fbpx

Năng lực tự phục hồi – Liều vắc xin hiệu nghiệm trước xã hội biến động

Thứ Tư, 01/06/2022, 10:06 (GMT+7)

Theo nghiên cứu “Khoa học về Khả năng phục hồi” bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trẻ em của Đại học Harvard: “Khả năng phục hồi (Resilience) là quá trình thích ứng lành mạnh khi đối mặt với nghịch cảnh, chấn thương, biến cố, các mối đe dọa hoặc nguồn căng thẳng”. Khả năng tự phục hồi lý giải được lý do vì sao một số người vượt qua được biến cố trong cuộc sống một cách dễ dàng dù gặp nhiều chấn thương về tinh thần, họ vẫn có khả năng thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống và những tình huống khó khăn.

Trên hành trình sống, có rất nhiều tình huống thử thách không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, vì vậy, việc rèn luyện cho trẻ khả năng tự phục hồi là một hành trang vô cùng quan trọng giống như “vắc xin” trước những khó khăn của tương lai, để trẻ có thể vững vàng trở thành một người lớn thành công và hạnh phúc.

1.Khả năng tự phục hồi dưới góc nhìn khoa học

Nghiên cứu “Khoa học về Khả năng phục hồi” bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trẻ em đã đưa ra một cách nhìn dễ hiểu hơn về năng lực này: Hình dung một cán cân thăng bằng với hai cán cân – một bên là “Các yếu tố tích cực” và một bên là “Các yếu tố tiêu cực” trong cuộc sống. Trong đó, những trải nghiệm có thể dẫn đến căng thẳng độc hại như bạo lực, nghèo đói hoặc ngược đãi, bỏ bê, lạm dụng… nằm ở phía “Yếu tố tiêu cực”. Còn những ảnh hưởng tích cực có thể giúp giảm căng thẳng đáng kể, như các mối quan hệ hỗ trợ, cơ hội xây dựng kỹ năng sống và việc thực hành đối mặt với những khó khăn… nằm ở cán cân “Yếu tố tích cực”.

Vì vậy, khả năng phục hồi được thể hiện rõ khi cán cân nghiêng về phía “Các yếu tố tích cực” – ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Hiểu được tất cả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực này là rất quan trọng trong việc đề ra các chiến lược hiệu quả, để cán cân nghiêng về xu hướng tích cực, từ đó thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của trẻ khi đối mặt với những bất lợi trong cuộc sống.
Nghiên cứu cũng khẳng định rằng, khả năng phục hồi không phải là một đặc điểm tính cách mà chỉ một số người mới có, mà là năng lực bất kỳ ai cũng có thể học hỏi và phát triển. Vì vậy, cha mẹ hoàn toàn có thể đồng hành giúp con rèn luyện khả năng tự phục hồi để biết tự điều chỉnh trước những vấn đề xảy ra trong cuộc sống, có sự linh hoạt và tiếp tục kiên trì khi mọi thứ không theo ý mình.

Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để dịch chuyển cán cân này nghiêng về phía “Yếu tố tích cực”, để trẻ có khả năng tự phục hồi tốt hơn?

2.Các yếu tố tích cực giúp xây dựng năng lực tự phục hồi cho trẻ.

Có một hiểu lầm phổ biến là: Chúng ta sẽ phát triển năng lực phục hồi thông qua việc thất bại nhiều lần, để trở nên “chai sạn” hơn trước những khó khăn. Trên thực tế, đó chưa phải là khả năng phục hồi lành mạnh, thậm chí có thể đè nén sự tiêu cực gây ra những vấn đề về sức khỏe tinh thần sau này.

Để có được khả năng tự phục hồi lành mạnh, trẻ cần học cách trải qua những thất bại một cách thành công, và chuyển hóa được những thất bại thành bài học cuộc sống. Khi được hỗ trợ để đứng dậy và bước tiếp, trẻ hiểu được rằng mình hoàn toàn có thể vượt qua nghịch cảnh. Còn khi không có những sự hỗ trợ, thì những thất bại có thể chỉ khiến trẻ tin rằng mình là “người thất bại” mà thôi.
Nghiên cứu đã xác định 4 yếu tố giúp cán cân nghiêng về phía “Các yếu tố tích cực” bao gồm:

(1) Mối quan hệ hỗ trợ, gắn bó giữa người lớn và trẻ là điều quan trọng hàng đầu
Nghiên cứu trên những trẻ có thể vượt lên sau nghịch cảnh dù gặp rất nhiều khó khăn, phát hiện ra rằng những trẻ này có ít nhất một mối quan hệ ổn định và quan tâm sâu sắc tới trẻ – có thể là cha mẹ, giáo viên, ông bà, thậm chí là hàng xóm – những người luôn tin tưởng và là nguồn động viên để trẻ có thể vươn lên, nơi trẻ cảm thấy được yêu thương và quý trọng. Trẻ sử dụng nguồn năng lượng tuyệt vời đó để xây dựng lại cuộc sống của mình, để hình thành ý thức về giá trị và tiềm năng của bản thân, từ đó có thể tự động viên mình vào những giai đoạn khó khăn. Khi cảm thấy an toàn vì có người hỗ trợ, trẻ sẽ phát triển một hệ thần kinh “ít báo động” hơn, từ đó dễ phục hồi hơn sau những biến cố.

