fbpx

Chọn tổ hợp môn như thế nào để phù hợp với năng lực và định hướng tương lai?

Thứ Hai, 12/09/2022, 09:09 (GMT+7)

“Sau này con muốn làm nghề gì?” Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này lại trở nên khó trả lời với nhiều học sinh lớp 10 năm nay.

Theo Chương trình Giáo dục Phổ Thông mới được ban hành năm 2018, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 10 sẽ chọn các môn học theo định hướng nghề nghiệp. Lựa chọn tổ hợp môn trong giai đoạn hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy thế mạnh, năng lực của từng học sinh. Có lựa chọn nghề nghiệp rõ ràng ngay từ sớm giúp các em có hứng thú tự nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực mình quan tâm, cũng như phát triển tư duy độc lập.

Ngay từ năm học 2019-2020, Hệ thống giáo dục Vinschool đã thực hiện phân chia chương trình giáo dục tổng thể thành hai giai đoạn: giáo dục toàn diện từ lớp 1 đến lớp 10 và giáo dục hướng nghiệp ở lớp 11 và lớp 12. Đây là hướng đi của nhiều nước trên thế giới, phù hợp với xu hướng giáo dục và xét tuyển Đại học trong nước và quốc tế. Tìm hiểu lộ trình giúp Vinser ứng tuyển thành công các trường Đại học trong nước và quốc tế TẠI ĐÂY

Để lựa chọn tổ hợp môn hiệu quả và có tính ứng dụng về lâu dài, các cố vấn học tập tại Vinschool gợi ý ba mẹ và các bạn học sinh nên làm theo các bước sau:

1. Trao đổi cùng con

Để giúp con chủ động và tự đưa ra quyết định, cha mẹ có thể hướng dẫn con trả lời các câu hỏi sau:

– Nhóm nghề mà con muốn theo đuổi là gì? Quản trị, Giáo dục, hay Công nghệ? Khoa học, Truyền thông, Kinh doanh….

– Năng lực học tập của con như thế nào? Con thích môn học nào? Học tốt môn nào?

– Để làm việc ở các nhóm nghề trên, có những ngành đào tạo nào phù hợp?

  •  Nhóm nghề Giáo dục: có ngành Sư phạm, Tâm lý …
  •  Nhóm nghề Quản trị có ngành Quản trị nhân lực hay Quản trị kinh doanh?

– Các trường Đại học nào có đào tạo ngành trên, Hình thức đào tạo của trường là gì? Điều kiện xét tuyển của trường là gì? Tổ hợp môn xét tuyển của trường ĐH ra sao?

Cuối cùng mới nên đưa ra đề xuất cần học những Môn học nào để đáp ứng được điều kiện tuyển sinh của trường, hay tổ hợp môn xét tuyển của ngành đó.

2. Tìm hiểu về lựa chọn môn học từ 3 nhóm môn

Sau khi lựa chọn được những Môn học phù hợp với điều kiện tuyển sinh, Ba mẹ và con nên tìm hiểu kỹ về các môn học mà nhà trường cung cấp. Bởi việc lựa chọn môn học “cá nhân hóa” với mỗi ngành /yêu cầu ứng tuyển đại học sẽ giúp bạn nổi bật trước Hội đồng tuyển sinh.

Ở Vinschool, mỗi học sinh có một lộ trình học tập cá nhân và các em được tự lựa chọn môn học trong gần 50 môn nhà trường cung cấp, theo mô hình “Đại học thu nhỏ”. Theo đó, từ lớp 1 – 10, học sinh sẽ được học toàn diện các môn học, theo 06 nhóm môn học bao gồm: Lĩnh vực Ngôn ngữ, Lĩnh vực Khoa học Xã hội, Lĩnh vực Khoa học và công nghệ thông tin, Lĩnh vực Toán, Lĩnh vực Nghệ thuật, và Lĩnh vực Giáo dục cá nhân. Ở lớp 11 và 12, các bạn sẽ chọn tối thiểu 5 môn và tối đa 8 môn, được chia thành 03 nhóm môn:

  • Môn học bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.
  • Môn học giúp định hướng Tốt nghiệp và Đại học: như tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân)
  • Môn Định hướng Nghề và Phát triển cá nhân: Kinh tế học, Tâm lí học, Khoa học máy tính, Tư duy phản biện, Triết học,…

Lời khuyên là hãy ưu tiên “Chất lượng” hơn số lượng bởi điều quan trọng là kết quả học tập của các môn học mà con đã lựa chọn, thay vì chọn quá nhiều môn học và đạt kết quả “trung bình”.

3. Những điều nên và không nên khi lựa chọn môn học

Ba mẹ và các em học sinh nên tìm hiểu các thông tin hữu ích trong cuốn Cẩm nang Hướng nghiệp và Ứng tuyển Đại học được Vinschool đăng tải trên hệ thống LMS của Vinschool, bao gồm các thông tin về ngành nghề và yêu cầu kiến thức, kỹ năng của từng ngành nghề, nhóm ngành nghề; quy chế, yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học; yêu cầu của từng môn học tại trường…

Hãy trao đổi với thầy cô, đặc biệt là các giáo viên bộ môn hoặc cố vấn học tập tại trường.

Không nên lựa chọn môn học vì bạn bè xung quanh chọn, hoặc chỉ vì được học cùng bạn bè, chọn môn học ngược với logic chọn môn (đi từ nhóm ngành – ngành – trường đại học – quy chế và phương thức tuyển sinh của các trường – chọn môn trong 03 nhóm môn) hoặc không hề có trong định hướng.

Ba mẹ chỉ nên đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi ý, đồng hành và hãy để con là người quyết định cuối cùng.