fbpx

Những điều cha mẹ cần lưu ý để giúp trẻ an toàn trên môi trường số

Thứ Tư, 19/04/2023, 15:04 (GMT+7)

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc trẻ em dễ dàng và thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử đã đặt ra cho các bậc Phụ huynh nhiều băn khoăn như: Thời lượng nên cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử là bao nhiêu? Làm sao để quản lý nội dung trẻ tiếp xúc trên không gian số? Cách giúp con sử dụng thiết bị điện tử lành mạnh và bổ ích? Cùng Vinschool tìm hiểu những cách cha mẹ có thể đảm bảo an toàn cho con trên môi trường số trong bài viết dưới đây.

1. Các tác động tích cực và tiêu cực khi trẻ sử dụng thiết bị điện tử? 

1.1. Tác động tích cực 

Việc học và thành thạo cách sử dụng các thiết bị điện tử ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ: 

  • Có những trải nghiệm vui chơi, giáo dục mới mẻ và phong phú 
  • Học được các kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề thông qua các trò chơi rèn luyện thử thách trí thông minh…
  • Làm quen và tìm hiểu về công nghệ ngay trong độ tuổi phát triển toàn diện về mọi mặt
  • Tiếp cận nguồn kiến thức khổng lồ trên internet, kích thích tò mò, ham học hỏi và thúc đẩy những phẩm chất cốt lõi của một công dân toàn cầu.
Học sinh Mầm non Vinschool tự tin tương tác với smartboard trong các bài thuyết trình

1.2. Tác động tiêu cực 

Việc trẻ tập trung vào thiết bị di động trong một thời gian quá lâu có thể dẫn đến một số vấn đề như: 

  • Mỏi mắt, mỏi cơ, về lâu dài dễ dẫn đến một số tật khúc xạ và cơ xương khớp ở trẻ. 
  • Giảm khả năng học hỏi từ thế giới thực tế, hạn chế khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ. 
  • Ánh sáng xanh từ màn hình có khả năng gây ức chế melatonin, khiến trẻ ngủ ngắn hơn và không sâu giấc. 
  • “Nghiện điện thoại/TV/máy tính bảng”, thậm chí phản kháng cha mẹ khi bị yêu cầu giảm thời lượng sử dụng một cách đột ngột. 

Bên cạnh đó, nội dung về hành động kinh dị hay bạo lực không được kiểm duyệt chặt chẽ cũng là một mối lo ngại khi trẻ: 

  • Bắt chước và và gây nguy hiểm cho bản thân hay mọi người xung quanh. 
  • Hình thành những thói quen, tính cách và tư duy sai lệch nếu không được nhắc nhở kịp thời.

2. Những gợi ý giúp Phụ huynh quản lý thời lượng sử dụng thiết bị điện tử của trẻ

2.1. Quy định giờ giấc và cho trẻ quyền lựa chọn thời gian, phương thức sử dụng thiết bị điện tử

Theo khuyến nghị của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ: 

  • Trẻ dưới 18 tháng tuổi: tránh tiếp xúc với màn hình các thiết bị điện tử, có thể trò chuyện qua video call nhưng với thời lượng ngắn. 
  • Từ 18 tháng – 2 tuổi: trẻ có thể bắt đầu tiếp xúc với thiết bị điện tử, nên giới hạn thời lượng sử dụng dưới 1 tiếng/ ngày với lựa chọn nội dung kỹ càng.
  • Từ 2-5 tuổi: tối đa 1 tiếng/ ngày, cần định hướng, lựa chọn cho trẻ những nội dung hữu ích, mang tính giáo dục cao đồng thời thường xuyên trao đổi, trò chuyện về những gì trẻ đã xem.

Một số điều cha mẹ cần lưu  ý khi đặt quy định về thời lượng sử dụng: 

  • Đặt ra những quy định đơn giản để trẻ dễ dàng nhớ và thực hiện
  • Trao đổi và làm rõ với trẻ các vấn đề như: quy định về thời gian, nơi trẻ có thể dùng thiết bị điện tử, những chương trình, trò chơi có thể xem, v.v.
  • Thống nhất với trẻ về hình phạt khi không làm theo quy định, ví dụ: không dùng máy tính bảng trong 1 ngày nếu con không xin phép trước khi sử dụng. 
Với chủ điểm “Bé an toàn và vui vẻ trên môi trường số” trong Dự án Global Kid Challenge triển khai tại Mầm non Vinschool, Học sinh được học cách sử dụng đúng và phù hợp các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, máy tính bảng, laptop…

2.2. Rèn luyện thói quen và tìm phương án chuyển đổi hoạt động khi trẻ “nghiện thiết bị điện tử”

  • Đặt ra một khung giờ cố định trong ngày mà trẻ có thể sử dụng thiết bị điện tử.
  • Thống nhất thời gian trẻ được sử dụng ngay trước khi bắt đầu.
  • Đặt giới hạn theo thói quen tự nhiên (giờ tắm, giờ ăn,..).
  • Nhắc nhở và cho trẻ một vài phút để sẵn sàng dừng sử dụng trước khi hết giờ.

2.3. Cùng con thực hiện các hoạt động khác

Một số hoạt động cha mẹ có thể cùng trẻ làm để tách trẻ khỏi các thiết bị điện tử: 

  • Dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn
  • Cùng sửa một số món đồ hỏng
  • Tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời như chạy bộ, đá bóng,…
  • Tập các bài tập nhẹ nhàng trong nhà như yoga, nhảy dây, chạy tại chỗ,..

Gợi ý để trẻ thực hiện các hoạt động khác như đọc truyện, chơi thể thao, giúp đỡ bố mẹ việc nhà đơn giản để hạn chế thời gian trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên trực tiếp trở thành tấm gương cho trẻ bằng cách hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước mặt trẻ khi không cần thiết.

3. Quản lý nội dung trẻ tiếp xúc trên thiết bị điện tử 

Để kiểm soát nội dung trẻ tiếp xúc trên thiết bị điện tử, cha mẹ có thể sử dụng một số biện pháp như: 

  • Bật chế độ Kiểm soát của phụ huynh (parental control), chế độ trẻ em để dễ dàng quản lý các nội dung.
  • Dành thời gian tìm kiếm, xem trước và đánh giá các nội dung trẻ yêu thích/có thể tiếp xúc.
  • Sắp xếp các ứng dụng/trò chơi/video vào thư mục/danh sách phát dành riêng cho trẻ. 
  • Khuyến khích con sử dụng thiết bị công nghệ để học tập thông qua các ứng dụng học tập bổ ích, được kiểm định chất lượng
Vinschool đã áp dụng một số ứng dụng như LMS, RazKid v.v để Phụ huynh có thể cùng con học tập trên các thiết bị công nghệ

Ngoài ra, cha mẹ cần giáo dục trẻ về các nội dung tốt/không tốt và đặt ra một số quy định, ví dụ: 

  • Chỉ truy cập vào thư mục/danh sách phát cha mẹ đã tạo riêng. 
  • Thông báo với cha mẹ hoặc người lớn khi nhìn thấy những nội dung xấu/chưa từng xem qua
  • Không bấm vào liên kết hay hình ảnh quảng cáo đột ngột hiện lên màn hình