intelligence Augmentation (IA), bà Thủy nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho việc giáo viên và học sinh có thể tối ưu hóa những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại trong việc học và dạy học, Hệ thống giáo dục Vinschool đã có khung chương trình Cộng tác giữa con người và AI, bao gồm việc đưa ra cách tiếp cận giáo dục mới hướng đến tương lai Trí thông minh Tăng cường, Giáo dục theo chuẩn đầu ra nhấn mạnh các kỹ năng và năng lực theo hướng Trí thông minh Tăng cường; và Chuẩn bị cho học sinh thành công trong thế giới nơi con người và máy móc cộng tác để tạo ra những thành tựu vượt trội.  

Trong đó, kỹ năng phản biện cho học sinh càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong thời đại AI, bà Thủy nhấn mạnh. Học sinh cần phát triển tư duy phản biện để có khả năng đánh giá, chọn lọc những phản hồi từ công cụ AI, phát triển thói quen kiểm chứng độ chính xác và tin cậy của thông tin, và cân nhắc những giới hạn của công cụ này.