fbpx

“Góc bình tĩnh” – phương pháp giáo dục trẻ quản lý cảm xúc lành mạnh

Thứ Ba, 23/08/2022, 16:08 (GMT+7)

“Góc bình tĩnh” là một không gian được thiết kế tại nhà hoặc lớp học – đóng vai trò giúp trẻ học các kỹ năng quý giá để điều chỉnh cảm xúc, tự suy ngẫm hoặc đơn giản là một nơi thư giãn. Theo nhà tâm lý học trẻ em lâm sàng Donna Housman, Ed.D: “Góc bình tĩnh là một nơi tuyệt vời khi trẻ có những cảm xúc mạnh mẽ cần được giải phóng và làm dịu chúng một cách an toàn và trong tầm kiểm soát”.

1. Lợi ích của “Góc bình tĩnh”

Góc bình tĩnh có thể được sắp xếp đơn giản, với một chiếc ghế xốp mềm, một tấm thảm và vài quyển sách…hoặc cầu kỳ hơn là với tranh ảnh, âm nhạc, hương thơm thư giãn và những hoạt động giảm căng thẳng mà trẻ yêu thích. Những lợi ích tuyệt vời về khía cạnh Cảm xúc – Xã hội mà Góc bình tĩnh mang lại cho trẻ, như là:

* Tự nhận thức và Quản trị bản thân: Không gian này được thiết kế với nhiều hoạt động giảm căng thẳng, giúp trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái để thực hành xác định, đón nhận & tự điều chỉnh cảm xúc của mình. Đồng thời, trẻ học cách kiểm soát hành vi bốc đồng và thiết lập kỷ luật, từ đó thúc đẩy lòng tự trọng của trẻ và phát triển kỹ năng giao tiếp.

* Kỹ năng giải quyết vấn đề & Phát triển Trí tuệ cảm xúc (EQ): Theo thời gian, việc lặp lại hoạt động tại không gian này giúp trẻ đón nhận các vấn đề một cách bình tĩnh hơn, bởi vì trẻ được đồng hành bởi “kỷ luật đi kèm tình yêu thương” của cha mẹ. Kỹ năng giải quyết vấn đề một cách cân bằng và lành mạnh chính là nền tảng của Trí tuệ cảm xúc.

* Xây dựng khả năng tự phục hồi: Khi đối diện với những cảm xúc khó khăn mà vẫn được hỗ trợ và thấu hiểu, trẻ sẽ xây dựng được hệ thống thần kinh não bộ cho phép con bình tĩnh khi đối mặt với khó khăn và nghịch cảnh trong suốt phần đời còn lại của mình.

* Trẻ hợp tác hơn với người lớn & rèn luyện được kỹ năng phát triển mối quan hệ: Chắc hẳn sau mỗi lần tự điều chỉnh được cảm xúc, rút ra được bài học cùng với cha mẹ, trẻ sẽ trở nên hợp tác hơn và truyền đạt cảm xúc của mình một cách tốt hơn. Khi ấy, khả năng đồng cảm của trẻ sẽ giúp trẻ phát triển mối quan hệ bền chặt hơn với những người xung quanh.

2. Khi nào cần sử dụng “Góc bình tĩnh”

* Thư giãn

Trẻ có thể dành thời gian ở Góc bình tĩnh để thực hiện các hoạt động thư giãn như đọc sách, tô màu, thổi bóng, yoga cùng mẹ… Điều quan trọng là không nên khiến cho góc này thành một nơi mà “con chỉ tới đây khi có những hành vi sai trái/cảm xúc tiêu cực”. Việc sử dụng Góc bình tĩnh cho các hoạt động thư giãn giúp trẻ làm quen với góc này một cách thân thiện hơn. Và khi đã quen với cảm giác được xoa dịu ở nơi ấm cúng này, trẻ sẽ tự bắt đầu sử dụng nó khi cần bình tĩnh.

* Điều chỉnh cảm xúc

Đây được coi là một phương pháp rất tốt để thay thế các hình phạt hay time-out trước đây thường được sử dụng (đứng góc, úp mặt vào tường…) để trẻ có thể dành thời gian cho cảm xúc của mình, sau đó là học kỹ năng hít thở, tự suy ngẫm và điều chỉnh cảm xúc.

Ví dụ, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ sử dụng “Góc bình tĩnh” khi:

  • Trẻ mè nheo, tức giận, hung hăng, kích động…
  • Trẻ không nghe lời, mâu thuẫn/xô xát với anh chị em…
  • Khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu của cảm xúc sắp leo thang: như nghiến răng, nắm chặt tay, la hét, cau mày và ném đồ vật …

Một ví dụ tham khảo về cách sử dụng “Góc bình tĩnh” để điều tiết cảm xúc:

  • Khi con bắt đầu khóc, hoặc có hành vi sai lầm, cha mẹ cần nói với con một cách nhẹ nhàng nhưng đủ cương quyết: “Con không được phép làm như vậy”.
  • Sau đó, cùng với con đi ra “Góc bình tĩnh”. Ở đó, cha mẹ lắng nghe cảm xúc của con, rồi để con dành thời gian với cảm xúc một mình, xung quanh là những hoạt động giảm căng thẳng có sẵn để con có thể tự điều chỉnh cảm xúc.
  • Sau khi con bình tĩnh lại và trở nên tiếp thu hơn, đó là lúc cha mẹ có thể cùng con trò chuyện và suy ngẫm, rút ra bài học.

3. Gợi ý cách sắp xếp “Góc bình tĩnh”

* Không gian: Cha mẹ có thể lựa chọn một góc phòng chơi, phòng ngủ, góc hành lang… để tạo một không gian an toàn, thư giãn và yên tĩnh. Một chiếc ghế xốp/ghế hạt đậu hoặc một chiếc lều nhỏ cũng là một gợi ý tuyệt vời.

* Âm nhạc và Mùi hương: Một số trẻ sẽ thích âm nhạc êm dịu (chuẩn bị tai nghe hoặc máy tiếng ồn trắng), tinh dầu thư giãn như lavender…

* Sách và đồ chơi mềm mại quen thuộc: như truyện, sách tô màu, thú bông yêu thích… và cả nhật ký dành cho các trẻ lớn hơn…

* Hoạt động giảm căng thẳng: Các hoạt động giác quan đặc biệt giúp trẻ được xoa dịu như:

  • Squishy, xốp bong bóng, fidget spinners, stress balls, pop-it…
  • Các lọ nhiều màu sắc, long lanh, nhiều hạt cườm để lắc…
  • Cát, đất nặn, slime…
  • Chong chóng, các hình ảnh hướng dẫn hoạt động hít thở…
  • Các bức tranh, ảnh gia đình nho nhỏ…

Việc thiết kế, sắp xếp Góc bình tĩnh nên có sự lắng nghe từ ý tưởng của chính trẻ để phù hợp nhất. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ sử dụng góc này trước khi trẻ có những cảm xúc khó khăn, để đến khi cần sử dụng, trẻ sẽ phần nào nhớ được mình cần làm gì. Cha mẹ cũng có thể làm mẫu cho con bằng cách, khi chính cha mẹ có những cảm xúc tiêu cực, có thể ngồi tập hít thở/yoga/thiền tại góc này. Theo thời gian, việc sử dụng “Góc bình tĩnh” sẽ là một phương pháp tuyệt vời để cha mẹ đồng hành với con trên hành trình thấu hiểu, khám phá và quản trị cảm xúc của chính mình một cách lành mạnh nhất.

Nguồn tham khảo: Parents & AhaParenting