fbpx

Ảnh hưởng từ mạng xã hội đến sức khỏe tinh thần của các con và cách ứng phó

Thứ Năm, 14/10/2021, 17:10 (GMT+7)

Internet là một không gian đa chiều, mang đến một kho dữ liệu về tri thức cho con người, với tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng… Nếu khai thác, sử dụng hợp lý thì nó sẽ giúp người sử dụng hạn chế được rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Thế hệ GenZ và Alpha là hai thế hệ sinh ra từ mạng internet và smartphone.

Theo đó, các con tồn tại như một thể thống nhất với công nghệ nói chung. Việc gắn kết cuộc sống với internet mang đến nhiều trải nghiệm mang tính cách mạng so với các thế hệ trước. Tuy nhiên, các hệ lụy của nó là điều tất yếu không tránh khỏi. Các ảnh hưởng tiêu cực từ internet có những tác động không nhỏ đến đời sống sức khỏe tinh thần của các con. Trong giai đoạn giãn cách bởi đại dịch COVID-19, internet lại là một phương tiện cực kỳ quan trọng để các con có thể tham gia học online, duy trì việc học không bị gián đoạn. Vì vậy, việc các con tham gia vào mạng xã hội là không tránh khỏi, đôi khi nó còn là yếu tố cần thiết hỗ trợ cho việc trao đổi kiến thức và tiếp thu tinh hoa tri thức.

Việc hiểu rõ các nguy cơ tiềm ẩn và cách kiểm soát tác động của mạng xã hội sẽ phần nào giúp phụ huynh ngăn chặn, giảm thiểu các hệ lụy không đáng có đến sức khỏe tinh thần cũng như phát huy được hết vai trò của mạng xã hội đến chất lượng học tập và đời sống của con.

Trước tiên, các bậc phụ huynh cần hình dung rõ các hệ lụy có thể đến từ mạng xã hội như sau:

Hệ lụy trực tiếp, theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài sẽ tác động rất xấu đến tâm sinh lý của trẻ như: làm trẻ tăng nguy cơ béo phì lên tới hơn 30%, tăng nguy cơ mất ngủ lên 55%, suy giảm hệ thống miễn dịch do tiếp xúc với vi khuẩn trên điện thoại, gây ra các bệnh tim mạch cho trẻ, gia tăng tính bạo lực, giảm sự tập trung của trẻ… (*)

Hệ lụy gián tiếp:

Mạng xã hội được xem là thế giới ảo nhưng tác động đến con người là thật.

Không gian mạng xã hội là một yếu tố vô cùng quan trọng ngày nay trong việc kết nối giữa người với người, các kênh như Facebook, Instagram, Tik Tok, Twitter, Tumblr, Zalo, Telegram,  BIGO LIVE,… là các mạng xã hội mà giới trẻ ưa chuộng và sử dụng thường xuyên nhất hiện nay. Đặc điểm của các trang mạng xã hội này là tính giải trí cao, thông tin đa dạng về chiều rộng lẫn chiều sâu, có sự trộn lẫn giữa những thông tin tốt và xấu, xác thực và không xác thực. Mỗi người có thể sở hữu số tài khoản không giới hạn và có quyền phát ngôn tự do. Mặc dù Luật An ninh mạng của Việt Nam đã có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019 nhưng tính kiểm chứng và tính trách nhiệm trong đưa tin cũng còn nhiều lỏng lẻo.

Vì vậy, hiện nay nhiều thông tin trên mạng xã hội vẫn còn hàm chứa nội dung xấu, độc hại, mang tính dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo… Với đặc tính hấp dẫn, trong quá trình tiếp nhận thông tin nếu người trẻ thiếu đi các góc nhìn đa chiều và tư duy phản biện thì sẽ có thể dễ bị lôi cuốn vào các trang mạng xã hội nói trên. Sự sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó gây hậu quả xao nhãng việc học hành, giảm năng suất, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và là nguồn cơn của việc hình thành, phát triển các nhóm quan điểm sai lệch, tính cách thực dụng, tha hóa, đi ngược với thuần phong mỹ tục và các giá trị đạo đức truyền thống.

“Cô đơn trên mạng” không phải là một lời nói ngoa…

Nghiện internet nói chung và mạng xã hội nói riêng ở nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi như thanh thiếu niên đang trở thành một vấn đề phổ biến bởi vì nó có liên quan đến các vấn đề về trầm cảm, lòng tự trọng và sự cô đơn. Việc sử dụng thụ động các trang mạng xã hội có thể dẫn đến việc trở thành một yếu tố nguy cơ làm tăng mức độ trầm cảm. (*)

Mạng xã hội là nơi mà gần như mọi người có thể phô bày những điều mà mình thường không thể chia sẻ với ai trong thường nhật. Nhưng chúng ta luôn có khuynh hướng chỉ nhìn vào sự hạnh phúc của một nhóm người nào đó và bỏ qua những dấu hiệu mặc cảm của nhóm người khác. Các con chỉ đang ở độ tuổi học tập và tích lũy trải nghiệm, vì vậy dễ có xu hướng so sánh bản thân với bạn bè đồng trang lứa. Sự so sánh đó có thể đến từ vẻ đẹp ngoại hình trên mạng xã hội, sự hạnh phúc gia đình củ người khác, thành tích nổi bật của các cá nhân hoặc thậm chí là so sánh về độ sành điệu của các thiết bị công nghệ mà các con đang sử dụng bởi tính năng chụp ảnh của chúng,… những điều này sẽ gây nên cảm giác tự ti, thui chột. Đồng thời, gần đây 2 mạng xã hội sôi nổi nhất toàn cầu là Facebook và Instagram đã cho phép tính năng ẩn đi lượt tương tác để người dùng có thể tập trung vào nội dung đăng tải thay vì mặc cảm tỉ lệ tương tác lẫn nhau. Như vậy chứng tỏ khi sử dụng mạng xã hội, mọi người cũng thường có khuynh hướng đặt ra kỳ vọng sẽ nhận được nhiều sự chú ý của người khác, nếu như điều đó không đạt được mong đợi, sẽ vô tình hình thành sự mặc cảm và gia tăng sự cô đơn trên mạng.

