Để các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về kết quả triển khai chương trình Kỹ năng thế kỷ 21, cụ thể là các học sinh đã được rèn luyện và yêu thích kỹ năng nào, Hội thảo về chương trình đã được diễn ra vào sáng thứ Bảy (12/05) tại trường Phổ thông Liên cấp Vinschool Times City ở các lớp khối 6, 7 và khối 8. Điều đặc biệt là, người dẫn dắt và điều phối tất cả các hoạt động và đặt ra hàng loạt các “thử thách cho Phụ huynh” chính là các Vinser.

"/>

Khi cha mẹ vượt qua những thử thách của chính các Vinsers

Thứ Năm, 17/05/2018, 16:05 (GMT+7)

Để các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về kết quả triển khai chương trình Kỹ năng thế kỷ 21, cụ thể là các học sinh đã được rèn luyện và yêu thích kỹ năng nào, Hội thảo về chương trình đã được diễn ra vào sáng thứ Bảy (12/05) tại trường Phổ thông Liên cấp Vinschool Times City ở các lớp khối 6, 7 và khối 8. Điều đặc biệt là, người dẫn dắt và điều phối tất cả các hoạt động và đặt ra hàng loạt các “thử thách cho Phụ huynh” chính là các Vinser.

Đến với Hội thảo, phụ huynh không phải chỉ ngồi nghe báo cáo như các chương trình thông thường, mà liên tục được trải nghiệm những hoạt động đa dạng, mỗi hoạt động cần vận dụng một kỹ năng cụ thể. Với Kỹ năng “Đặt câu hỏi đúng trọng tâm”, phụ huynh cần thực hành công cụ 5W1H (Bộ câu hỏi Who – Ai, When- Khi nào, Where- Ở đâu, Why- Tại sao, What- Cái gì, How- Như thế nào) để tìm ra được sự kiện mà người điều phối (học sinh) đang nghĩ đến. Với thử thách tiếp theo có tên “Truy tìm kho báu”, các phụ huynh cần áp dụng kỹ năng “Tạo nhóm hiệu quả” để trả lời các câu hỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau (Chính trị, Văn học, tiếng Anh…).


Các phụ huynh ở các lớp khác nhau hào hứng lập đội cho thử thách “Truy tìm kho báu”

Còn với Kỹ năng “Quan sát”, các em học sinh đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm để phụ huynh ứng dụng khả năng quan sát và suy luận của mình. Trải nghiệm này đã để lại nhiều suy ngẫm cho Phụ huynh. Chị Đặng Thị Thu Hương (PHHS lớp 6A11), một người đang công tác trong ngành giáo dục, chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với kỹ năng này, qua đây tôi càng hiểu sâu sắc hơn và cũng muốn gửi đến mọi người thông điệp về việc chúng ta đừng vội đánh giá qua vẻ bề ngoài, bởi những gì chúng ta nhìn thấy có thể chưa phản ánh thực sự bản chất. Ví dụ có bạn học sinh ít nói nhưng tư duy tốt, có bạn học sinh trông nhỏ bé nhưng rất dũng cảm. Tôi nghĩ mỗi bạn nhỏ đều có khả năng tiềm ẩn, nên chúng ta những người làm thầy cô hay cha mẹ, hoặc chính các con khi chơi với nhau cần tìm hiểu kỹ hơn trước khi đưa ra kết luận về một con người.”


Học sinh đưa ra thử thách cho các phụ huynh vận dụng kỹ năng “Quan sát”

Việc chính học sinh chủ trì hội thảo đã để lại ấn tượng mạnh với cả phụ huynh và học sinh. Anh Đỗ Quang Dũng (PHHS lớp 8A5) cho biết: “Tôi cho rằng qua chương trình này các con đã vững vàng hơn về kỹ năng, từ lý thuyết đến thực hành. Rõ ràng để hoàn thành được nhiệm vụ, các con phải biết làm việc nhóm, lắng nghe, phản hồi… hiệu quả, nhất là khi phải phối hợp với các bạn khác lớp.”

Là một thành viên Ban tổ chức, em Lê Đức Anh (lớp 7A26) khẳng định: “Em đã có thêm kiến thức về việc thuyết trình, biết cách giao tiếp, ứng xử với khán giả là những đối tượng khác nhau. Qua đây em thấy ai cũng nên tập nói trước đám đông, dù già hay trẻ, để cải thiện sự tự tin của mình.”


Các em học sinh tự tin dẫn dắt và điều phối tất cả các hoạt động trong chương trình


Học sinh trợ giúp các bố mẹ thực hiện thử thách

Chương trình hội thảo đã trở thành một kỷ niệm đáng nhớ đối với mỗi người tham gia, là dịp để các em học sinh thể hiện được những kỹ năng mình được học, để từ đó các bậc phụ huynh cũng hiểu hơn để đồng hành tốt hơn với các thầy cô giáo, hỗ trợ các em trong học tập, cuộc sống khi áp dụng kỹ năng thế kỷ 21.