(2) Giúp trẻ xây dựng ý thức tự chủ
Tự chủ hoàn cảnh cuộc sống của mình có nghĩa là tin tưởng vào năng lực bản thân, rằng mình có thể vượt qua được khó khăn và định hướng lại cuộc sống của chính mình. Một người có ý thức làm chủ hoàn cảnh sống sẽ có khả năng thích ứng tích cực với nghịch cảnh hơn rất nhiều. Để xây dựng được điều này, cha mẹ nên sử dụng phương pháp giàn giáo (scaffolding). Phương pháp này có nghĩa là bước đầu xây dựng một chiếc “giàn giáo” thông qua hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho trẻ, sau đó gỡ bỏ giàn giáo thông qua việc giảm dần sự hỗ trợ để dần trẻ tự chủ hơn.

Ví dụ, để giáo dục trẻ khả năng tự chủ giải quyết vấn đề: Thay vì luôn đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề thay cho con, thì người chăm sóc cần hỗ trợ trẻ suy nghĩ về những giải pháp khả thi. Bản thân cha mẹ/người chăm sóc trẻ cũng cần luyện tập quản trị sự lo lắng của bản thân, để không “xiêu lòng” mỗi khi trẻ “cầu cứu”, mà giữ được sự điềm tĩnh để hướng dẫn trẻ từng bước, với tình yêu thương đi kèm kỷ luật tích cực.

Mục tiêu của giáo dục tự chủ là không chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt (tác dụng ngắn hạn), mà là hỗ trợ trẻ bằng cách cùng đưa ra những phương án dự phòng, để có thể xử lý thành công nhiều thử thách khác (tác dụng dài hạn). Dần dần, trong tương lai, trẻ sẽ tự tin hơn khi gặp phải rào cản, bởi vì trẻ tin rằng mình có khả năng giải quyết những vấn đề đó.

(3) Trau dồi kỹ năng sống, giúp trẻ có năng lực thích ứng và tự điều chỉnh
Bộ kỹ năng sống sẽ là “công cụ” giúp trẻ quản lý hành vi và cảm xúc của chính mình, đồng thời tự phát triển được chiến lược thích ứng để đối phó hiệu quả với hoàn cảnh khó khăn.

  • Bộ kỹ năng sống chính là các kỹ năng Cảm xúc Xã hội, kỹ năng trau dồi Trí tuệ cảm xúc, giúp trẻ nhìn nhận sự việc một cách khách quan nhất và xây dựng các năng lực cần thiết để quản trị căng thẳng.
  • Cụ thể hơn, năng lực quản trị căng thẳng bao gồm: khả năng tập trung, kỹ năng giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, thích nghi với hoàn cảnh mới, điều chỉnh hành vi và làm chủ tình thế…
  • Ngoài ra, nghiên cứu khoa học này cũng đề cập đến nhiều hoạt động và kỹ năng mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe, góp phần đáng kể trong việc phục hồi sau những trải nghiệm căng thẳng. Ví dụ như tập thể dục thường xuyên, thực hành các bài tập giảm căng thẳng (như tập thiền) ở mọi lứa tuổi có thể thay đổi cấu trúc và chức năng của não, đồng thời làm giảm sự biểu hiện của các gen “tiêu cực”, giúp xây dựng khả năng tổ chức và làm chủ tình thế, linh hoạt trong nhận thức và chức năng điều hành não bộ.

Cần lưu ý rằng cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển khả năng điều tiết cảm xúc bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, cha mẹ luôn ghi nhớ điều quan trọng ban đầu trong chiến lược nuôi dạy con cái, đó là đón nhận và cho phép tất cả cảm xúc của trẻ, ngay cả khi cảm xúc mà con bộc lộ dẫn đến những hành vi cần phải điều chỉnh.

(4) Yếu tố môi trường: truyền thống văn hóa và đức tin cũng đóng vai trò làm nền tảng cho niềm hy vọng và sự ổn định.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, những trẻ có nền tảng vững chắc trong các truyền thống, đức tin sẽ có nhiều khả năng phản ứng hiệu quả hơn khi bị thách thức bởi một tác nhân gây căng thẳng hoặc trải nghiệm gây xáo trộn nghiêm trọng. Yếu tố này không nhất thiết là những thực hành tâm linh hay tôn giáo, mà có thể chỉ đơn giản là những sự tìm kiếm và thấu hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của cuộc sống. Yếu tố môi trường giúp trẻ:

  • Có thể chấp nhận những gì mình không thể thay đổi, trong khi tiếp tục nỗ lực để thay đổi những gì mình có thể;
  • Một chiếc “la bàn bên trong” để chỉ dẫn sự thấu hiểu về ý nghĩa và mục đích sâu sắc của cuộc sống;
  • Có khả năng biết nhìn nhận cả những mặt tích cực của một vấn đề tiêu cực.

Mặc dù trẻ nhỏ thường xuyên trải qua mọi cảm xúc hàng ngày, bao gồm cả những cảm xúc tiêu cực, nhưng khi có năng lực tự phục hồi, trẻ có thể “đứng lên sau vấp ngã” nhanh hơn sau những trải nghiệm khó khăn. Khả năng phục hồi chính là năng lực học hỏi từ những vấn đề trong cuộc sống, xem đó là những bài học về bản thân và thế giới, biết cách tự động viên bản thân mình, từ đó xây dựng được sự tự tin và trở nên vững vàng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện này có nhiều sự thay đổi liên tục, đòi hỏi mỗi cá nhân xây dựng năng lực tự phục hồi từ rất sớm.

Nguồn tham khảo: The Science of Resilience (Center on the Developing Child) & Aha Parenting.