fbpx

Những lợi ích khi cho trẻ chơi với những chiếc hộp giác quan

Thứ Năm, 29/09/2022, 16:09 (GMT+7)

Chiếc hộp giác quan (Sensory bins) là một công cụ giúp trẻ tìm tòi và học hỏi thông qua những trò chơi giác quan. Tại các trường Mầm non Vinschool, các hoạt động với chiếc hộp giác quan được áp dụng linh hoạt trong các giờ khám phá Khoa học, Nghệ thuật ngôn ngữ, Trung tâm học tập và hoạt động tập thể khác… Nguyên liệu của hộp cũng thường xuyên được thay đổi đa dạng tùy thuộc vào các mục tiêu học tập và bài giảng môn học.

Đây là phương pháp học tập thông qua vui chơi với nhiều lợi ích, mang lại cho trẻ cơ hội học về những chủ đề khác nhau (sự phong phú của môi trường sống, thế giới động thực vật, các ngày lễ hội…), trẻ được thỏa sức khám phá với vô vàn màu sắc, cảm nhận và thăm dò các chất liệu đa dạng,… Công cụ tuyệt vời này dành cho trẻ Mầm non từ 1 tuổi trở lên, được làm từ những nguyên liệu đơn giản mà cha mẹ hoàn toàn có thể tự làm tại nhà cho các con.

Cô giáo sử dụng những thùng kín để trẻ thăm dò, phán đoán, phát triển trí tưởng tượng và tạo thêm yếu tố bất ngờ

1. Những lợi ích tuyệt vời của những chiếc hộp giác quan bao gồm

  • Cơ hội khám phá giác quan: Kích thích nhiều giác quan của trẻ cùng một lúc (Ví dụ một hộp giác quan đựng gạo khô, mì ống, nước và xà phòng… kích thích cả xúc giác, thị giác, thính giác và khứu giác của trẻ)
  • Phát triển kỹ năng vận động tinh: thông qua việc trẻ sử dụng các nhóm cơ nhỏ của bàn tay, các ngón tay, cổ tay để khuấy, xúc, đào, đổ và sử dụng các công cụ đồ chơi.
  • Kỹ năng tương tác xã hội: được phát triển thông qua việc các trẻ chơi cùng với nhau, chơi theo nhóm, luân phiên, trẻ học được kỹ năng giao tiếp và hợp tác với mọi người xung quanh.
  • Phát triển nhận thức: thông qua việc tìm tòi, khám phá và phân loại đồ vật được giấu trong thùng, theo kích thước, chủng loại, màu sắc… hoặc đặt các hình số, chữ cái vào trong hộp cũng giúp trẻ học nhận biết chữ số, kỹ năng đếm, đánh vần…
  • Phát triển ngôn ngữ: trò chuyện, đặt câu hỏi và mở rộng kiến thức trong lúc chơi chính là cách phát triển ngôn ngữ và vốn từ cho trẻ.
  • Hoạt động thư giãn: Các hoạt động giác quan luôn là những trò chơi giúp trẻ bình tĩnh, giảm căng thẳng và học cách chơi độc lập.
Cô giáo sử dụng những thùng kín để trẻ thăm dò, phán đoán, phát triển trí tưởng tượng và tạo thêm yếu tố bất ngờ

2. Các mẫu hộp giác quan tham khảo

Cha mẹ có thể làm những chiếc hộp giác quan từ những nguyên liệu đơn giản như gạo, đậu đỗ, cát, mì ống, nước… kết hợp với những đồ chơi có sẵn trong nhà (hột hạt, các con vật, biểu tượng…) và dụng cụ đồ chơi ( thìa, bát, phễu…).

Những chiếc hộp giác quan gắn liền với những bài học cuộc sống mà cha mẹ có thể tham khảo trong các video dưới đây như Trồng cây trong chiếc hộp giác quan, Làm sạch vùng biển với hộp giác quan, Học về Trái đất cùng đậu gà

Các hoạt động với chiếc hộp giác quan cần lưu ý sử dụng các nguyên liệu an toàn và phù hợp với lứa tuổi. Tại Mầm non Vinschool, những giờ học này luôn đi kèm với những quy định rõ ràng cần được lưu ý với trẻ trước khi chơi, và luôn có sự giám sát chặt chẽ từ phía thầy cô giáo. Chiếc hộp giác quan chính là công cụ tuyệt vời giúp tạo hứng thú trong các giờ học, gây bất ngờ và kích thích trí tò mò của trẻ, giúp trẻ sử dụng tốt nhất các giác quan của mình, đồng thời trẻ được thực hành việc đưa ra phán đoán, cũng như phát triển tư duy và ngôn ngữ sớm trong những năm đầu đời.

Nguồn tham khảo: Salus University – Occupational Therapy Institute & Happy Toddler Playtime