Như vậy có thể thấy, tính hai mặt của các vấn đề là yếu tố tất yếu khách quan, mạng xã hội cũng không ngoại lệ. Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội đến người trẻ đều có một phần trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường, xã hội. Bản thân các con cũng cần được trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia các trang mạng xã hội thì mới có thể tự mình hình thành khả năng phòng vệ trước những chiều hướng muôn mặt của mạng xã hội nói riêng và internet nói chung.

Vậy Phụ huynh có thể làm những gì để giúp con, dưới đây là một vài gợi ý:

  • Bản thân phụ huynh phải thực sự hiểu hết được các nguy cơ từ các trang mạng xã hội, dựa theo mức độ thấu hiểu con cái để có phương án hướng dẫn, định hướng các con sử dụng đúng cách thay vì ra sức cưỡng chế, áp đặt. Phụ huynh cần nhấn mạnh việc “không cấm đoán sử dụng, nhưng bắt buộc phải sử dụng có chừng mực và hợp lý”.
  • Cho con tự xác định mục đích và tần suất tham gia mạng xã hội. Giữa phụ huynh và các con nên có sự cam kết lẫn nhau về thời gian, phương thức, tần suất sử dụng mạng xã hội sao cho phù hợp với nhu cầu, mục đích và độ tuổi của con. Rèn luyện thói quen tuân theo tần suất cố định đã đặt ra, sử dụng đúng đắn, hữu ích, không bị lệ thuộc, chìm đắm vào thế giới ảo điều đó vừa làm mất thời gian vừa ảnh hưởng đến việc học tập.
  • Thường xuyên giáo dục, định hướng giá trị nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người cho con, rèn luyện bản lĩnh sống trong sạch, lành mạnh, tự trọng, tự chủ trong suy nghĩ và hành động, sống có lòng trắc ẩn, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó nâng cao sức đề kháng trước tác động tiêu cực của các luồng thông tin nói chung và mạng xã hội nói riêng để tự mình biết cách phân loại, chọn lọc và tiếp nhận thông tin.
  • Lấp đầy các khoảng trũng thời gian, tránh tạo cơ hội cho các con cảm thấy chán nản vì thời gian trôi qua vô bổ bằng cách tham gia vui chơi, giải trí lành mạnh, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm tâm sinh lý và năng khiếu của con. Các hoạt động đó có thể thuộc các nhóm: văn hóa, văn nghệ, thể thao, nghệ thuật, đọc sách,… vừa để nâng cao đời sống tinh thần, vừa rèn luyện kỹ năng sinh tồn, cũng vừa là môi trường thuận để kết bạn, giao lưu học tập lẫn nhau. Nếu sự kết nối đó mở rộng ra phạm vi quốc tế thì đồng thời qua đó học tập ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa, thấu hiểu và giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị truyền tốt đẹp của quốc gia.
  • Riêng trong mùa dịch COVID-19, các phụ huynh cần tăng thời gian trao đổi, trò chuyện, tương tác trực tiếp, định hướng con đến những sở thích như: hội họa, âm nhạc, thể dục thể thao hoặc các trò chơi vận động trong không gian nhỏ… Đồng hành, làm bạn, trò chuyện, vui chơi để kịp thời ngăn chặn suy nghĩ, lối sống tiêu cực ảnh hưởng từ mạng xã hội của con em mình.
  • Hơn hết là việc phụ huynh cần làm gương cho con trong cách sử dụng mạng xã hội của mình. Chia sẻ những điều bổ ích, tích cực, có góc nhìn xác thực,… chia sẻ những kỷ niệm cũng như những thông tin ý nghĩa, mang tính truyền cảm hứng để giúp con theo đó học hỏi và hình thành thói quen sử dụng phù hợp.

Trong thế giới luôn thay đổi của chúng ta, việc sử dụng công nghệ nói chung và mạng xã hội liên tục được mở rộng, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Công nghệ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống, nhất là thế hệ con em chúng ta sẽ còn thừa hưởng và phát huy hơn nữa vai trò cũng như sự gắn bó với các nền tảng này. Việc trang bị khả năng miễn dịch trước thời đại số và khả năng phân loại thông tin từ mạng xã hội cũng được xem như là một loại vaccine công nghệ. Nếu không triệt để trong cách làm, về lâu dài sẽ gây các hệ lụy không đáng có, ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống tinh thần và chất lượng học tập của các con.

(*)  Children’s Bureau’s Blog (30/9/2019), Effects of Technology on Mental Health. Truy xuất từ https://www.all4kids.org/news/blog/effects-of-technology-on-mental-health/